Ưu đãi thuế cao nhất là dành cho phát triển nông nghiệp
Cử tri tỉnh An Giangchi biết, vấn đề ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp rất nghiêm trọng; đất đai bạc màu do thực hiện đê bao sản xuất 3 vụ, dịch bệnh bùng phát, giá vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, điện tăng cao, giá lúa giảm, lợi nhuận thấp, cuộc sống của người nông dân không ổn định...
Chính vì vâỵcử tri tỉnh An Giang đề nghị nghiên cứu, rà soát các chính sách thuế nông nghiệp và các khoản đóng góp ở nông thôn để giảm đầu vào cho người nông dân, giảm chi phí cho sản xuất.
Trả lời ý kiến của cử tri tỉnh An Giang, Bộ Tài chính cho biết, chính sách ưu đãi thuế hiện nay đang quy định ưu đãi ở mức cao nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp, giảm việc huy động thuế, phí từ lĩnh vực nông nghiệp ở mức thấp nhất, qua đógóp phầnthu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ người nông dân.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như góp phần giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân, cụ thể:
Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp (như giống cây trồng; giống vật nuôi;…), hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư vào ngành nghề hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 16 Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13.
Về thuế giá trị gia tăng (GTGT): sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc diện không chịu thuế GTGT; phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN): miễn thuế TNCN đối với thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường; thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao để sản xuất; chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu và cá nhân làm việc trên tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Miễn thuế đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp ở địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản.
Áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% (thuế suất phổ thông là 20%) đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản ở địa bàn khó khăn; nuôi trồng lâm sản ở địa bàn khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, trừ sản xuất muối đã được miễn thuế; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm.
Thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Áp dụng thuế suất 17% trong 10 năm, miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo đối với phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Về thuế sử dụng đất nông nghiệp: miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 31/12/2020 đối với: toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp;toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho các tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Miễn thuế đối với đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; giảm 50% số thuế phải nộp đối với đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Về thuế tài nguyên: Miễn thuế đối với hải sản tự nhiên; cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt; nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Từ ngày 1/1/2015, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 thì “nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp” thuộc đối tượng không chịu thuế tài nguyên.
Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện tại Chính phủ đã có nhiều ưu đãi về phí và lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp, như: miễn lệ phí trước bạ đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc công nhận sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối; tàu thuyền đánh bắt thủy sản; tàu thủy, thuyền không có động cơ, trọng tải toàn phần đến 15 tấn; tàu thủy, thuyền có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa; tàu thủy, thuyền có sức chở người đến 12 người.
Bộ Tài chính đã rà soát bãi bỏ hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ các loại phí, lệ phí không hợp lý trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm giảm thủ tục hành hành chính, giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như: chuyển 6 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp sang thực hiện theo giá dịch vụ; bãi bỏ 9 khoản lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 9/8/2017 của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong hai năm 2017 và 2018, Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều thông tư điều chỉnh giảm mức thu các khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay vẫn có hiệu lực.
Theo Đức Minh/Thời báo tài chính Việt Nam
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé