Thái Nguyên: Thêm những sự thật đau lòng vụ dân nghèo lũ lượt “chạy trốn” nhà tái định cư
Nghệ An: Bàng hoàng phát hiện nam thanh niên tử vong ở mái nhà chung cư / Nhiều trường Đại học tuyển sinh bằng xét tuyển học bạ
Clip: Khu tái định cư hoang tàn, dân nghèo chê nhà tái định cư bỏ chạy về chốn cũ.
Dân chỉ mở cửa nhà, phát cỏ khi có đoàn kiểm tra?
Những năm trước, nhiều trận lũ quét đổ về huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), khiến hàng trăm hộ dân các xã tại huyện này mất nhà cửa, thiệt hại về người và tài sản. Điển hình năm 2006 – 2008, xã Văn Yên chịu thiệt hại nặng nề về tài sản lên đến nhiều tỉ đồng sau những trận lũ quét.
Đây là 2 căn nhà TĐC liền kề dành cho các hộ dân nghèo đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm
Theo báo cáo của UBND xã Văn Yên thì xã có trên 100 hộ dân trong vùng sạt lở, 70 hộ dân bị nước xoáy lở sát vào móng nhà phải di dời ngay. Từ thực tế trên, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, dự án khu TĐC Văn Yên ra đời với số vốn 38,7 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước theo Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ và được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt.
Một khu TĐC mang tính an sinh xã hội, tính nhân văn cao cả của Chính phủ và của tỉnh Thái Nguyên được người dân nghèo xã Văn Yên phấn khởi đón nhận. Theo báo cáo của Chi cục Phát triển Nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên đơn vị chủ đầu tư khu TĐC Văn Yên thì đến nay có 73/76 hộ dân đã đến ở khu TĐC.
Từ con số báo cáo của Chi cụ Phát triển nông thôn, đơn vị chủ đầu tư dự án, phóng viên Dân trí đã có gần 2 tháng khảo sát thì không khó để nhận ra đây là khu TĐC đang bị bỏ hoang gây lãng phí hàng chục tỉ đồng tiền của Nhà nước.
Tại khu TĐC Văn Yên dành cho dân nghèo vùng lũ quét, sạt lở đất có hàng chục căn hộ TĐC như này đang bị bỏ hoang vì người dân không thể sinh hoạt trong những ngôi nhà này và thiếu phương tiện sản xuất.
Theo quan sát của phóng viên, những ngôi nhà TĐC dành cho dân nghèo rộng chỉ khoảng trên dưới 20m2. Mái nhà được lợp bằng tấm Proximang, cánh cửa được đóng bằng những miếng gỗ tạm đã mốc mủn chỉ cần lấy tay cạy là bật ra. Toàn bộ tường nhà mới chỉ được bọc vội bằng lớp vữa xi măng, xung quanh nhưng căn nhà tái định cư này cỏ dại mọc um tùm, mùi xú uế bốc lên nồng nặc trên những đống gạch, đá ngổn ngang.
Ông Đào Văn Thanh, Trưởng xóm Dưới 1 (xã Văn Yên) cho biết, khu tái định cư này rất lạ thường, người dân chỉ đến ở và phát cỏ khi chính quyền xã thông báo có đoàn kiểm tra của tỉnh về?. Khi đoàn kiểm tra vừa khuất bóng, nhà nhà lại then cài, cửa đóng, rồi họ lại rủ nhau lũ lượt ra về chốn cũ để sinh hoạt.
Dân nghèo đóng cửa, lũ lượt "chạy trốn" khỏi khu TĐC Văn Yên.
Theo ông Đào Văn Thanh, thực tế người dân ở đúng diện TĐC thì chỉ có hơn 10 hộ. Một số hộ cho con, cháu đến ở thuê lại. Vì thế tổng số hộ sinh sống tại khu TĐC này có khoảng 17 hộ, chủ yếu là những hộ dân có nhà bám mặt đường. Thậm chí một số hộ dân được suất TĐC này mà tôi phụ trách có dấu hiệu tự ý sang nhượng cho người khác dưới danh nghĩa là con cái ở, người khác thuê.
Người dân lũ lượt “chạy trốn”, khu TĐC bỏ hoang
Ông Thanh cho biết thêm, người dân có tên trong danh sách diện tái định cư nhưng không thể sinh sống được vì không có đất canh tác, không nghề nghiệp, thiếu nước sinh hoạt, thiếu nhà vệ sinh...nên khi được giao nhà TĐC thì họ chỉ nhận nhà rồi lại lũ lượt kéo nhau quay trở về chốn cũ để sinh sống.
Nhà Văn hoá dành cho khu TĐC Văn yên cũng bị bỏ hoang vì không có người dân sinh hoạt. Một dự án dành cho người dân nghèo nhưng quá lãng phí.
Ông Vũ Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho biết, lúc thực hiện dự án, địa phương đã đề nghị mỗi lô đất TĐC diện tích tối thiểu phải từ 300 – 400m2, nhưng Chủ đầu tư bảo không có đủ quỹ đất đất để thực hiện. Diện tích theo bản đồ Khu TĐC xã Văn Yên thì số ô được phụ thuộc vị trí đất, ai ở giáp đường thì sẽ được phần diện tích ít hơn những hộ bên trong. Trung bình mỗi lô đất từ 91- 187m2/hộ.
Theo ông Luận, với số diện tích trên chỉ đủ làm cái nhà cho cán bộ công nhân viên chức ở chứ người nông dân thì không phù hợp vì người dân quê quen với đồng ruộng, làm chè, diện tích đất lên cả nghìn m2. Ngoài trồng trọt người nông dân còn phải chăn thả trâu, bò, phải có nơi để nông cụ lao động nữa. Nên việc người dân khi có khu TĐC họ chỉ nhận nhà rồi lại về chốn cũ sản xuất là như vậy.
Hàng chục tỉ đồng đã đổ xuống dự án TĐC Văn Yên nhưng nó vẫn đang bị bỏ hoang.
Chị Lê Thị Kiên xóm Kỳ Linh (Văn Yên) nói, “tôi về đây làm dâu hơn 10 năm chưa chịu trận ngập lụt bao giờ. Nhà ngoài kia (khu TĐC), xây bé thôi, tại vì cũng không có ý định ở, họ bắt mình phải xây họ mới cho tiền”.
Bên cạnh khu TĐC đang bị bỏ hoang với hàng chục ngôi nhà thấp lè tè mà người dân không thể sinh sống còn có Nhà văn hóa dành cho người dân TĐC sinh hoạt cũng bị bỏ không gần chục năm nay vì không có dân để sinh hoạt, gây lãng phí tiền của Nhà nước mà lẽ ra số tiền đó rất cần cho những người dân nghèo.
Xem xét trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị để xảy ra tồn đọng khi triển khai dự án
Sau khi Dân trí đăng tải bài viết về những người dân nghèo lũ lượt “chạy trốn” khỏi những khu tái định cư, cuối giờ chiều 14/6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp giữa các Sở, ban ngành do ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì nghe đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện các dự án tái định cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên triệu tập cuộc họp khẩn yêu cầu rà soát các dự án xây dựng khu TĐC cho các hộ dân nghèo vùng lũ quét, lũ ống, nguy cơ sạt lở đất... đang có dấu hiệu sai phạm. (Ảnh, Cổng TTĐT tỉnh Thái Nguyên).
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh thực hiện 7 dự án tái định cư tập trung theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg để di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai và vùng bán ngập hồ Núi Cốc, gồm: Dự án ổn định dân cư vùng thiên tai xóm Bậu, xã Bình Long, huyện Võ Nhai; Dự án Khu tái định cư di dân khẩn cấp vùng thiên tai sạt lở đất và có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và kè bờ suối khắc phục sạt lở khu vực UBND và trạm y tế xã Linh Thông, huyện Định Hóa.
Dự án Đầu tư di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ; Dự án Di dân vùng thiên tai có nguy cơ lũ ống, lũ quét xã Văn Yên, huyện Đại Từ; Dự án Khu tái định cư Đồi Tròn, xã Lục Ba, huyện Đại Từ; Dự án Khu tái định cư xã Tân Thái, huyện Đại Từ; Dự án Khu tái định cư xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ.
Qua rà soát đã có 299 hộ dân thuộc diện phải di dời đến tái định cư. Đến thời điểm hiện tại có 229 hộ đã di chuyển, làm nhà tại khu tái định cư; số hộ thực tế đến ở ổn định là 154 hộ…
Tại cuộc họp, ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT làm Tổ trưởng, chủ trì phối hợp với các sở, ngành và chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá toàn bộ các hộ thuộc diện phải di dời, đề xuất các phương án hỗ trợ sản xuất cho người dân.
Tiếp tục đầu tư xây dựng công trình vệ sinh và nước sinh hoạt tại Dự án bố trí dân cư tại xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Tiếp tục xem xét trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị để xảy ra các tồn đọng khi triển khai thực hiện Dự án.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé