Thừa Thiên Huế: Ưu tiên cho đời sống người dân, học sinh đến trường sau bão
Giật mình khi nhiều cô gái trẻ xem làm 'bồ nhí' là... một nghề / Đang xem cảnh tìm kiếm người mất tích, 1 phụ nữ bất ngờ gieo mình xuống sông
Thiệt hại khoảng 505 tỷ đồng do bão
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 21/9, bão số 5 khiến 2 người chết do cây đổ ngã và 2 trường hợp chết sau bão do tai nạn lợp lại nhà. Có 92 người bị thương phải đến các trạm y tế, các trung tâm y tế cấp huyện và Bệnh viện Trung ương Huế.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 10 nhà bị sập; 21.283 nhà tốc mái; 20 trường học bị tốc mái phòng học, khu hiệu bộ, sập hàng rào, tốc mái nhà xe, hư hỏng thiết bị dạy học.
Về nông, lâm nghiệp, có khoảng 15.000 cây xanh gãy đổ; thiệt hại 439ha hoa màu; 1.230ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ (trong đó cao su 863ha), 300ha cây ăn quả và gần 40ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, đối với hệ thống thông tin liên lạc có 43 tuyến cáp quang bị đứt gián đoạn liên lạc, 721 trạm BTS bị mất điện, mất liên lạc; điện lực có gần 200 cột điện bị gãy, nghiêng và 3 máy biến áp hỏng.
Lực lượng quân sự hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau bão.
Theo UBND Thừa Thiên Huế, tổng thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn ước tính khaongr 505 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở 213 tỷ đồng, nông - lâm nghiệp 177,6 tỷ đồng, thủy lợi 63 tỷ đồng, thông tin liên lạc 19 tỷ đồng, điện lực 17,7 tỷ đồng, giao thông 11,8 tỷ đồng và giáo dục 2 tỷ đồng,
Để khắc phục thiệt hại sau bão, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đề xuất Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ 150 tỷ đồng khôi phục hạ tầng dân sinh thiết yếu, nhà ở cho nhân dân; hỗ trợ xử lý kè chống sạt lở bờ biển 6,7km, trong đó ưu tiên 2,7km vùng xung yếu với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng.
Lãnh đạo Công ty CP Môi trường đô thị Huế cho biết, ngày sau khi bão số 5 đổ bộ, đơn vị đã huy động toàn bộ người, phương tiện để tiến hành trung chuyển rác đến nơi tập kết.
“Với sự tham gia tổng lực của người dân cùng gần 1.000 công nhânthuộc Công ty, rất nhanh chóng trong buổi sáng ngày 20/9 đã có hàng nghìn m3 cây xanh bị ngã đổ đã được thu gom và chuyển ra ngoài thành phố. Hầu hết các tuyến đường phố đã được thu dọn sạch sẽ, đặc biệt tuyến đường đi bộ ven bờ Sông Hương đã được trả lại thông thoáng sau khi bị nhiều cây xanh gãy đổ phủ kín hoàn toàn tuyến đường”, lãnh đạo Công ty CP Môi trường đô thị Huế cho biết.
Trước thiệt hại do bão số 5 gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường phương tiện, lực lượng nỗ lực khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Làm tốt công tác phối hợp, tiếp tục rà soát thiệt hại, xây dựng phương án hỗ chi tiết trên từng lĩnh vực cụ thể.
Trong đó ưu tiên hỗ trợ những hộ nghèo, hộ yếu thế bị ảnh hưởng do bão, lĩnh vực nào cấp bách thì cần phải hỗ trợ ngay để người dân sớm ổn định cuộc sống. Huy động toàn lực lượng, hệ thống xã hội, sức dân để khắc phục hậu quả. Tổng vệ sinh môi trường toàn tỉnh, khôi phục lại hệ thống cây xanh.
Sớm đưa học sinh đến trường trở lại
Có thể thấy, bão số 5 vừa đổ bộ vào Thừa Thiên Huế đã làm hệ thống cây xanh ở hàng chục điểm trường trên địa bàn gãy đổ, phòng học, khu hiệu bộ, sập hàng rào, tốc mái nhà xe, hư hỏng thiết bị dạy học.
Cụ thể, nhiều điểm trường bị thiệt hại nặng như: Trường Tiểu học Phú Lưu (TP.Huế) bị tốc mái 6 phòng học; Trường THPT Phong Điền (huyện Phong Điền)bị tốc mái ở dãy nhà 3 tầng, Trường THCS Nguyễn Hữu Đà (huyện Quảng Điền) bị tốc mái 8 phòng học…
Ngoài ra, bão số 5 còn khiến hơn 1.300 học sinh trên địa bàn chưa thể đến trường do nhiều lớp học bị tốc mái, bàn ghế hư hỏng nặng, nhiều công trình vệ sinh học sinh, tường rào bị sập… Thiệt hại nhiều nhất là hệ thống cây xanh của các trường học với hơn 1.000 cây gãy đổ, bật gốc.
Bão số 5 đổ bộ vào Thừa Thiên Huế đã khiến hàng chục điểm trường trên địa bàn bị thiệt hại nghiêm trọng. (Ảnh: TN)
Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi cơn bão số 5 đi qua, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành kiểm tra thực tế các địa phương bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng để chỉ đạo các trường cùng với địa phương, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn phối hợp khắc phục kịp thời hậu quả do bão gây ra.
Theo đó, đối với các trường học ít bị ảnh hưởng bởi mưa bão phải chủ động làm việc với phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã lập kế hoạch, huy động các lực lượng giúp đỡ những trường học bị thiệt hại kịp thời khắc phục hậu quả, vệ sinh trường lớp, sửa chữa... Đồng thời, các lãnh đạo các trường cần nắm số lượng học sinh khó khăn (do nhiều gia đình học sinh bị thiệt hại nặng về nhà cửa, cây cối, hoa màu và các thiết bị đồ dùng sinh hoạt) để có biện pháp hỗ trợ, nhằm hạn chế học sinh nghỉ học sau bão.
“Trước mắt, Sở chỉ đạo các trường và cơ sở giáo dục với phương châm “bốn tại chỗ”, phát huy nội lực nhà trường, kết hợp sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, lực lượng công an, quân đội… để khắc phục những thiệt hại, nhằm đưa học sinh đến lớp học trong thời gian sớm nhất. Sở cũng yêu cầu các trường tổng hợp báo cáo những thiệt hại về tài sản, phòng học tốc mái… để có kế hoạch sửa chữa, sớm đi vào ổn định, đảm bảo điều kiện học tập an toàn cho học sinh và tổ chức giảng dạy của giáo viên”, ông Tân cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo