Tin tức - Sự kiện

Thiết lập nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng

DNVN - Sáng 13/3, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Thúc đẩy 3 không gian kinh tế mới / Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao Quyết định phân công Ủy viên Bộ Chính trị

Ngày 13/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lần thứ 3 về "Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu". Đồng chủ trì hội nghị với Thủ tướng Chính phủ còn có ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, còn có nhiều lãnh đạo các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, đại diện các viện nghiên cứu, trường ĐH, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình và dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 và ba lần tổ chức Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, việc ban hành Nghị quyết số 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong kiến tạo thúc đẩy, sự tích cực tham gia của doanh nghiệp cùng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của người dân vùng ĐBSCL và sự hỗ trợ hiệu quả của các đối tác quốc tế. Nhờ đó, đã đạt được những kết quả rất tích cực, thiết lập những nền tảng quan trọng cho ĐBSCL tiếp tục phát triển thịnh vượng, cất cánh trong thời gian tới.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các nỗ lực của chính quyền và nhân dân các địa phương… Tuy nhiên việc triển khai thực hiện nghị quyết còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu đề ra cũng như kỳ vọng của nhân dân trong vùng.

Cũng theo Phó Thủ tướng, đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng, một lần nữa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với sự phát triển của ĐBSCL; Đánh giá những việc làm được, những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt trong ba năm thực hiện ghị quyết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, ngay sau khi Nghị quyết 120 được ban hành, Bộ Xây dựng đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thành đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các định hướng phát triển không gian, đô thị và nông thôn trong Quy hoạch này đã được lồng ghép các nội dung chủ động ứng phó và thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu, hạn chế tối đa các can thiệp không hợp lý của con người vào tự nhiên.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, tất cả các hoạt động xây dựng từ Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị và điểm dân cư, phát triển hạ tầng cũng được định hướng phải phù hợp với hệ sinh thái tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, đặc biệt là các phân vùng sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL cách đây 3 năm, đó là: “không đẩy thách thức trở thành nguy cơ mà chuyển các thách thức trở thành cơ hội và thúc đẩy phát triển”.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tập trung và hoàn thành xây dựng “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng ĐBSCL”, làm cơ sở xây dựng Quy hoạch Vùng ĐBSCL và Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Định hướng sẽ hình thành bộ khung, xác định mô hình phát triển, hình thái phát triển của hệ thống đô thị và nông thôn của vùng ĐBSCL; tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới, đảm bảo hình thành cơ sở, nền tảng để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng và các địa phương trong vùng cũng đã tập trung đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các quy hoạch thông qua các chương trình, dự án quan trọng.

Điển hình, dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” do Bộ Xây dựng phối hợp cùng Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) triển khai. Trong đó, Giai đoạn 1 nghiên cứu hệ thống cảnh báo thiên tai, lũ lụt sớm và tăng cường công tác quản lý, ứng phó lũ lụt cho các ban ngành liên quan cùng người dân trong vùng ngập lũ; Giai đoạn 2 thực hiện tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau nhằm thiết lập và bổ sung hệ thống cảnh báo lũ sớm và hệ thống đo mực nước tại thành phố Long Xuyên, thành phố Rạch Giá và thành phố Cà Mau và xây dựng dữ liệu liên quan đến ngập úng, đưa ra cảnh báo kịp thời cho người dân địa phương trong trường hợp mực nước dâng cao.

Người dân Bến Tre phải đổi từng thùng nước ngọt vì xâm nhập mặn. (Ảnh: Trung Chánh)

Người dân Bến Tre phải đổi từng thùng nước ngọt vì xâm nhập mặn. (Ảnh: Trung Chánh)

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, trong thời gian tới, Dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải” do UBND các tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre đề xuất sẽ tiếp tục được các Bộ ngành nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để sớm đáp ứng yêu cầu cấp nước an toàn cho người Vùng ĐBSCL.

Qua tập trung thực hiện các định hướng, nhiệm vụ cụ thể của Nghị quyết 120, cùng với tập trung, sự nỗ lực, vào cuộc của Chính phủ, Bộ Xây dựng, các Bộ ngành trung ương và các địa phương trong vùng, các kết quả quản lý nhà nước về xây dựng trong vùng ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực.

Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên; chất lượng đô thị trong vùng từng bước được cải thiện, đảm bảo tốt hơn điều kiện sống cho người dân. Toàn Vùng hiện có 174 đô thị gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương, 2 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 09 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn Vùng tăng từ 27% (năm 2017) lên trên 31% (năm 2020). Các đô thị trong vùng đã và đang phát huy vai trò hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, trên toàn vùng và góp phần tích cực trong bảo đảm quốc phòng, an ninh tại biên giới Tây Nam tổ quốc.

Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh. Tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng ĐBSCL đã đạt khoảng 1,32 triệu m3/ngđ. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình vùng đạt khoảng 89,6% (tăng 1,5% so với năm 2017); tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình vùng đạt 22,5% (giảm khoảng 1,5% so với năm 2017).

Bộ mặt nông thôn được cải thiện và có bản sắc, 100% các xã trong Vùng đã được công nhận nông thôn mới, góp phần thực chất nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nông dân.

Nhà ở cho người dân được cải thiện, đặc biệt là người dân khu vực ngập lũ với khoảng 1 triệu người đã được bố trí chỗ ở an toàn, ổn định tại các cụm tuyến, khu vực bờ bao với đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm tránh được nguy cơ lũ lụt và sạt lở và tạo nên các khu dân cư khang trang, văn minh, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo tổng hợp về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH sáng 13/3 tại Cần Thơ. (Ảnh: KT)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày báo cáo tổng hợp về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khi hậu sáng 13/3 tại Cần Thơ. (Ảnh: KT)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dù thời gian thực hiện Nghị quyết 120 chưa dài nhưng sau 3 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả như: kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo một thể thống nhất, kết nối vùng tạo sức mạnh tổng hợp. Nhiều cơ chế, chính sách được nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện nhằm khuyến khích đầu tư phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL. Trong đó ưu tiên một số lĩnh vực như: năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; hạ tầng kỹ thuật, môi trường; nông nghiệp và môi trường thuỷ sản, chế biến thực phẩm và các dịch vụ liên quan…

Ngoài ra, chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nâng cao năng lực quan trắc, giám sát khí hậu, dự báo sớm thời tiết, cảnh báo kịp thời thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh phù hợp dựa trên các lợi thế tự nhiên. Tăng cường mạng lưới quan trắc, giám sát các yếu tố khí tượng thủy văn, hải văn, đo mưa tự động...

Sản xuất nông nghiệp bước đầu được chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây) gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, phù hợp với chủ trương tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa. Năm 2020, nông dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL rất phấn khởi khi đã đóng góp quan trọng vào thành công của xuất khẩu gạo cả nước với sản lượng xuất khẩu 6,2 triệu tấn, đạt 3,12 tỉ USD (tăng 11,2% so với năm trước).

Ông Nguyễn Chí Dũng - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 20% so với giai đoạn 2016-2020, trong đó vốn ngân sách đối ứng địa phương khoảng 162.000 tỉ đồng. Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số bộ như Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong vùng khoảng 121.600 tỉ đồng.

Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của vùng ĐBSCL khoảng 388.000 tỉ đồng. Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến quốc lộ trong vùng.

Riêng đối với nguồn vốn ODA, để bổ sung tăng thêm 2 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng ĐBSCL theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu, xây dựng báo cáo đề xuất khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL, quy mô dự kiến 1,05 tỉ USD.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm