Tin tức - Sự kiện

'Đã hạn chế được 70 - 80% tình trạng chó thả rông'

Bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) - cho biết, trên địa bàn quận Thanh Xuân hiện thống kê chưa đầy đủ có hơn 2.300 con chó. Sau khi thực hiện việc bắt chó thả rông, đã hạn chế được 70 – 80% tình trạng chó thả rông.

Vì sao TP.HCM hủy quyết định thu hồi khu "đất vàng" 8-12 Lê Duẩn? / Cùng King Coffee viết thiệp lan toả yêu thương mùa Giáng sinh

bắt chó 11
Hà Nội thực hiện việc bắt chó thả rông trên địa bàn phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Bắt được 12 con chó, xử phạt 6,3 triệu đồng…

Chiều 19/12, UBND quận Thanh Xuân tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình bắt chó thả rông phòng trừ bệnh dại trên địa bàn. Theo bà Mai Thị Lan Hương - Trạm trưởng Trạm Thú y quận Thanh Xuân - phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình bắt chó thả rông. Một đội chuyên trách bắt chó thả rông với biên chế 5 người được thành lập cùng với 10 tổ phản ứng nhanh tại 10 tổ dân phố, biên chế 5 người/tổ. Nhân sự chủ yếu là thành viên các tổ dân phố, dân phòng.

Mô hình được chính thức triển khai từ tháng 9/2018, trung bình mỗi tuần đội đi bắt một buổi hoặc do đề xuất của tổ dân phố, không thông báo trước.

“Số chó thả rông bị bắt là 12 con. Xử phạt 9 chủ nuôi chó với số tiền 6,3 triệu đồng. Có 3 con chó không có người nhận đã được bàn giao vào Trung tâm nghiên cứu và bảo vệ vật nuôi thuộc Bộ KH&CN để tiếp tục theo dõi, nuôi dưỡng và tìm chủ mới”, bà Hương nói.

Qua triển khai, bà Hương cũng cho biết, hiện việc bắt chó thả rông vẫn gặp nhiều khó khăn như nhân sự còn mỏng, chủ yếu là người cao tuổi, việc bắt chó vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa có phương tiện chuyên dụng. Đặc biệt, khi gặp chó to, chó dữ thì khó xử lý, gặp nguy hiểm.

 

Dụng cụ để bắt chó thả rông là các cũi sắt cùng vợt lưới.
Dụng cụ để bắt chó thả rông là các cũi sắt cùng vợt lưới.

Ông Lê Bá Mão, Đội trưởng đội bắt chó thả rông phường Khương Đình cho biết, có những buổi đi bắt được 3 – 4 con, có buổi không bắt được con nào. Qua thời gian triển khai, ý thức của người nuôi chó được nâng lên, có trường hợp đội bắt chó ngay trước mặt chủ, nhưng họ còn xin lỗi vì để chó thả rông.

Ông Mão đề xuất chính quyền hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên, nghiên cứu việc hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị. Cũng theo ông Mão, đội bắt chó thả rông ở Thành phố Hồ Chí Minh được trang bị xe chuyên dụng, gợi ý Hà Nội nên học theo.

Đã hạn chế được 70 – 80% tình trạng chó thả rông

Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận Thanh Xuân sẽ nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ cần thiết để đội bắt chó thả rông tiếp tục duy trì hoạt động, tiến tới nhân rộng trên địa bàn toàn quận.

Theo bà Trang, trên địa bàn quận hiện thống kê chưa đầy đủ có hơn 2.300 con chó. Việc thả rông chó, ngoài ảnh hưởng đến an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, còn tiềm ẩn việc mất an ninh trật tự địa bàn, khi các đối tượng trộm chó có cơ hội hoạt động.

 

“Quận cũng xác định không phải là bắt được bao nhiêu con, xử phạt bao nhiêu tiền mà cái được lớn nhất là ý thức, trách nhiệm của người nuôi chó được nâng lên. Sau khi thực hiện việc bắt chó thả rông, đã hạn chế được 70 – 80% tình trạng chó thả rông”, bà Trang nói.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho rằng, việc phường Khương Đình (Thanh Xuân) đi đầu trong triển khai bắt chó thả rông đạt được nhiều kết quả, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân trên địa bàn phường, quận, thành phố.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, đội bắt chó thả rông gặp phải nhiều áp lực khi thực hiện nhiệm vụ trong thời gian đặc thù, lực lượng mỏng, chưa có xe chuyên dụng, dụng cụ đơn giản, chủ yếu làm theo kinh nghiệm.

“Thậm chí bây giờ có những con chó cảnh có giá trị vài chục triệu, cả trăm triệu, nếu xảy ra điều gì thì liên quan đến vấn đề dân sự”, ông Sơn nói.

 Chó thả rông bị đưa về nhốt tập trung. Chủ nhân chỉ cần mang đủ giấy tờ được yêu cầu và nộp phạt theo quy định là được nhận lại chó.

Chó thả rông bị đưa về nhốt tập trung. Chủ nhân chỉ cần mang đủ giấy tờ được yêu cầu và nộp phạt theo quy định là được nhận lại chó.

 

Cũng theo ông Sơn, hiện Chi cục Thú y đang tính toán việc triển khai 3 khu nuôi nhốt tập trung chó thả rông bị bắt để “chuyên biệt” hơn, đồng thời sẽ tham mưu, đề xuất với UBND thành phố về một số cơ chế thực hiện để giải quyết những vấn đề phát sinh như kinh phí chăm sóc, nuôi nhốt, nếu chó chết thì xử lý thế nào...

Trước đó, sáng (29/11), đội bắt chó thả rông thuộc phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu "chiến dịch" bắt những con chó chạy rông không đeo rọ mõm hoặc không có chủ đi cùng.

Ông Lê Bá Mão - Đội trưởng đội bắt chó thả rông phường Khương Đình - cho biết, những con chó thả rông bị bắt sau đó sẽ được đưa về nhà hội họp khu dân cư số 8 phường Khương Đình và nhốt tại đó. Khi nào chủ chó mang các giấy tờ cá nhân và giấy tiêm phòng dại cho chó, đồng thời nộp phạt theo quy định, thì sẽ được trả lại chó.

Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15/9, cơ quan chức năng sẽ phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Trong trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự.

Luật cũng quy định, chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu huỷ.

 

Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 – 1.000.000 đồng. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại.

THeo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm