Tin tức - Sự kiện

Phát triển sản phẩm OCOP thành 'đại sứ' du lịch

Mục tiêu của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn, phát triển sản phẩm chủ lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Đà Lạt 130 năm: Từ thiên đường nghỉ dưỡng đến “thánh đường” nghệ thuật / Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tại nhiều địa phương, các sản phẩm gắn sao OCOP đã được đưa vào các tour, tuyến của các công ty lữ hành, điểm đến tham quan, trải nghiệm trên từng hành trình, cung đường, trở thành “đại sứ” du lịch mới, hấp dẫn du khách.

Chú thích ảnh
Các sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Lợi ích kép

Phát triển, hoàn thiện sản phẩm từ thế mạnh đặc trưng từng địa phương, hiện cả nước có trên 11.000 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ gắn với phát triển du lịch, tạo bản sắc cho điểm đến, gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời phát triển sản phẩm du lịch địa phương.

Đại diện Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) chị Phạm Thị Kim Lài cho biết, rất nhiều doanh nghiệp lữ hành có tuy tín đã đưa du khách trong và ngoài nước đến tham quan bảo tàng, dừng chân tìm hiểu nghề làm nước mắm truyền thống của ngư dân Phan Thiết qua các bức tranh, phim tư liệu, các khung cảnh được tái hiện, nếm thử nhiều loại nước mắm. Du khách cảm nhận rõ sự độc đáo và cả nét văn hóa của người dân vùng biển Phan Thiết được thể hiện qua khâu chế biến, bảo quản các loại đặc sản.

Kết thúc chuyến tham quan, nhiều du khách đã chọn mua sản phẩm OCOP nước mắm Tĩn với hương vị thơm ngon, mặn nhưng không “gắt”, màu sắc ánh nâu cánh gián rất đẹp được bày bán tại bảo tàng. Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2024, nhiều du khách từng đến bảo tàng Bảo tàng nước mắm Làng chài xưa đã gọi điện đặt mua sản phẩm nước mắm Tĩn để tặng hoặc sử dụng.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Cà Mau hiện có trên 150 sản phẩm OCOP được gắn 3 sao trở lên. Bên cạnh việc giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm thông qua sàn giao dịch điện tử, các hội chợ, gắn kết với hoạt động du lịch cũng là giải pháp được tỉnh thúc đẩy để tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay 100% sản phẩm OCOP của Cà Mau đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử. Nhiều sản phẩm có mặt tại các siêu thị, liên kết với các đại lý phát triển thị trường ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Cà Mau xây dựng nhiều điểm dừng chân, điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, quà lưu niệm, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và mua sắm đặc sản của du khách.

Hành trình về Cà Mau, trải nghiệm tour thám hiểm rừng U Minh, thu hoạch mật ong hay xuyên rừng ngập mặn ở Mũi Cà Mau, đến các điểm du lịch cộng đồng, du khách đều được giới thiệu loạt sản phẩm OCOP gắn với đặc trưng vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Đó là những sản phẩm: bánh phồng tôm, khô cá, tôm khô, mật ong rừng, đũa đước, nước cốt trái nhàu,...

Tại tỉnh Tây Ninh, ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) cho biết, hợp tác xã đã có sản phẩm quả mãng cầu đạt 4 sao OCOP. Hợp tác xã tích cực kết nối với một số đơn vị lữ hành, đưa du khách đến thăm vườn mãng cầu, chụp hình, chọn hái những trái mãng cầu đẹp nhất. Sau đó, nhiều du khách đã trở thành khách hàng quen thuộc của hợp tác xã.

Vùng đất Tây Ninh với đặc điểm nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, phù hợp để cây mãng cầu sinh trưởng, tích tụ độ ngọt cho trái có vị ngọt thanh, hình dáng đẹp, đều. Hiện nay, với 100 ha trồng giống mãng cầu truyền thống và 500 ha mãng cầu liên kết với các hộ dân, mỗi ngày Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung bán ra thị trường trên 10 tấn quả mãng cầu tươi.

Chú thích ảnh
Khách tham quan các gian hàng sản phẩm OCOP của huyện Lục Nam. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, du lịch nông thôn sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng nông sản, gia tăng giá trị nông sản, trong đó có nhiều sản phẩm OCOP. Ngược lại, nông sản đặc trưng của địa phương là “hồn cốt” tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương, từ đó phát triển và định vị thương hiệu điểm đến du lịch nông thôn.

Ngoài ra, các ngành liên quan, các địa phương xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải; trong đó, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, tạo điều kiện để du khách trải nghiệm cách thức sản xuất các đặc sản, sản phẩm OCOP ở từng địa phương.

Từ góc độ địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân cho biết, Bình Thuận tiếp tục chú trọng quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với giới thiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tỉnh tạo thận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư các điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tại các địa điểm du lịch, Đồng thời, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tăng cường tuyên truyền trên các trang mạng xã hội của ngành du lịch, website các cơ sở lưu trú,… nhằm giới thiệu các điểm bán sản phẩm OCOP đến du khách.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau thông tin, trên cơ sở lợi thế, tỉnh Cà Mau tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống như chế biến các loại tôm khô, cá khô, chuối ép, gác kèo lấy mật ong,... gắn với phát triển loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh là du lịch cộng đồng.

Tỉnh khuyến khích phát triển các điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Các ngành chức năng, các địa phương hỗ trợ các hộ làm du lịch cộng đồng tại các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh,… quảng bá mạnh các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các công đoạn sản xuất, chế biến và thưởng thức sản phẩm OCOP là nông sản, đặc sản ẩm thực của địa phương.

Đồng thời, Cà Mau tiếp tục mở các điểm dừng chân giới thiệu sản phẩm OCOP, kết nối với các đơn vị lữ hành, qua đó vừa phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vừa đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản, để sản phẩm OCOP hiện diện nhiều hơn trong các tour du lịch.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm