Xét nghiệm vùng đỏ dựa trên điều tra dịch tễ từng thôn, ấp
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi chủ trì cuộc làm việc của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, Đoàn công tác của Bộ Y tế với lãnh đạo hai tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang chiều 17/9.
Tổng Bí thư: Chủ động kịch bản và giải pháp cho các khả năng, tình huống / Bộ trưởng Bộ Tài chính: Trình chuyển nguồn 14.620 tỷ đồng để chi chống dịch COVID-19
Báo cáo Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết trải qua đợt xét nghiệm diện rộng, tỉ lệ ca F0 trên số mẫu tại Đồng Tháp đã giảm từ 0,059% ở đợt 1 xuống còn 0,02% vào đợt 2 và còn 0,014% trong đợt 3, dự kiến tiếp tục giảm trong đợt xét nghiệm thứ 4.
Số ca mắc mới trong cộng đồng có xu hướng giảm liên tục, gần nhất là giai đoạn từ ngày 6/9 đến 15/9 có số ca mắc hằng ngày khoảng 50 ca, đã có 5 huyện, thành phố hơn 14 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Không để dịch dây dưa, kéo dài
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cần phân biệt việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh theo địa giới hành chính với tổ chức xét nghiệm theo điều tra dịch tễ không chỉ dừng lại ở cấp xã, phường mà có thể xuống tận từng thôn, ấp, tổ dân phố, khu phố. Ảnh: VGP/Đình Nam
“Nhìn biểu đồ thì xu hướng dịch của Đồng Tháp có chiều hướng tốt, nhưng giảm chậm. Vì sao ca nhiễm ở Đồng Tháp cứ dây dưa, kéo dài? Có cách nào để làm giảm nhanh hơn hay không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong nêu một số nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh ở địa phương vẫn dây dưa, kéo dài. Đó là tình trạng thực hiện giãn cách không tốt, lấy mẫu xét nghiệm còn sót, lây nhiễm chéo trong khu cách ly F1, kiểm soát người về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch chưa chặt chẽ.
Đoàn công tác của Bộ Y tế cho rằng Đồng Tháp phải xem xét triển khai cách ly F1 tại nhà ở những gia đình có đủ điều kiện thay vì cách ly tập trung toàn bộ.
Trong các khu phong toả, tỉnh cần điều chỉnh phương thức xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR kết hợp mẫu đơn và mẫu gộp, gia tăng tần suất xét nghiệm, bóc tách hết F0, xử lý dứt điểm ổ dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Đồng Tháp là một trong những địa phương bị lây nhiễm sớm trong đợt dịch thứ 4. Các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh rất nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt với tinh thần sớm hơn, cao hơn một mức so với quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Số ca nhiễm của Đồng Tháp đã giảm dần ở cả trong cộng đồng, khu cách ly, khu phong toả. Những vấn đề chưa hợp lý trong quá trình thực hiện giãn cách, xét nghiệm tiếp tục được chấn chỉnh.
Các lực lượng chống dịch của Đồng Tháp đã phát huy sáng tạo, trên nguyên tắc, quy định của Bộ Y tế, sát thực tiễn để làm tốt hơn các biện pháp phòng, chống dịch, hiệu quả, kiểm soát dịch tốt nhất; nỗ lực giảm sâu tỉ lệ tử vong.
Đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng thôn, ấp
Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc làm việc chiều 17/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết từ ngày 10/9 đến 16/9 tỉnh ghi nhận 1.107 ca mắc mới, trong đó 330 ca cộng đồng (chủ yếu ở các ấp, xã vùng đỏ).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Kiên Giang đánh giá lại nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn, tới tận từng ấp, tổ dân phố, khu phố, “càng chi tiết càng tốt”. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trong 14 ngày gần nhất có 7/15 huyện, thành phố không có ca mắc mới hoặc dưới 3 ca được phát hiện tại chốt kiểm soát, khu cách ly.
Kiên Giang đã tổ chức 3 đợt lấy mẫu cho hơn 1,6 triệu lượt người (182.519 mẫu gộp 3-12 người), phát hiện 838 mẫu nghi ngờ dương tính, chiếm tỉ lệ 0,051% số lượt người được lấy mẫu. Qua đó, đánh giá theo nguy cơ dịch bệnh, Kiên Giang có 5 huyện vùng đỏ (giảm 2), 2 huyện vùng cam, 2 huyện vùng vàng và 6 huyện vùng xanh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành bày tỏ băn khoăn nếu thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế là xét nghiệm toàn bộ dân số những huyện vùng đỏ, vùng cam thì vượt quá năng lực hiện tại của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định không chỉ Kiên Giang mà nhiều tỉnh đã được yêu cầu đánh giá nguy cơ và xét nghiệm đến quy mô từng ấp, xóm, tổ dân phố, khu phố.
“Trong một huyện vùng đỏ thì chúng ta tập trung xét nghiệm các xã vùng đỏ, nhưng ngay trong những xã này, nếu đánh giá dịch tễ học cho thấy chùm lây nhiễm ở một ấp, cụm dân cư, tổ dân phố thì thực hiện xét nghiệm 100% người dân theo mẫu gộp, mẫu đại diện để dồn lực quét nhiều lần, xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn nhất. Vì vậy, Kiên Giang cần cố gắng đánh giá nguy cơ dịch bệnh đến từng ấp, tổ dân phố”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trao đổi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực, cố gắng trong phòng, chống dịch của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Kiên Giang thời gian qua dù nguy cơ dịch bệnh từ nhiều hướng.
Để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sát thực tiễn, Phó Thủ tướng yêu cầu Kiên Giang tiến hành đánh giá lại nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đến xã, phường và tới tận từng ấp, tổ dân phố, khu phố, “càng chi tiết càng tốt”.
Đối với những vùng đỏ, vùng cam, tỉnh tập trung lực lượng xét nghiệm thần tốc, đồng thời vẫn xét nghiệm tầm soát định kỳ vùng vàng, vùng xanh.
Ngoài ra, tỉnh phải thống kê cụ thể số ca nhiễm trong khu cách ly tập trung để có biện pháp giảm tối đa, không để lây chéo. Số ca trong khu phong toả thì tập trung lực lượng “quét” thật nhanh. Số ca nhiễm trong cộng đồng thì bao nhiêu ca đã rõ nguồn lây, nằm trong ấp, xóm, tổ dân phố thuộc vùng đỏ, vùng vàng hay vùng xanh.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết địa phương đặt mục tiêu đến ngày 24/9 cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh, không phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng, ngăn chặn được sự lây lan trong khu phong toả, kiểm soát lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Mở lại các hoạt động chắc chắn, an toàn, không để lỡ nhịp
Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Kiến Giang, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết việc xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn vùng đỏ cần được thực hiện dựa trên điều tra dịch tễ tới tận ấp, thôn, tổ dân phố. Ảnh: VGP/Đình Nam
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau, các lực lượng chống dịch, người dân, doanh nghiệp ở Đồng Tháp, Kiên Giang đã rất căng thẳng, vất vả, khó khăn. Vì vậy, hai tỉnh cần tận dụng triệt để thời gian giãn cách còn lại để thực hiện công tác xét nghiệm, tập trung quét thật nhanh, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dây dưa, kéo dài.
Bên cạnh đó, Đồng Tháp, Kiên Giang phải quán triệt tinh thần đã giãn cách là phải rất nghiêm túc; kiểm soát chặt chẽ hơn người đi về từ vùng dịch, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” với nòng cốt là lực lượng công an tham mưu cho chính quyền cơ sở, tham gia tổ COVID-19 cộng đồng để nắm tất cả những người từ nơi khác về. Những ai không khai báo y tế hoặc khai không trung thực phải xử lý nghiêm, trong đó có trách nhiệm của thành viên trong gia đình. “Tuyệt đối không để tái xảy ra tình trạng người về từ vùng dịch làm lây lan dịch bệnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Đồng Tháp, Kiên Giang cần rà soát, tổ chức lại các khu cách ly tập trung F1, “dứt khoát không để lây nhiễm chéo”;
Trong các khu, điểm phong toả, hai tỉnh tiếp thu ý kiến của Đoàn công tác Bộ Y tế để khoanh hẹp nhất có thể, trường hợp chưa đủ căn cứ khoanh hẹp thì tạm thời khoanh rộng, khẩn trương điều tra dịch tễ, thu hẹp lại để tập trung lực lượng xét nghiệm nhiều lần, bóc tách hết F0 ra ngoài trong thời gian sớm nhất. “Cần phân biệt việc đánh giá nguy cơ dịch bệnh theo địa giới hành chính đến cấp xã, phường với công tác tổ chức xét nghiệm theo điều tra dịch tễ có thể xuống tận từng thôn, ấp, tổ dân phố, khu phố”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đối với những vùng xanh, Đồng Tháp, Kiên Giang cần từng bước mở lại các hoạt động kinh tế, đời sống một cách chắc chắn, an toàn nhưng rất trách nhiệm, mạnh dạn.
“Nếu chủ quan, nóng vội mở ra ồ ạt để dịch tái lây nhiễm, lan rộng trong cộng đồng thì không chấp nhận được. Nhưng đã an toàn rồi mà còn do dự, khiến hoạt động sản xuất, đời sống của người dân bị lỡ nhịp thì lãng phí nguồn lực, công sức của Nhà nước và nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Cơ sở thu dung, điều trị F0 tại Khu ký túc xá trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, phường Hòa Thuận, thành phố Cao Lãnh. Ảnh: VGP/Đình Nam
Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, hệ thống chống dịch và hệ thống chính trị của Đồng Tháp, Kiên Giang phải luôn trực chiến để phát hiện thật nhanh ca nhiễm mới, khoanh vùng, dập dứt điểm ổ dịch, không để dây dưa, lây lan.
Người dân thực hiện nghiêm 5K. Các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học… tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, tự đánh giá và cập nhật thường xuyên lên bản đồ an toàn COVID-19 (antoancovid.vn).
Cùng với đó, hai tỉnh chuẩn bị sẵn sàng về năng lực xét nghiệm, thuốc điều trị, hệ thống oxy trong các bệnh viện, tới đây là vaccine phòng COVID-19, tập huấn, đào tạo đội ngũ y, bác sĩ… tiến tới sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và nhiều địa phương khác để điều chỉnh, thay đổi, cập nhật tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh phù hợp với tình hình hiện nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Cột tin quảng cáo