Từ thi sang xét giáo viên giỏi: Chuyển từ áp lực kiểu cũ sang áp lực kiểu mới?
Thất nghiệp, cử nhân ra phố hát rong / Những lưu ý dành cho thí sinh thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia TPHCM
Nhiều băn khoăn về điều kiện “tín nhiệm” từ phụ huynh học sinh
Ngày 6/4, Bộ GD&ĐT phối hợp với trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tọa đàm “Về việc công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi trong bối cảnh hiện nay” tại Hà Nội. Tọa đàm có sự góp mặt của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo đại diện nhiều cơ sở giáo dục cả nước đã tập trung bàn luận về các điều kiện để xét công nhận giáo viên (GV) dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi.
TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) và GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì tọa đàm.
Theo ông Trần Đức Cường - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hưng (Thái Bình), hình thức thi GV giỏi như hiện nay chúng ta đang làm có những ưu điểm là đánh giá được khá toàn diện năng lực của GV, so sánh được GV ở đơn vị này với đơn vị khác và lượng hóa được nhiều tiêu chí cụ thể (nhất là cuộc thi cấp huyện, cấp thành phố).
Tuy nhiên, hình thức này cũng có nhược điểm vì là thi nên dễ xảy ra chuyện ôn luyện, tạm gọi là đào tạo "gà nòi" để đi thi. Hơn nữa, việc mỗi GV thi không chỉ là thành tích của cá nhân mà còn liên quan đến thành tích của đơn vị tập thể, cho nên còn có áp lực của từ trên cấp phòng, cấp trường xuống đối với GV. Một thực trạng nữa chúng ta thường nhắc đến khi nói về thi GV giỏi là "diễn". GV thường dạy trước bài, chuẩn bị bài, câu trả lời cho học sinh trước tiết dạy dự giờ, như vậy gây cả áp lực cho học sinh, phụ huynh.
Cho rằng, hình thức xét tuyển GV giỏi sẽ xét được cả một quá trình, tìm ra GV dạy giỏi, hiệu quả, ông Cường vẫn băn khoăn về dự kiến tiêu chí GV giỏi phải được "học sinh và cha mẹ học sinh tín nhiệm".
"Tiêu chí tín nhiệm này phải được lượng hóa thế nào? Có phương thức nào để đánh giá mức độ này. Bởi, đồng nghiệp có thể thông qua dự giờ, bỏ phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm. Còn đối với học sinh, ai sẽ lấy tín nhiệm, có phải nhà trường làm? Còn với phụ huynh thì càng khó hơn, nhà trường có tổ chức được lấy tín nhiệm của phụ huynh không?”, ông Cường băn khoăn.
Theo ông Cường, điều kiện này nêu ra rất tốt nhưng thực hiện thế nào để phù hợp và khả thi cần bàn tính cụ thể.
Từ thực tế của một trường ngoài công lập, cô Nguyễn Thị My - Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Archimedes cho biết, bản thân nhà trường hoạt động theo cơ chế trường tư nên có những cởi mở trong quyết định, đặc biệt là quyết định công nhận GV giỏi cấp trường. Theo cô My, hiện nay chúng ta đang đánh giá học sinh theo quá trình thì GV cũng phải được đánh giá theo quá trình.
Đại diện này cũng bày tỏ băn khoăn về điều kiện “lấy tín nhiệm của học sinh và cha mẹ học sinh”. Cô My cho hay, trước đây trường tiểu học Archimedes cũng từng đưa tiêu chí này ra hội đồng trường để thảo luận, nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.
“Nói đến tiêu chí là phải nói đến các minh chứng, chúng ta không thể xét định tính mà bắt buộc phải định lượng. Vậy định lượng tiêu chí này thế nào? Nếu định lượng công khai xét để phụ huynh có thêm “quyền” đối với GV trong bối cảnh giá trị tôn sư trọng đạo đang bị giảm đi cùng với sự phát triển xã hội thì có hợp lý? Nếu cho phụ huynh quyền ngày càng lớn, GV sẽ chịu thêm sức ép từ sự soi xét của phụ huynh khi sử dụng tiêu chí tín nhiệm”, cô My cho biết. Sau khi bàn luận, trường Archimedes đã không sử dụng tiêu chí đó mà trên cơ sở kết hợp giữa các chỉ đạo về xét công nhận GV dạy giỏi.
Ngoài ra, đại biểu này cũng cho rằng, nếu quy định tỷ lệ GV dạy giỏi, GV chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường giới hạn ở mức không quá 15% sẽ không phù hợp vì như vậy sẽ bị giới hạn đối với những trường có số lượng GV giỏi nhiều.
Ông Nguyễn Văn Đầm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD&ĐT Thái Bình cũng lo lắng nếu áp dụng điều kiện GV phải được cha mẹ học sinh tín nhiệm.
“Dạy học là một nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định, không nên để phụ huynh ở nhiều trình độ khác nhau đánh giá một người GV, kể cả phụ huynh có trình độ cao hơn GV nhưng không làm nghề giáo dục cũng có thể đánh giá không chính xác. Chỉ có người trong nghề có thể đánh giá được. Có điều gì đó rất chạnh lòng! Nhưng vẫn nên lấy ý kiến của học sinh vì các em được quyền bằng lòng hoặc không bằng lòng với cô giáo”, ông Đầm nêu quan điểm.
Cô Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng, chúng ta đang đề xuất chuyển từ thi GV dạy giỏi sang xét GV dạy giỏi thì mục đích cuối cùng vẫn là đánh giá một cách chính xác, nâng cao chất lượng dạy học và tạo động lực của thầy cô trong ngành giáo dục chứ không phải mục đích là tăng hay giảm áp lực. Việc xét tuyển tức là đánh giá một quá trình dạy học/giáo dục học sinh của GV sẽ thú vị hơn đánh giá một, hai giờ dạy.
Nói về điều kiện “tín nhiệm từ học sinh”, cô Thu Anh nhận định: “Tôi cho rằng, đánh giá từ học trò chỉ là đánh giá mang tính chất cảm tính chứ không thể đánh giá rằng cô giáo đó dạy dễ hiểu/ khó hiểu hay dạy bình thường. Tính cảm tính thể hiện rất rõ là giờ học của thầy cô có thực sự tạo cảm hứng, động lực cho học sinh hay không.
Nữ hiệu trưởng kể câu chuyện một cô giáo của trường nói với mình rằng “em khó có được kết quả bầu chọn cao từ học sinh vì em rất nghiêm khắc với học trò, đòi hỏi học sinh rất cao nên học sinh không thích em”. Câu trả lời của ban giám hiệu nhà trường là: “Tại sao không phải là rất nghiêm khắc mà tạo động lực để học sinh thấu hiểu rằng, cô giáo đang nghiêm khắc để tạo động lực cho học sinh chứ không phải vì cô giáo ghét học trò. Vì quá nghiêm khắc nên có thể học trò nghĩ cô ghét chúng và không bình chọn cho cô thôi. Nghiêm khắc nhưng hiệu quả và phù hợp chứ không phải nghiêm khắc đến mức ghê gớm và tạo áp lực lớn cho học trò… Khi đó, học sinh đến trường là thảm họa; các em không mong chờ giờ dạy của cô giáo đó”.
Cô Thu Anh cũng cho rằng, phải định lượng tiêu chí đánh giá cụ thể và GV có thể minh chứng dễ dàng, hồ sơ không quá nặng nề nhưng minh chứng xác thực hiệu quả làm việc của GV bộ môn hay GV chủ nhiệm.
Nói về dự kiến tiêu chí “tín nhiệm từ cha mẹ học sinh”, cô Thu Anh không cho rằng, không nên để phụ huynh đánh giá GV. Theo nữ hiệu trưởng, nếu để cha mẹ phụ huynh đánh giá thế nào là một giờ dạy hiệu quả họ sẽ không đánh giá được nhưng cha mẹ học sinh đánh giá được rất dễ sự quan tâm, chăm sóc, tạo động lực của GV đối với con họ và sự tiến bộ của con họ qua quá trình học cả năm. Vậy nên, câu chuyện còn lại là lấy ý kiến phụ huynh học sinh đánh giá GV thế nào? Đó là câu chuyện khó.
“Phải nói thật, các trường rất khó lấy ý kiến của cha mẹ học sinh. Chúng tôi có CLB cha mẹ học sinh và có phiếu đánh giá mở đề nghị họ có ý kiến nhưng số phụ huynh học sinh đánh giá rất ít. Họ ngại vì sợ đánh giá của họ nếu đưa ra khuyết điểm thì GV chủ nhiệm của con họ sẽ biết. Ở Việt Nam, việc lấy tiêu chí đánh giá từ phụ huynh với GV còn khó khăn vì chúng ta chưa có thói quen”, cô Thu Anh chia sẻ.
Từng đạt danh hiệu Thủ khoa GV dạy giỏi cấp thành phố môn Hóa học 2017, cô Phạm Thị Vân Anh, GV Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) cũng đồng tình cho rằng, điều kiện được “học sinh và cha mẹ học sinh tín nhiệm” mới là cái khung sườn nên hơi trừu tượng. Nếu muốn làm được cần cụ thể hóa để GV nhìn vào biết mình phải làm gì, hồ sơ minh chứng gồm những gì, thậm chí các tiêu chí có thể số hóa bằng điểm.
Minh chứng hồ sơ thế nào để không gây áp lực cho GV?
Cô Vân Anh cũng đặc biệt tâm tư về việc liệu chuyển hình thức công nhận GV giỏi có rơi vào bẫy “chuyển từ thái cực áp lực này sang thái cực áp lực khác”.
Đại diện này bày tỏ: “Em nghĩ rằng, chúng ta đang muốn giảm áp lực cho GV bằng việc thay đổi hình thức thi sang xét tuyển GV giỏi. Nhưng nếu mình nâng phần “minh chứng hồ sơ” xét công nhận GV dạy giỏi quá nhiều dẫn đến việc GV mất thời gian vào việc phải chuẩn bị như thế thì cũng không khác gì họ mất thời gian vào chuẩn bị thi như trước.
Nếu không cẩn thận, chúng ta lại rơi vào tình trạng chuyển áp lực này sang áp lực mới. Nếu thực sự mong muốn giảm tải cho GV, việc công nhận GV giỏi có thể chỉ chọn các tiêu chí cốt lõi, những minh chứng hồ sơ thực sự cần thiết để thời gian GV chuẩn bị là phù hợp, đảm bảo chất lượng nhưng vẫn giảm tải được thời gian”.
Cô Vân Anh cho biết thêm, trước đây khi tham gia kì thi GV dạy giỏi, bản thân cô học hỏi và trưởng thành khá nhiều; tự tin và có kinh nghiệm hơn trong đổi mới phương pháp dạy hiệu quả cho học sinh. Theo cô, đối với GV mong muốn thiết tha nhất là họ có thời gian được nghiên cứu nhiều hơn về những phương pháp giảng dạy sáng tạo và hiệu quả bởi vì mỗi phương pháp, bài giảng khác nhau lại cần thời gian nghiên cứu khác nhau.
Giáo viên băn khoăn chuyển từ thi sang xét giáo viên giỏi liệu có chuyển từ áp lực kiểu cũ sang áp lực kiểu mới...
“Muốn làm được tốt thì phải có thời gian mà muốn vậy, phải giảm tải được áp lực thời gian hồ sơ sổ sách. Nếu chúng em phải “minh chứng” nhiều quá thì khó có thời gian nghiên cứu phương pháp”, cô Vân Anh tâm sự.
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú (Hà Nội) thì cho rằng: “Thi GV dạy giỏi và xét GV dạy giỏi có chung mục đích lựa chọn tôn vinh người thầy trong nhà trường. Tuy nhiên, giữa thi và xét tiêu chí của nó có phần khác nhau nên mình cũng khó nói là nó chuyển từ áp lực này sang áp lực khác. Mỗi cách để tôn vinh người thầy là thi hay xét thì đều phải có áp lực mới đạt được mục tiêu của nó. Mỗi cách có ưu điểm và cái chưa tốt riêng. Với cách nào, trong mỗi nhà trường chúng tôi cũng sẽ cố gắng thực hiện tốt việc này”.
Giản đơn nhưng không xuề xòa, phức tạp hơn là không có!
Về những băn khoăn trên, TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Theo tinh thần của công nhận GV dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, thi hoặc xét đều nhằm mục đích phát hiện, tôn vinh các thầy cô nhằm tạo sự lan tỏa tạo động lực cho các thầy cô phấn đấu cống hiến trong ngành. Mục đích rất rõ ràng là tôn vinh, ghi nhận cá nhân chứ không phải mục đích để đánh giá tập thể.
“Còn vấn đề tín nhiệm, đây không phải phụ huynh đánh giá GV mà là “tín nhiệm”. Vì rõ ràng, môi trường giáo dục của chúng ta gồm gia đình, nhà trường, xã hội. Theo nghĩa rộng giáo dục của cả giảng dạy và giáo dục. Như vậy để một GV dạy giỏi/chủ nhiệm giỏi thì họ có nhiều hoạt động làm việc với phụ huynh. Cách lấy tín nhiệm nó khác. Tôi thấy, ở Hà Nội, trường Phan Huy Chú cũng đã có hoạt động lấy thông tin về tín nhiệm GV từ phụ huynh học sinh. Các thầy cô có thể luận thêm về điều này để tìm tiếng nói.
Việc xét công nhận GV giỏi, mình không làm khó thêm nhưng nếu không đủ thông tin thì sự công nhận bị vơi. Nhưng liệu có đủ nếu không có thông tin về tín nhiệm từ phụ huynh học sinh trong một môi trường giáo dục có 3 thành tố (gia đình, nhà trường, xã hội.) Nếu chúng ta chuyển từ thi sang xét mà để non thông tin trong bình xét là không đủ độ nhưng nếu phức tạp để làm rắc rối tình hình thêm thì kiên quyết không chấp nhận”.
“Tinh thần chủ đạo là đúng, đủ, đảm bảo tôn vinh được theo mục đích như chúng tôi đã trao đổi. Làm sao để hình thức mới phù hợp, nếu bằng áp lực của việc thi đã không rồi mà thêm áp lực nữa lại càng không. Mục đích của ngành là giảm áp lực nhất nhưng vẫn giữ tôn vinh nghề nghiệp hiệu quả nhất mà nhẹ nhàng nhất có thể. Nhưng không có nghĩa là giản đơn đến mức xuề xòa, không phân minh được chất lượng; mà phức tạp hơn là không có”, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục khẳng định.
Tiến sĩ Hoàng Đức Minh cho biết, thông qua buổi tọa đàm, ngành sẽ cố gắng tìm phương án phù hợp nhất: “Tới đây, tất cả ý kiến của thầy cô chúng tôi sẽ tiếp thu một cách có chọn lọc để xây dựng dự thảo công nhận GV. Các khung sườn điều kiện công nhận GV giỏi đưa ra trao đổi hôm nay mới chỉ là những nội hàm. Trên tinh thần đó, ngành cũng hướng tới việc sử dụng bộ công cụ “chuẩn nghề nghiệp” một cách công phu. Minh chứng cho việc dạy giỏi sẽ có những tiêu chí cụ thể, cốt lõi.
Trong dự thảo tới đây, sẽ có Thông tư (những vấn đề cốt lõi nhất tạo khung thực hiện) và cả văn bản hướng dẫn, đề xuất, gợi ý tình huống để từng trường nhìn vào có thể linh hoạt, chủ động thực hiện. Bởi lẽ, giáo dục chúng ta có rất nhiều vùng miền, ngay một trường đã nhiều sự khác biệt. Một Thông tư đảm bảo tất cả các vùng miền sẽ gồm những gì cốt lõi, chung nhất nhưng phù hợp với tất cả vùng miền.
“Giáo dục học sinh ở vùng đặc biệt, chỉ cần vận động học sinh đến lớp đã quá khó với nhiều tình huống rồi. Nhưng ở vùng thành phố, thuận lợi, biểu hiện của một học sinh cá biệt sẽ khác việc học sinh bỏ nhà, trốn lên rẫy không muốn đi học. Minh chứng cho giáo dục giỏi ở các vùng miền do đó có thể khác nhau, song tiêu chí thì sẽ có chung.
Tới đây, chúng tôi sẽ có hội thảo gợi ý “minh chứng GV giỏi” cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đặc thù để xét công nhận GV phù hợp. Mặt khác, chúng ta cũng sẽ số hóa các minh chứng khách quan. Thi hay xét, cuối cùng cũng là con người quyết định. Nghĩa là rất cần sự chủ động, linh hoạt, không gò ép để tìm ra cách hay nhất có thể để thực hiện các chủ trương”, ông Hoàng Đức Minh kết luận tọa đàm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam