Tin tức - Sự kiện

Thừa Thiên Huế: Mưa lũ làm 5 người thương vong, học sinh nghỉ học hết tuần

DNVN – Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến tối 9/10, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã khiến 1 người chết, 4 người bị thương và hơn 2.170 ngôi nhà bị ngập. Toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh được thông báo nghỉ học đến hết tuần.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế vui Tết Trung Thu cùng trẻ em khuyết tật / Đà Nẵng hỗ trợ Thừa Thiên Huế 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão số 5

Tối 9/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến nay, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã khiến 1 người chết, 4 người bị thương và hơn 2.170 ngôi nhà bị ngập.

Theo đó, ông Dương Phước Hải (SN 1989, trú tại TDP Khánh Mỹ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền), bị chết do lật thuyền khi đi bắt chim tại Hồ Bàu Sen vào ngày 7/10. 4 người bị thương cũng trú tại huyện Phong Điền, hiện đang được điều trị tại Cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế.

Ngoài 4 người thương vong, mưa lũ đã làm hơn 2.000 ngôi nhà ở Thừa Thiên Huế bị ngập.

Ngoài 4 người thương vong, mưa lũ đã làm hơn 2.000 ngôi nhà ở Thừa Thiên Huế bị ngập.

Các địa phương thấp trũng của tỉnh Thừa Thiên Huế như Phong Điền, Quảng Điền, nước dâng cao gây ngập lụt, chia cắt đường giao thông, mức nước ngập từ 0,3 m đến 1,8m. Chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp với các lực lượng chức năng di dời 1.735 hộ với 4.760 khẩu; trong đó chủ yếu di dời, sơ tán tại chỗ sang các nhà dân lân cận.

Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến chiều 9/10, trên địa bàn tỉnh đã có 2.170 ngôi nhà bị ngập. QL1A đoạ tại cầu vượt Thủy Dương cũng bị tắc do ngập nặng. Mưa lớn đã gây ngập nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Huế từ 0,2 - 0,7m.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của triều cường, 9km bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng, tập trung ở các đoạn qua các xã Giang Hải, Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải huyện Phú Vang và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà. Đoạn bờ sông Hương qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở với chiều dài khoảng 50m. Một số công trình thủy lợi ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới bị hư hỏng, kênh mương bị bồi lấp. Mưa lũ cũng làm hư hại hàng trăm héc-ta hoa màu ở huyện Phú Vang và Quảng Điền, hàng trăm héc-ta nuôi thủy sản bị ngập.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo, từ ngày 11/10, tình hình mưa lớn trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Hiện mực nước trên sông Hương tại Trạm Kim Long dưới báo động 2 là 0,41m; sông Bồ tại Trạm Phú Ốc dưới báo động 3 là 0,07m; sông Tả Trạch tại Trạm Thượng Nhật dưới báo động 1 là 0,21m.

 

Nhiều tuyến đường giao thông bị hưu hỏng, ngập nước, ngành chức năng phải đặt bảng cảnh báo nguy hiểm

Nhiều tuyến đường giao thông ở Huế bị mưa lũ làm hư hỏng, ngập nước, ngành chức năng phải đặt bảng cảnh báo nguy hiểm, thậm chí cấm người dân qua lại để đảm bảo an toàn.

Chiều 9/10, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phát đi thông báo về việc cho tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học đến hết tuần; kế hoạch đi học lại vào đầu tuần (từ thứ 2, ngày 12/10/2020) sẽ được Sở thông báo sau.

“Trong thời gian học sinh nghỉ học, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tập trung học sinh để tổ chức dạy thêm, học thêm hoặc tổ chức các hình thức hoạt động khi chưa có ý kiến của lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT và của cấp có thẩm quyền”, văn bản do Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế phát đi, nhấn mạnh.

 

Văn bản cũng nêu rõ, các đơn vị, trường học duy trì lực lượng, phương tiện và phân công lãnh đạo, lực lượng tự vệ cơ quan tổ chức trực 24/24h để chủ động xử lý các tình huống xảy ra; kê dọn đồ dùng học tập, học liệu thư viện,... đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không bị nguy cơ ngập lụt để tránh hư hỏng.

Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế khuyến cáo giáo viên, nhân viên và học sinh tuyệt đối không đến những nơi nước lũ nguy hiểm, để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra; Chấp hành, thực hiện nghiêm túc kế hoạch sơ tán của các cấp chính quyền đến các điểm trú ẩn an toàn (nếu có).

“Có kế hoạch khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra và thực hiện vệ sinh, trường lớp ngay sau khi lũ đi qua; thực hiện tốt các biện pháp phòng chống các dịch bệnh. Sau lũ, căn cứ tình hình thực tế địa phương, đơn vị, các trường thực hiện tổng vệ sinh và báo cáo cơ quan chủ quản để có kế hoạch tổ chức cho học sinh đi học trở lại, đồng thời lên kế hoạch dạy bù cho những ngày nghỉ học”, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đi kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vào chiều 9/10.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đi kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vào chiều 9/10.

 

Tại buổi đi kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vào chiều 9/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị chính quyền các địa phương và các ban ngành không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó mưa lũ, phải đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân cũng như các công trình hồ chứa.

Do tình hình mưa lũ vẫn diễn biến bất thường, ông Phương đề nghị lãnh chính quyền địa phương chỉ đạo một cách quyết liệt và có biện pháp mạnh đối với những hộ cố tình không di dời đến nơi an toàn. Theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình, chủ động đối phó với những diễn biến khó lường của mưa lũ với phương châm "4 tại chỗ".

Đặc biệt, đối với những địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, địa phương và các ngành chức năng có phương án cụ thể để tiếp tục di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện túc trực 24/24h để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.


Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm