Tin tức - Sự kiện

Phát triển cảng biển Trần Đề thành cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

DNVN - Nhu cầu vốn ở giai đoạn khởi động lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, cảng biển Trần Đề với vai trò cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ kết nối và phát huy hiệu quả với dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng.

Phát triển Cần Thơ thành vùng động lực tăng trưởng mới của cả nước / Chuyển đổi ngành logistics theo hướng xanh và bền vững

Sáng ngày 7/8, tại tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra hội thảo đầu tư cảng biển Trần Đề. Hội thảo nhằm mục đích cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến việc quy hoạch, định hướng phát triển cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL. Qua đó, khẳng định ý nghĩa tầm quan trọng của cảng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đồng thời, thảo luận về các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào dự án cảng.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến đầu tư xây dựng cảng Trần Đề

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến đầu tư xây dựng cảng Trần Đề.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, ĐBSCL có vị trí chiến lược, là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực như lúa, tôm, cá tra và trái cây... Bên cạnh những kết quả đạt được, ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, thiếu đồng bộ, thiếu mối liên kết giữa các phương thức vận tải; quy mô và năng lực vận tải đường thủy còn thấp; chưa có cảng đầu mối và trung tâm logistics lớn.

Hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP Hồ Chí Minh, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa; tạo áp lực rất lớn lên giao thông đường bộ.

“Các nghị quyết của Bộ Chính trị và của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ, đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.

 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Với chủ trương, định hướng trên, cảng Trần Đề sẽ là mảnh ghép hoàn hảo, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho toàn vùng”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng thông tin.

Phối cảnh cảng Trần Đề - Sóc Trăng

Phối cảnh cảng Trần Đề - Sóc Trăng.

Theo phương án quy hoạch, cảng biển Trần Đề nằm ở ngoài khơi luồng Trần Đề, nối đất liền bằng cầu vượt biển dài khoảng 18 km. Cảng có tổng diện tích quy hoạch khoảng 5.400 ha, phần diện tích quy hoạch bến cảng ngoài khơi là 1.400 ha, phần diện tích quy hoạch khu dịch vụ hậu cần cảng, logictics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ khoảng 4.000 ha.

 

Cảng có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container có tải trọng 100.000 DWT, tương lai là 200.000 DWT; tàu hàng rời cảng đến 160.000 DWT. Công suất thiết kế khoảng 80 – 100 triệu tấn/năm (giai đoạn 2030 từ 30 - 35 triệu tấn/năm).

Hội thảo thu hút nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, doanh nghiệp, hầu hết đều khẳng định, nếu có cảng Trần Đề sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển từ 20 – 30%, thay vì hiện đa số hàng hóa nông, thủy sản ở ĐBSCL đều phải vận chuyển bằng đường bộ lên TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, nếu có cảng Trần Đề, ngoài giảm chi phí vận chuyển, các tỉnh ĐBSCL còn giảm rủi ro đơn đặt hàng, tạo ưu thế cạnh tranh cho hàng hóa. Đầu tư xây dựng cảng sẽ tạo ra bước phát triển đột phá.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm