Tin tức - Sự kiện

Đà Lạt 130 năm: Từ thiên đường nghỉ dưỡng đến “thánh đường” nghệ thuật

DNVN - Đà Lạt đánh dấu cột mốc 130 năm hình thành và phát triển bằng danh hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO. Đây là cơ hội, động lực để nâng cao vị thế của Đà Lạt – Lâm Đồng trong nền công nghiệp văn hóa, để Đà Lạt không chỉ là thiên đường du lịch nghỉ dưỡng mà còn là “thánh đường” nghệ thuật, là trung tâm văn hóa sáng tạo.

Phút hồi hộp chờ Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO / Mang nghệ thuật đến gần hơn với người dân, du khách Đà Lạt

Từ thiên đường nghỉ dưỡng…

Từ cuối thế kỷ 19, người Pháp đã nhìn thấy tiềm năng của cao nguyên LangBiang xinh đẹp trập trùng thông reo, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, yên bình. Họ đã biến Đà Lạt thành một khu nghỉ dưỡng ẩn mình dưới thiên nhiên hoang sơ và là nơi cung cấp hoa, rau củ quả quan trọng cho người Pháp ở khu vực Nam Kỳ. Đà Lạt được mệnh danh là Paris thu nhỏ, ví von như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX.

Đà Lạt được mệnh danh là thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng của du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Internet.

Đà Lạt được mệnh danh là thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng của du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Internet.

Ngày nay, với vẻ đẹp quyến rũ của mình, Đà Lạt không chỉ là nơi để du khách đến thư giãn mà còn là nguồn cảm hứng dạt dào cho những người yêu thi ca, nghệ thuật. Sự hài hòa giữa khí hậu mát mẻ, không khí trong lành và bức tranh lãng mạn vùng cao nguyên là yếu tố giúp Đà Lạt thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.

Rất nhiều du khách tìm đến Đà Lạt không chỉ để tham quan, khám phá, trải nghiệm các dịch vụ mới, mà còn để “chữa lành” tâm hồn khi được sống giữa thiên nhiên, hít hà không khí se lạnh, chậm rãi tản bộ dưới gốc thông già để lòng mình lắng lại.

Sau 130 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt đã trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế; thành phố Festival hoa duy nhất của Việt Nam, thành phố thông minh, thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO, tiếp tục phấn đấu xây dựng trở thành đô thị di sản thế giới. Đà Lạt 2 lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn nhất châu Á.

Không gian biểu diễn nghệ thuật ngoài trời tại Đà Lạt.

Một không gian biểu diễn nghệ thuật ngoài trời tại Đà Lạt.

Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP Đà Lạt, hàng năm đón trên 6 triệu lượt khách. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ với gần 2.500 cơ sở lưu trú, 32.000 phòng. Bên cạnh đó, có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh nhà hàng - ăn uống, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của du khách.

Đến “thánh đường” nghệ thuật

Đà Lạt tuy không sở hữu bề dày về văn hóa lịch sử như nhiều đô thị khác nhưng luôn được đánh giá là đô thị duy nhất tạo được ấn tượng nổi trội về sự khác biệt mà không đô thị nào có được. Với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc các thành phần cư dân, quy hoạch, kiến trúc châu Âu đặc trưng và nổi tiếng là một thành phố yên bình, lãng mạn, Đà Lạt thu hút nhiều trí thức, nghệ sĩ tài năng đến để sáng tạo nghệ thuật.

Là thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO, Đà Lạt có nhiều cơ hội để lưu truyền di sản âm nhạc.

Là thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO, Đà Lạt có nhiều cơ hội để lưu truyền di sản âm nhạc.

Đà Lạt đã khơi nguồn cảm hứng cho hơn 300 bài hát, hơn 30 bộ phim từng tham gia các kỳ Liên hoan phim Việt Nam có bối cảnh tại Đà Lạt. Và việc được gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc là một danh hiệu xứng đáng dành cho Đà Lạt. Đây sẽ là chiến lược phát triển của thành phố với trọng tâm và ưu tiên để bảo đảm mỗi người dân đều được phát huy khả năng sáng tạo, tham gia và thụ hưởng văn hoá, nghệ thuật bình đẳng, tạo nên bản sắc riêng biệt cho Đà Lạt.

Trong 4 năm đầu tiên sau khi đạt được danh hiệu, với sự tham gia của các bên liên quan, Đà Lạt sẽ huy động được nguồn lực bước đầu của địa phương, quốc gia và quốc tế để tiếp tục lưu truyền di sản âm nhạc của Đà Lạt gồm dân ca, dân vũ, đặc biệt là cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Đồng thời phát triển các loại hình âm nhạc đương đại, và khám phá sự tương tác mới mẻ giữa chúng.

Là thành phố sáng tạo âm nhạc đầu tiên của Việt Nam, Đà Lạt sẽ trở thành nơi kết nối trọng điểm về âm nhạc của Việt Nam với quốc tế thông qua trao đổi kinh nghiệm và thực hành tốt nhất giữa các thành phố trong mạng lưới, đặc biệt là khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Các dự án và sự kiện âm nhạc, chương trình đào tạo và lưu trú quốc tế sẽ được thực hiện để nuôi dưỡng nguồn nhân lực âm nhạc chất lượng cao, phát triển cộng đồng âm nhạc có thị hiếu đa dạng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và kinh doanh của các doanh nghiệp sáng tạo.

Cơ hội để Đà Lạt trở thành “thánh đường” nghệ thuật.

Cơ hội để Đà Lạt trở thành “thánh đường” nghệ thuật.

Có thể nói, so với nhiều thành phố trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Đà Lạt chỉ là một địa phương nhỏ với hoạt động âm nhạc còn khiêm tốn. Do đó, còn rất nhiều việc phải làm sau khi Đà Lạt đạt được danh hiệu. Bởi đây không phải là một danh hiệu để theo đuổi kiểu phong trào mà là một sự nghiệp lâu dài và đầy thử thách, đòi hỏi một nỗ lực cao của nhiều tổ chức – đơn vị - cá nhân cũng như cộng đồng xã hội cùng chung tay thực hiện.

Có như thế, Đà Lạt mới trở thành “thánh đường” nghệ thuật, là trung tâm văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và giải trí cấp vùng; địa điểm nổi bậc cho sự sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Đồng thời là một đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc theo mục tiêu, định hướng Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cũng như Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng, đã đề ra.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm