Tin tức - Sự kiện

“Giữ được mạng sống cho bệnh nhân 91 đến thời điểm này là một kỳ tích”

“Giữ được mạng sống cho bệnh nhân 91 đến thời điểm này là một kỳ tích bởi trước nay chưa từng có bệnh nhân nào thở máy trên 10 ngày có thể sống sót”.

Nhiều lái xe vẫn cố tình "quên" Nghị định 100? / Liên tiếp xảy ra cháy rừng lớn tại Kiên Giang

Thông tin đáng chú ý về bệnh nhân 91 (BN91) mắc COVID-19 đó là bệnh nhân này đã được tạm ngưng lọc máu liên tục. Kíp điều trị cho BN91 tại Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra quyết định này vì lượng nước tiểu của bệnh nhân khá hơn, khi điều trị bằng thuốc kiểm soát được lượng nước ra và vào cơ thể. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, chờ đợi các diễn tiến lâm sàng tiếp theo để quyết định có lọc máu lại hay không.

Bệnh nhân 91 đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN.
Bệnh nhân 91 đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN.

Sau 65 ngày điều trị với 46 ngày chạy ECMO, chiều 22/5, BN91 được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị trong tình trạng ổn định. Trong suốt 65 ngày vừa qua, có giai đoạn phổi BN91 đông đặc nặng dần, như kết quả lần chụp CT ngày 12/5 cho thấy tình trạng xơ hóa đông đặc toàn bộ hai phổi, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động, bệnh nhân sẽ tử vong nếu rời ECMO. Nhưng điều kỳ diệu là trong 10 ngày tiếp theo, tình trạng sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần.

Đến ngày 21/5, TS. BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, trước khi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, BN91 có các dấu hiệu sinh tồn ổn định, tình hình khả quan với 30% phổi được hồi phục, các thông số hô hấp đang cải thiện tốt. Kết quả siêu âm tim cho thấy tim co bóp đồng bộ, tràn dịch màng tim lượng ít. Phổi trái tràn dịch ít, không tràn khí; còn phổi phải tràn dịch ít, tràn khí khu trú vùng cạnh ức. BN91 cũng có kết quả xét nghiệm âm tính 6 lần liên tiếp với virus SARS-CoV-2 trước khi được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.

"Khi chúng tôi chuyển bệnh nhân 91 qua Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi đảm bảo bệnh nhân đã không còn virus SARS-CoV-2, nghĩa là bệnh nhân này đã hoàn toàn khỏi bệnh", bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - khẳng định.

“Giữ được mạng sống cho bệnh nhân 91 đến thời điểm này là một kỳ tích” - Ảnh 1.

Phòng cách ly áp lực âm trong Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, nơi điều trị cho bệnh nhân 91 và các ca bệnh mắc COVID-19 khác. Ảnh: TTXVN.

 

Với nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, việc BN91 liên tục âm tính với virus SARS-CoV-2, duy trì được sự sống chính là thành công bước đầu của ngành y tế Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19. Thở phào nhẹ nhõm sau 65 ngày điều trị liên tiếp cho BN91, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong chia sẻ: "Giữ được mạng sống cho bệnh nhân 91 đến thời điểm này là một kỳ tích bởi trước nay chưa từng có bệnh nhân nào thở máy trên 10 ngày có thể sống sót. Đáng mừng hơn, phổi của bệnh nhân đã hồi phục được khoảng 30%. Đây cũng là lần đầu tiên tất cả các kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu tại Việt Nam đều được áp dụng trên một bệnh nhân. Chúng ta đã làm đủ mọi cách để giữ được mạng sống cho bệnh nhân này".

Trong 23 năm làm nghề y, trường hợp của BN91 là ca bệnh đặc biệt nhất mà bác sĩ Nguyễn Thanh Phong từng gặp. Theo bác sĩ Phong, với thành công bước đầu của việc điều trị cho BN91, ông và các cộng sự đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, ứng dụng nhiều phác đồ điều trị, sử dụng nhiều loại thuốc, thiết bị chưa từng biết đến trước đó. Đây cũng sẽ là kinh nghiệm quý báu để các bác sĩ áp dụng điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 khác vẫn đang được điều trị tại 9 cơ sở y tế tuyến trung ương và tuyến tỉnh tại nước ta.

Thời gian qua, phương án ghép phổi cho BN91 được nhắc đến nhiều và cũng có hàng chục người đăng ký hiến phổi để cứu nam phi công người Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, để tiến hành ghép phổi cho BN91 sẽ cần ít nhất 1 tháng nữa để chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết trước khi ghép như đánh giá thần kinh, giảm dần các thuốc kháng sinh, cải thiện tình trạng hôn mê. Đặc biệt, phổi sẽ phải được ghép từ người cho chết não. Chính vì vậy, bác sĩ Phong hy vọng phổi của BN91 có thể phục hồi được khoảng 40% nghĩa là bệnh nhân có thể được cứu sống lần nữa.

Về tình hình của BN91, chiều 23/5, bác sĩ CKII Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết tiên lượng bệnh nhân còn nặng vì phụ thuộc gần hoàn toàn vào hệ thống ECMO, nhiễm trùng phổi chưa khống chế được.

Bệnh nhân đã được giảm liều thuốc an thần, có nhịp tự thở dao động 15 - 25 lần/phút, còn hôn mê. Các bác sĩ tiếp tục vật lý trị liệu hô hấp, nội soi phế quản hút đàm và cấy dịch rửa phế quản, theo dõi điều chỉnh nước điện giải và đông máu, dinh dưỡng tĩnh mạch và đường tiêu hóa.

 

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cepacia, nhiễm nấm máu, tổn thương thận cấp.

Dù đã kết thúc 65 ngày điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 và phổi đã phục hồi 20 - 30% nhưng chắc chắn hành trình để trở lại với cuộc sống của BN91 vẫn còn rất dài. Ngay sau khi bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đêm, các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện đã hội chẩn để tìm phương án điều trị phù hợp.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức khẳng định Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ huy động toàn lực để cứu chữa cho BN91 đến khi bệnh nhân có đầy đủ các yếu tố thuận lợi về sức khỏe thì sẽ tiến hành ghép phổi theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm