Tỷ lệ thất nghiệp cao, doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực
DNVN - Theo đại diện Tổng Cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố trực tiếp, gián tiếp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ đó ảnh hưởng lên thị trường lao động, việc làm trong quý I năm nay, khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Lĩnh BHXH một lần: Cách tính toán hơn, thiệt / Thủ tướng yêu cầu các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Tác động trực tiếp và gián tiếp
Tại cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý I/2022 do Tổng Cục Thống kê tổ chức sáng 12/4, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết: Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ngay trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Chính vì vậy, tình hình thất nghiệp ở quý I năm 2022 đã khả quan hơn.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm nay là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp 3 tháng đầu năm nay lại tăng 0,04 điểm phần trăm.
Giải thích lý do tỷ lệ thất nghiệp quý I/2022 vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước - thời điểm làn sóng đại dịch COVID-3 thứ ba diễn biến phức tạp, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Vụ phó Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết: So với quý I/2021, năm nay có rất nhiều thuận lợi từ nền kinh tế nói chung, khi gần như tất cả các hoạt động của nền kinh tế đã dần dần phục hồi, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động gần như hoàn toàn bình thường.
"Tuy nhiên, quý I năm nay chúng ta chứng kiến làn sóng COVID-19 bùng phát mạnh mẽ chưa từng có. Số ca mắc COVID-19 của cả nước tăng rất cao. Hàng ngày ghi nhận hàng trăm ngàn ca nhiễm bệnh trong cộng đồng theo báo cáo. Những con số chưa được ghi trong báo cáo có thể còn cao hơn.
Theo Tổng Cục Thống kê, có khoảng 1,1 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý I năm nay.
Chẳng hạn, riêng ngành thống kê, số công chức và người lao động bị nhiễm COVID-19 trong quý I/2022 chiếm 48%. Suy rộng ra tất cả các ngành, các doanh nghiệp trên cả nước thì số người lao động bị nhiễm COVID-19 trong thời gian vừa rồi không phải là thấp", bà Mai nêu.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tham gia vào nền kinh tế một cách cục bộ của các DN. Bởi vì theo quy định, F0 và F1 vẫn phải cách ly và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của DN trong bối cảnh số ca mắc tăng cao. Bối cảnh năm nay khác với năm trước và làm cho tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, theo bà Mai, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine có tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Tất cả những điều này về tổng thể nền kinh tế Việt Nam chịu tác động gián tiếp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Từ đó ảnh hưởng lên thị trường lao động, việc làm của nước ta trong quý I năm nay. Đây là lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái", bà Mai nói.
Thất nghiệp tăng nhưng doanh nghiệp thiếu lao động
Chia sẻ về tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng nhưng nhiều DN lại thiếu lao động, bà Mai cho biết, doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào luôn "khát" lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, chất lượng cao. Yếu tố con người có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp và tổ chức.
Trong các cơ quan, đơn vị, ngay cả Tổng cục Thống kê vẫn thiếu lao động có trình độ cao, có kỹ năng tốt và nền kinh tế luôn tồn tại một tỷ lệ thất nghiệp nhất định tùy theo đặc điểm tình hình hình thị trường lao động và nền kinh tế quốc gia.
Ví dụ, một số quốc gia luôn tồn tại tỷ lệ thất nghiệp nhất định. Ở các nước phương Tây, các nước phát triển tỷ lệ này ở mức 4 - 6%, Mỹ khoảng 4%, một số nước phát triển tại khu vực Đông Nam Á ở mức 3 - 4%. Một số nước khác như Thái Lan, Việt Nam, Philippines, khoảng 2 - 3%. Lào, Campuchia, Myanmar dưới 2%.
"Tức là luôn song hành giữa tỷ lệ thất nghiệp và nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp cao không có nghĩa là lao động không muốn làm việc và không mặn mà với công việc. Thay vào đó tỷ lệ này phản ánh phần trăm số người có nhu cầu tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc. Vì có nhu cầu và sẵn sàng làm việc nên đây cũng là cơ hội để DN tận dụng nguồn lực này tuyển chọn được lao động có chất lượng cao phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh", bà Mai giải thích.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Không thiếu vốn để thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Cột tin quảng cáo