Tin tức - Sự kiện

Phát triển công nghiệp văn hóa - Bài 1: Văn hóa thúc đẩy kinh tế phát triển

Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Hội nghị quốc tế phẫu thuật cột sống ít xâm lấn ASEAN lần đầu tổ chức tại Việt Nam / Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội

Tại Việt Nam, công nghiệp văn hóa tuy còn non trẻ, nhưng đã có những thành tựu đáng khích lệ, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, cần có những thay đổi trong chính sách để công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển.

Để làm rõ hơn về nội dung này, phóng viên TTXVN đã thực hiện chùm hai bài viết với chủ đề về phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Sôi động chương trình biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink tại Sân vận động Mỹ Đình. Ảnh tư liệu: Thanh Loan/TTXVN

Bài 1: Văn hóa thúc đẩy kinh tế phát triển

Các nước xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… coi công nghiệp văn hóa như “gà đẻ trứng vàng”. Ở Việt Nam, dù còn non trẻ, nhưng công nghiệp văn hóa cũng đã có những đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế, góp phần bảo tồn văn hóa và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.

Văn hóa - động lực phát triển kinh tế

Hai đêm concert của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink vào tháng 7/2023 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã bán ra 67.443 vé, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Tổng doanh thu mang về gần 13,7 triệu USD (tương đương hơn 331 tỷ đồng), cao kỷ lục trong lịch sử tổ chức sự kiện giải trí tại Việt Nam. Theo số liệu từ nền tảng đặt khách sạn trực tuyến nổi tiếng ở Việt Nam, lượng tìm kiếm phòng, nơi nghỉ ngơi khi đến Hà Nội trong tuần trước khi diễn ra đêm diễn của BlackPink tăng gấp 10 lần… Những con số ấn tượng đó là minh chứng cho thấy, văn hoá không chỉ dừng lại ở giải trí mà chính là động lực phát triển của nền kinh tế.

Theo thống kê trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, hoạt động sáng tác nghệ thuật giai đoạn 2018-2022 có sự tăng trưởng (riêng giai đoạn 2021 có sụt giảm so với năm 2020 do tác động của dịch bệnh), giá trị sản xuất bình quân tăng 5,59%/năm, giá trị gia tăng của lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bình quân tăng 5,67%/năm.

 

Cả nước hiện có 130 đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống và biểu diễn thực cảnh đang được khai thác hiệu quả để trở thành sản phẩm mũi nhọn phục vụ công chúng. Đây là những hoạt động cần tiếp tục đầu tư khuyến khích phát triển để tạo ra các giá trị nghệ thuật mới, các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao hơn, có sức cạnh tranh, phổ biến ra thị trường khu vực và quốc tế.

Trong các ngành công nghiệp văn hóa, điện ảnh cũng là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh. Theo thống kê, giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất bình quân lĩnh vực điện ảnh tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm, nguồn lực lao động bình quân tăng 8,05%/năm, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh bình quân tăng 8,39%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng (50 triệu USD). Sau mấy năm bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, đến năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỷ đồng), tương đương khoảng 90% trước đại dịch, từ tổng số 1.100 rạp chiếu trên cả nước. Theo thống kê trênBox Office Vietnam, doanh thu phim Việt đầu năm 2024 đạt con số ấn tượng với trên600 tỷ đồng.

Du lịch văn hóa cũng là một trong những điểm sáng của phát triển công nghiệp văn hóa, bởi, sự phát triển của du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Việt Nam còn là đất nước có nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, những giá trị này góp phần xây dựng các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa đặc sắc, gắn với tìm hiểu văn hóa vùng miền, như: du lịch di sản văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng...

Theo thống kê, tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt 637 nghìn tỷ đồng, đóng góp 8,39% vào GDP cả nước; năm 2019 đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD). Giai đoạn 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỷ lệ sụt giảm mạnh. Sang năm 2022, du lịch từng bước phục hồi (từ ngày 15/3/2022), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt.

Đến năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng.

 

Sáu tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 8,83 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỉ đồng...

Ngành kinh tế dịch vụ quan trọng

Trước năm 2015, dù Huế rất phát triển về du lịch song thị trường sản phẩm lưu niệm èo uột, nhiều cái phải nhập từ các tỉnh thành khác về bán, trong khi Cố đô Huế từng là một trong những cái nôi của thủ công mỹ nghệ và làng nghề ở Việt Nam. Từ khi lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra quy chế cấp “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế” với những sự bảo trợ và hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, bộ mặt thị trường sản phẩm lưu niệm Huế thay đổi hẳn. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang hơi thở, hình ảnh mảnh đất, con người Huế liên tục ra đời, thu hút du khách trong và ngoài nước khi đến với đất Cố đô.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Những con số trên cho thấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân.

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, nhiều năm gần đây, hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam với rất nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị gia tăng cao, biên độ lợi nhuận lớn hơn so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác.

 

Theo thống kê, cứ 1 triệu USD xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, giá trị thực thu từ việc xuất khẩu mặt hàng này lại rất cao, hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất chủ yếu bằng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nguyên phụ liệu nhập ước tính chỉ khấu hao từ 3-3,5% giá trị xuất khẩu. Sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa vào tiềm năng của hàng nghìn làng nghề trong cả nước. Những làng nghề này đã tạo việc làm cho trên 5 triệu lao động nông thôn.

Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu không cao so với một số ngành hàng khác nhưng hàng thủ công mỹ nghệ lại mang về cho đất nước nguồn ngoại tệ với tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu. Đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến 2,23 tỷ USD (2019), phấn đấu đạt 4 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước.

Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD…

 

Thực tế chứng minh, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa đang dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.

Bài cuối: Đổi mới trong tư duy, đột phá trong cách làm

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm