Tin tức - Sự kiện

“Con số biết nói” về lãng phí qua giám sát tối cao của Quốc hội

Dù mới là kết quả bước đầu, hơn nữa nhiều bộ ngành, địa phương chưa báo cáo đầy đủ, nhưng Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đã chỉ ra sự lãng phí nguồn lực rất lớn.

Chính thức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/4/2022 / Quyết định nới "trần" giờ làm thêm lên 60 giờ mỗi tháng

Chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh là nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, cử tri vì liên quan trực tiếp đến nhân lực, vật lực, tài lực của quốc gia.

Hơn nữa, “đôi khi hậu quả của lãng phí còn lớn hơn tham nhũng”, dù chưa có con số thống kê cụ thể song qua thực tế ai cũng cảm nhận được. Cuộc giám sát vì thế được kỳ vọng sẽ khiến lãng phí phải “hiện hình” công khai. Và những con số dù mới là bước đầu vừa được Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hộitại Phiên họp thứ 9 cũng cho thấy phần nào thực trạng lãng phí.

Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội
Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Trước hết hãy nói về mặt được. Đó là công tác THTK,CLP đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH được Quốc hội đề ra. Rõ nét nhất là số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng, trong đó năm 2020 là 88.479 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2016.

Tuy nhiên, tồn tại, hạn chế lại là vấn đề lớn hơn, dù nội dung giám sát khu biệt ở 5 lĩnh vực trọng tâm dễ nãy sinh lãng phí, thất thoát là: Quản lý, sử dụng NSNN; Quản lý, khai thác và sử dụng vốn nhà nước khác; Quản lý tài sản nhà nước; Quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.

Về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, theo báo cáo tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, giai đoạn 2016-2021 phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ với tổng giá trị được kiến nghị thu hồi và bồi thường là 894,1 tỷ đồng. Lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỷ đồng; số tiền vi phạm đã xử lý, cắt giảm dự toán hơn 8.574 tỷ đồng.

6 năm có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN lãng phí, sai chế độ đã được phát hiện với số tiền 883,2 tỷ đồng. Số vốn chậm giải ngân so với kế hoạch là 25.185,4 tỷ đồng; Số dự án thực hiện chậm tiến độ rất lớn (8.580 dự án trong giai đoạn 2016-2020)...

Trong khi đó, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước chưa được bảo toàn; công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Phần lớn các đơn vị còn sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với NSNN và Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu tăng 32.219,25 tỷ đồng và 756.999 USD. Một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước. Các dự án hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ là 78.285 dự án…

 

Còn về tài sản nhà nước có đến gần 7.000 phương tiện đi lại, 33.608 tài sản khác được trang bị, hàng trăm nghìn mét vuông diện tích trụ sở, nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chế độ. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, cung cấp điện chưa thật sự hiệu quả.

Với quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước, báo cáo khẳng định cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Việc quản lý, sử dụng biên chế ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định. Thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và theo vị trí việc làm chưa đạt yêu cầu đề ra. Ngoài ra có hàng chục nghìn vụ việc vi phạm trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động gây thất thoát, lãng phí lớn nguồn lực, thời gian của xã hội.

Đối với tài nguyên, giai đoạn 2016-2021 vẫn còn 650.624.498 m2 đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ là 242.082 triệu đồng. Số lượng vụ việc vi phạm trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên là 47.234 vụ; số tiền xử phạt, xử lý vi phạm thu được chỉ có 622.082 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát trình bày Báo cáoKết quả bước đầu và kế hoạch tiếp theo của Đoàn giám sát chuyên đề“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm,chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Bà Nguyễn Thị Phú Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát trình bày Báo cáoKết quả bước đầu và kế hoạch tiếp theo của Đoàn giám sát chuyên đề“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm,chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng trong giai đoạn trên, ngành Thanh tra triển khai 43.276 cuộc thanh tra, kiểm tra THTK,CLP hoặc có nội dung liên quan THTK,CLP đã phát hiện vi phạm về kinh tế 148.540 tỷ đồng, 143.777 ha đất. Cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 293 vụ, 375 đối tượng; kiến nghị xử lý hành chính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị 1.709 người, xử lý hình sự 50 người.

Cùng thời gian trên, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị xử lý tài chính 431.435,5 tỷ đồng (trong đó: tăng thu NSNN 72.380 tỷ đồng; giảm chi NSNN 107.240,4 tỷ đồng; xử lý khác 265.814 tỷ đồng). Đặc biệt, KTNN phát hiện những hiện tượng, những dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước… và chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra.

 

Cần nhắc lại rằng đó chỉ mới là kết quả bước đầu của cuộc giám sát. Số liệu cũng tổng hợp chưa đầy đủ vì có đến 32 bộ, cơ quan trung ương, 10 HĐND cấp tỉnh, 9 UBND cấp tỉnh, 2 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa gửi báo cáo, trong khi các báo cáo đã có lại “chất lượng không đảm bảo yêu cầu của Đoàn giám sát, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài, nhận định chung chung”. Mới chừng ấy thôi song cũng khiến cử tri “giật mình” về mức độ lãng phí, thất thoát nguồn lực trên nhiều lĩnh vực.

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát dự kiến tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với 16 bộ ngành trung ương và 6 địa phương. Ngoài ra, Đoàn có thể tổ chức thêm một số Nhóm công tác liên ngành tổ chức giám sát việc quản lý,khai thác, sử dụng đất đai không hiệu quả tại một số địa phương và một số nhiệm vụ trọng tâm khác.

Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội rất rõ ràng: Giám sát trọng tâm tâm, trọng điểm, chỉ rõ địa chỉ, phản ánh “con số biết nói”, “nói có sách, mách có chứng” và sàng lọc, lựa chọn tạo danh mục một loạt vụ việc lớn vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để cảnh tỉnh, răn đe và tạo hiệu ứng xã hội.

Chính vì vậy, hàng loạt câu hỏi như “Bao nhiêu dự án treo, dự án dang dở hay đầu tư xong rồi lại phơi mưa phơi nắng? Diện tích đất hoang hoá, chưa kiểm kê đo đếm, vi phạm mà chưa thu hồi là bao nhiêu? Các dự án, diện tích đó tên gì, nằm ở đâu? Bộ ngành, địa phương, đơn vị nào làm tốt hoặc chưa tốt? Trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?” dù rất khó nhưng khả năng rất lớn sẽ được trả lời trong thời gian tới.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm