Phạt ẩu doanh nghiệp, Cục An toàn thực phẩm bị xử thua kiện
DNVN - Cho rằng bị xử phạt và buộc tiêu hủy 2 lô sản phẩm bảo vệ sức khỏe không đúng quy định, Cty CP Dược phẩm Linh Đạt (xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) đã khởi kiện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Thanh niên dân tộc Nùng tử vong do sử dụng điện thoại khi đang sạc pin / Hà Tĩnh: Cụ ông 80 tuổi chết dưới mương nước sau nhiều ngày mất tích
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 4/7/2019, TAND tỉnh Hưng Yên đã tuyên hủy toàn bộ Quyết định xử phạt của Cục An toàn thực phẩm (ATTP) sau khi khẳng định Quyết định này ban hành sai về thẩm quyển, thủ tục và thiếu căn cứ pháp lý.
Buộc tiêu hủy sản phẩm khi chưa chứng minh được tác hại
Thực hiện Quyết định của Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), ngày 2/8/2018 Đoàn kiểm tra về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe (BVSK) tại Cty CP Dược phẩm Linh Đạt (Cty Linh Đạt) và lấy 10 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe để kiểm nghiệm.
Sau khi tiến hành kiểm nghiệm, Cục ATTP cho rằng 2 sản phẩm BVSK mà Cty Linh Đạt đang phân phối là Rasmuseld hoạt huyết dưỡng não (số lô 360318) và Kezakol (số lô 1440317, đều do Cty Dược phẩm và Thương mại Phương Đông sản xuất) không phù hợp chỉ tiêu đã công bố. Ngày 25/1/2019, Cục ATTP đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Cty Linh Đạt về lỗi “bán sản phẩm, hàng hóa” có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố, áp dụng (tổng giá trị hàng hóa vi phạm là gần 192 triệu đồng).
Tiếp đó, ngày 31/1/2019, ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP đã ký Quyết định số 13/QĐ-XPVPHC xử phạt Cty Linh Đạt hơn 287 triệu đồng, buộc Cty thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm BVSK Rasmuseld hoạt huyết dưỡng não và Kezakol (theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định 119/2017 quy định xử phạt trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa).
Lô sản phẩm Kezakol của Cty Linh Đạt bị Cục ATTP yêu cầu “cất kho” trong khi lô hàng chỉ còn hạn sử dụng trong 7 tháng.
Cho rằng quyết định trên là không đúng quy định và thiếu cơ sở pháp lý, Cty Linh Đạt đã khởi kiện Cục trưởng Cục ATTP tại TAND tỉnh Hưng Yên, đề nghị hủy toàn bộ quyết định xử phạt. Đặc biệt, việc Cục ATTP yêu cầu tiêu hủy sản phẩm trong khi chưa chứng minh được việc “gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi cây trồng và môi trường” là sai quy định, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Xử phạt sai thẩm quyền, thiếu căn cứ
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 4/7 vừa qua, ông Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP (đại diện cho người bị kiện) vẫn không chứng minh được việc sản phẩm của Linh Đạt “gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi cây trồng và môi trường” như thế nào. Chính vì vậy, đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên đã đề nghị HĐXX tuyên hủy 1 phần quyết định xử phạt (phần khắc phục hậu quả).
Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ Quyết định xử phạt hành chính số 13/QĐ-XPVPHC của Cục ATTP vì cho rằng Quyết định này sai cả về hình thức, thẩm quyền, lẫn căn cứ xử phạt.
Theo HĐXX, Quyết định số 13/QĐ-XPVPHC căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính đối với Cty Linh Đạt nhưng việc lập biên bản này là không đúng đối tượng (không phải là người đại diện hợp pháp), gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Cty Linh Đạt.
Về thẩm quyền, quyết định xử phạt số 13/QĐ-XPVPHC đã căn cứ Quyết định số 1034/QĐ-ATTP ngày 7/12/2017 (có nội dung Cục trưởng ủy quyền cho Cục phó Đỗ Hữu Tuấn ký các quyết định xử phạt). Tuy nhiên, việc ủy quyền theo Quyết định này chỉ có thời hạn 1 năm, tức là việc ủy quyền kết thúc vào ngày 7/12/2018. Vì vậy, việc ông Đỗ Hữu Tuấn ký quyết định xử phạt Cty Linh Đạt vào ngày 31/1/2019 là không đúng thẩm quyền.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án ND tỉnh Hưng Yên.
Đánh giá về nội dung Quyết định xử phạt, HĐXX nhận định, theo Phiếu kết quả phân tích phục vụ cho việc đăng ký sản phẩm (năm 2015) thì đơn vị kiểm nghiệm dùng phương pháp thử TCVN 6121:2010 để tính hàm lượng Caxi gloconate. Tuy nhiên, theo phiếu kiểm nghiệm ngày 29/8/2018, đơn vị kiểm nghiệm lại tính hàm lượng Caxi gloconate theo phương pháp thử là H.HD.QT.176. Như vậy, hai phương pháp thử này là khác nhau nên không đủ cơ sở để kết luận về phần tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Tại Tòa, chính ông Tuấn cũng thừa nhận việc kiểm nghiệm vào năm 2015 là có sai sót.
Phiếu kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thể hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm diễn ra vào 7/8/2018, nhưng trong khi đó thì biên bản cho việc lấy mẫu từ Cty Linh Đạt diễn ra vào ngày 2/8/2018. Chính vì vậy HĐXX nghi vấn: “Vậy, mẫu này có đúng với mẫu sản phẩm lấy ngày 2/8 khi Đoàn kiểm tra Cty Linh Đạt hay không?”.
Về biện pháp khắc phục hậu quả “buộc tiêu hủy”, HĐXX nhận định, Cục ATTP đã chưa đưa ra được căn cứ chứng minh sản phẩm gây hại cho con người, môi trường, cũng chưa chứng minh được sản phẩm đã vượt quá hàm lượng đã công bố. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế thì còn nhiều hình thức khắc phục hậu quả khác (như: ghi lại nhãn.....)
Từ những nhận định trên, HĐXX cho rằng Quyết định xử phạt số 13/QĐ-XPHC của Cục ATTP đã vi phạm về thẩm quyền, thủ tục và thiếu căn cứ hoặc căn cứ không đúng nên đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Linh Đạt, tuyên hủy toàn bộ Quyết định xử phạt số 13/QĐ-XPHC của Cục ATTP.
Nam Khánh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo