Sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số
Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp ICT (thông tin và truyền thông) đạt mức tăng trưởng 2 con số và là một trong những nhóm ngành có doanh thu tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành.
Theo thống kê, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam nửa đầu năm 2022 ước đạt 72,5 tỷ USD, tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng của ngành công nghiệp ICT gấp hơn 2 lần tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đạt khoảng 57 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ với nhiều mặt hàng trở thành nhóm hàng chủ lực mang về ngoại tệ. Cụ thể, nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu máy tính ước đạt 29,1 tỷ USD tăng 21,8% và xuất khẩu điện thoại ước đạt 27,9 tỷ USD tăng 11,2% so với cùng kỳ.
Theo tính toán, tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ giá trị Make in Vietnam trong cơ cấu doanh thu công nghiệp ICT đạt 26,72% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD. Dự kiến đến hết năm 2022, tỷ lệ giá trị Make in Vietnam sẽ tăng lên 27% tương đương giá trị 41,4 tỷ USD.
Trước làn sóng chuyển dịch đầu tư, Việt Nam đang là điểm đến thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ lớn và nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trong sản xuất điện thoại, máy tính hay các sản phẩm điện tử.
Cơ cấu doanh thu cho thấy, khối FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của ngành công nghiệp ICT. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị Việt Nam trong cơ cấu doanh thu ngành đang tăng theo từng năm. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) năm 2021, tỷ lệ giá trị Việt Nam trong doanh thu ngành đạt 24,65%.
Những tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số. Hiện Việt Nam có khoảng 67.300 tăng 3.422 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,69 doanh nghiệp/1.000 dân.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang có một số bước tiến trong việc nghiên cứu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Tính đến tháng 7/2022, thiết bị 5G do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất đã đầy đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G (mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập) và đã được triển khai lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ ở một số khu vực diện rộng với tốc độ download 1.5 Gbps, upload 60Mbps.
Hiện nay, các doanh nghiệp số đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có công suất và tính năng kỹ thuật cao hơn; đồng thời triển khai thực hiện hoạt động sản xuất lô lớn để đáp ứng mục tiêu kế hoạch triển khai diện rộng trong năm 2023.
Theo kế hoạch trước đó, năm 2022, Bộ TTTT sẽ tham mưu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số.; Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng và phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Định hướng đến năm 2025, ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông với tầm nhìn và sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang Make in Vietnam, làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, trong đó tỷ trọng Make in Vietnam vào năm 2025 đạt trên 45%.
Phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt số lượng 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025. Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế với doanh thu trên 1 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh