"Chạy đua" tìm cát cho các dự án giao thông trọng điểm
Giảm lãi suất điều hành tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế / Sửa Luật Đất đai: Kiều bào băn khoăn những quy định về quy hoạch
Nhiều dự án cao tốc đang thiếu hàng triệu m3 cát
Thời điểm này nhiều dự án giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng đang được các tỉnh, thành tích cực triển khai, nhằm sớm tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên tiến độ của các dự án đang chịu áp lực rất lớn vì tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn cát san lấp.
Như dự án đường Vành đai 3 kết nối TP Hồ Chí Minh với Bình Dương - Đồng Nai - Long An dù sớm nhất phải đến tháng 6 mới khởi công các gói thầu đầu tiên, nhưng ngày từ thời điểm này, chính quyền TP Hồ Chí Minh và chủ đầu tư đã phải đau đầu trước nguy cơ thiếu cát.
Dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nguy cơ thiếu hàng triệu m3 cát đắp
Các khu vực tái định cư đang được chính quyền TP Hồ Chí Minh gấp rút hoàn tất, để có thể bố trí nơi ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3. Từ đó có thể kịp bàn giao mặt bằng cho dự án trước ngày 30/6 sắp tới. Tuy nhiên bên cạnh đó có bài toán khác cũng rất cấp thiết: giải quyết nguồn cát cho dự án. Dự án Vành đai 3 cần đến hơn 7,2 triệu m3 cát đắp. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh tính toán, hiện có nguy cơ thiếu hụt đến hơn 30% số lượng này.
Chủ đầu tư dự án Vành đai 3 là Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm này, 3 loại vật liệu xây dựng là đất đắp, đá xây dựng, cát xây dựng đã được chuẩn bị đủ. Riêng với lượng cát đắp, tổ công tác chuyên trách đã thống kê được khoảng 100 mỏ vật liệu đang khai thác và được quy hoạch chờ khai thác. Tuy nhiên hiện tại chỉ một nửa trong số này đảm bảo được về trữ lượng và chất lượng.
"Công tác chuẩn bị vật liệu cho dự án Vành đai 3 là một thách thức trong bối cảnh nhiều dự án cao tốc đang được triển khai trong cùng khu vực, cùng thời điểm giai đoạn 2025 - 2027. Đặc biệt cát san lấp là thách thức lớn nhất, nhu cầu sẽ tăng cao nhất vào năm 2024, chiếm đến 50% khối lượng này", ông Lương Minh Phúc -Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết.
Để tránh tình trạng không đủ cát thi công, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang tìm cách đàm phán để được hỗ trợ từ các các tỉnh vùng Tây Nam Bộ có trữ lượng cát lớn như Vĩnh Long, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp... với mong muốn "năng nhặt chặt bị".
"Chủ động bằng 2 việc một là mở rộng tìm kiếm tại các tỉnh mà không chịu áp lực bởi các dự án trọng điểm. Thứ hai là rà soát lại các mỏ quy hoạch, mở rộng để lấy nguồn này để cung cấp cho các nguyên vật liệu đang thiếu", ông Nguyễn Toàn Thắng -Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết.
Các ngành chức năng cũng đang đề xuất, tính toán đến phương án tìm loại vật liệu khác có thể thay thế được cho lượng cát đắp đang thiếu hụt. Tuy nhiên theo các chuyên gia, phương án này cần được nghiên cứu kĩ lưỡng để vật liệu thay thế này đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, tránh ảnh hưởng đến chất lượng của dự án.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc yêu cầu khai thác các mỏ mới phục vụ cho các dự án phải tránh gây hệ lụy cho môi trường (Ảnh minh hoạ)
Không khai thác cát tuỳ tiện, phải có sự điều tiết
Cách đây ít ngày, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cũng đã có chuyến khảo sát thực tế tại khu vực này để đánh giá tình hình. Theo đó tại Đồng bằng Sông Cửu Long, công suất khai thác cát hiện chỉ đạt khoảng 15,6 triệu m3/năm. Tuy nhiên, nhiều mỏ chất lượng kém, không đáp ứng yêu cầu.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo và có đề xuất cụ thể về tình trạng thiếu cát, vật liệu san lấp. Phó Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu khai thác các mỏ mới phải tránh gây hệ lụy cho môi trường.
"Đối với các mỏ mới, riêng khai thác cát phải có khảo sát có đánh giá và phải giám sát về vấn đề môi trường. Bởi vì chúng ta không thể khai thác tùy tiện mà phải có sự điều tiết. Cũng có một yêu cầu là cấp cho đường giao thông, cho các tuyến cao tốc, khi kết thúc thì phải chấm dứt khai thác", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu.
Các địa phương san sẻ nguồn cát xây dựng
Trước các thách thức nói trên, một số địa phương tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long cũng đang lên các phương án cân đối, san sẻ nguồn cát để vừa đảm bảo cho dự án trên địa bàn, vừa hỗ trợ được các dự án trọng điểm của địa phương khác.
An Giang là một trong những địa phương có trữ lượng cát sỏi lòng sông lớn nhất tại khu vực Tây Nam Bộ, đạt khoảng 20 triệu m3. Chính quyền tỉnh này cho biết hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Với lượng cát dôi dư, tỉnh sẽ cân nhắc hỗ trợ các địa phương có liên quan đến tuyến đường cao tốc chung, và hồ sơ thiết kế buộc phải dùng cát nước ngọt.
"Để triển khai các công trình giao thông trọng điểm, tỉnh An Giang cũng như các tỉnh khác cũng sẽ tính toán cân nhắc, trong phạm vi để cân đối nguồn vật liệu xây dựng. Tôi nghĩ là An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang là có điều kiện để phát triển nguồn vật liệu cát sỏi lòng sông để hỗ trợ", ông Trần Anh Thư,Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết.
Còn khả năng khai thác tại tỉnh Đồng Tháp mỗi năm đạt khoảng 7 triệu m3 cát, bằng phân nửa so với nhu cầu hiện nay. Lãnh đạo địa phương cho biết sẽ đánh giá lại trữ lượng để có phương án tăng mức khai thác để đáp ứng yêu cầu phát triển.
"Chúng tôi sẽ đánh giá lại tất cả trữ lượng. Đối với các cồn mới nổi, có lượng cát đủ điều kiện đáp ứng công trình thì sẽ xin phép Thủ tướng cho phép nạo vét trữ lượng này", ông Phạm Thiện Nghĩa,Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp thông tin.
Các địa phương san sẻ nguồn cát xây dựng được xem là giải pháp đóng vai trò quan trọng để hoàn tất cả dự án trọng điểm
Trước nhu cầu cát san lấp tăng cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về thủ tục rút gọn để cấp phép đối với các mỏ khai thác mới. Còn đối với các mỏ đang hoạt động thì cho phép có thể khai thác tối đa đến 50%. Theo đại diện Cục Khoáng sản, trách nhiệm san sẻ nguồn vật liệu giữa các địa phương cũng đóng vai trò quan trọng để hoàn tất cả dự án trọng điểm.
"Đề nghị các tỉnh còn dư tiềm năng về vật liệu san lấp, thì sẽ chịu trách nhiệm chia sẻ cho các tỉnh còn thiếu. Hiện tại Cục Khoáng sản đang phối hợp với các địa phương để tổng hợp các tiềm năng về vật liệu san lấp, trên cơ sở đó có kế hoạch đảm bảo nhu cầu theo tiến độ", ông Trần Phương,Phó Cục Trưởng Cục Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
Giới chuyên gia kiến nghị cần sớm có được một danh mục chi tiết về các mỏ vật liệu, cũng như biểu đồ nhu cầu cát cho từng dự án ứng với từng giai đoạn cụ thể. Tạo cơ sở để Chính phủ và các bộ ngành điều tiết, phân bổ hợp lý.
Bộ Giao thông vận tải cũng thông tin qua khảo sát của đơn vị tư vấn và làm việc với các địa phương, trữ lượng vật liệu để làm đường cao tốc không thiếu. Do đó theo các chuyên gia, yếu tố then chốt là sự quyết liệt trong triển khai các giải pháp và sự phối hợp, san sẻ giữa các địa phương.
Cuộc "chạy đua" tìm cát hiện nay không chỉ là "chạy đua' cho kịp tiến độ, mà còn là cuộc "chạy tiếp sức" giữa các bên liên quan, để cùng đạt mục tiêu chung là tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo