Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó các dự án cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng Tháp khởi công cao tốc kết nối 3 thành phố lớn / Phát triển Cần Thơ thành vùng động lực tăng trưởng mới của cả nước
Đủ nguồn cát nhưng tiến độ vẫn chậm
Tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải thông tin, 4 dự án cao tốc gồm: dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Cao Lãnh – An Hữu và dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh có tổng nhu cầu vật liệu xây dựng với đá các loại là 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3, cát đắp nền gần 54 triệu m3.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bảo đảm nguồn cát cho các tuyến cao tốc ĐBSCL.
Với vật liệu đá, đất tại các mỏ đang khai thác trong khu vực đã cơ bản bảo đảm đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng theo nhu cầu tiến độ các dự án. Riêng với vật liệu cát, theo số liệu khảo sát thời điểm hiện tại, nguồn cát sông bảo đảm chất lượng cung cấp cho các dự án, chủ yếu tập trung các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Sóc Trăng
Để bảo đảm nguồn cát đắp nền cho các dự án, An Giang được giao cung ứng 7 triệu m3, trong năm 2023 là 3,3 triệu m3; Đồng Tháp 7 triệu m3, năm 2023 là 3,3 triệu m3; Vĩnh Long 5 triệu m3, năm 2023 là 3,3 triệu m3, trong số này ưu tiên bố trí ngay cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110,87 km tuyến chính và 32,1 km tuyến nối, với kinh phí hơn 27 ngàn tỷ đồng. Dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành năm 2026. Nhu cầu cát cho dự án này khoảng 18,1 triệu m3, trong đó năm 2023 cần hơn 9,1 triệu m3, năm 2024 là 9 triệu m3; đến nay dự án này mới được 0,11 triệu m3, 0,3 triệu m3 dự kiến lấy trong tháng 9; còn 0,69 triệu m3 không thể tiếp tục cung cấp do bị thu hồi giấy phép, doanh nghiệp bị khởi tố.
Còn tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có tổng chiều dài khoảng 189,49 km, với tổng mức đầu tư hơn 44 ngàn tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027. Tổng nhu cầu cát của tuyến này gần 29 triệu m3, trong đó, năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 là 13,16 triệu m3, năm 2025 là 8,95 triệu m3. Tỉnh An Giang đã bố trí đủ nguồn cát cho dự án thành phần (địa bàn An Giang) và dự án thành phần 2 (Cần Thơ) và dự án thành phần 3 (Hậu Giang), tuy nhiên, đến nay địa phương này vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Riêng dự án thành phần 4 (Sóc Trăng), tỉnh Sóc Trăng bố trí đủ nguồn cát từ các mỏ cát của địa phương, hiện đang triển khai thủ tục.
Tuyến cao tốc Cao Lãnh – An Hữu dài 22,43 km, chia làm 2 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào sử dụng năm 2027. Tổng nhu cầu cát của tuyến này là 3,58 triệu m3, hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền giang cam kết sẽ cung cấp đủ nguồn cát cho cao tốc này.
Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh dài 26,56 km với mức đầu tư hơn 4.700 tỷ, tỉnh Đồng Tháp cam kết cung ứng đủ nhu cầu cát cho cao tốc là hơn 3 triệu m3.
Theo Bộ GTVT, khó khăn trong xây dựng cao tốc ở ĐBSCL là đi qua vùng có địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian, tiến độ phụ thuộc rất lớn vào nguồn vật liệu cát đắp nền.
Mặc dù trữ lượng cát đắp nền đủ cho các dự án nhưng việc triển khai các thủ tục nâng công suất, giao mỏ mới cho các nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù của các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng theo tiến độ yêu cầu; đến nay, một số tỉnh vẫn chưa xác định đủ nguồn cung ứng cho các dự án; việc cung cấp cát của các chủ mỏ còn chậm, khối lượng cung ứng chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Khai thác cát nhưng không để sạt lở đất
Tại buổi làm việc, nêu lên những khó khăn trong quản lý, cung ứng nguồn cát theo chỉ tiêu được giao, đại diện các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã đề nghị các Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Giao thông – Vận tải hướng dẫn cơ chế, trình tự, thủ tục để khai thác, cung cấp cát san lấp cho dự án cao tốc; tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các khu vực khai thác cát sông có công suất lớn, không ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở…
Chia sẻ với khó khăn của địa phương nhưng cũng hết sức quan tâm đến về tiến độ thực hiện cao tốc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong 4 dự án cao tốc thì hiện có 2 dự án gặp khó khăn là dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng.
Chúng ta cần hơn 54 triệu m3 cát để xây dựng 355 km của 4 dự án đường cao tốc ở ĐBSCL, trong khi giấy phép các địa phương đang cấp là 120 triệu m3. Nhu cầu cát dành cho các dự án cao tốc vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với trữ lượng các địa phương này đã cấp phép. Tuy nhiên, hiện nay, việc thi công ở 2 tuyến cao tốc vẫn đang phải chờ cát.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cao tốc.
“Tiến độ dự án không cho phép chúng ta chần chừ; đặc thù địa chất vùng ĐBSCL cần phải 12 tháng chờ lún, chúng ta rất muốn dành tất cả thời gian lớn nhất có thể cho việc thi công, nếu càng chậm nó ảnh hưởng đến chất lượng công trình, đó là điều chúng ta trăn trở ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của bộ, ngành, các địa phương trong triển khai thực hiện cao tốc công trình trọng điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng mong mỏi của người dân.
Theo Phó Thủ tướng, trữ lượng các mỏ cát dành cho cao tốc không thiếu, nhưng các địa phương, nhà thầu thiếu sự phối hợp, chưa hiểu cặn kẽ quy định pháp lý, chưa đủ năng lực đánh giá tác động môi trường đối với các mỏ lớn để có phương án khai thác phù hợp, không ảnh hưởng môi trường, phòng chống sạt lở.
“Chúng ta làm được con đường giao thông rất mừng, nhưng khi một ngôi làng, một khu phố... bị sạt lở xuống sông thì là vấn đề rất lớn. Cho nên, việc khảo sát, đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng dòng chảy là vấn đề không được bỏ qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các nhà thầu có quyền lựa chọn doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà thầu cũng cần và nên phối hợp với các địa phương để lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực, uy tín kinh nghiệm để khai thác cát.
Trong tháng 9 này, các địa phương phải hoàn thành thủ tục đưa các mỏ cát mới vào hoạt động, gia hạn, nâng công suất các mỏ hiện có hoặc đã hết hạn nhưng trữ lượng vẫn còn.
Đồng thời, Phó Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác kỹ thuật với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ TN&MT và các địa phương thường xuyên trao đổi các vấn đề liên quan, thực hiện công tác điều tra, khảo sát mỏ cát mới cũng như đánh giá những tác động môi trường, chống sạt lở.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam