Tin tức - Sự kiện

“Gói phục hồi kinh tế cần vững chắc, tránh thành tích”

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hiệu quả và thực chất trong gói phục hồi kinh tế.

1,4 triệu người thất nghiệp / Sửa luật để gỡ nút thắt trong hoạt động đầu tư

Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế.

Góp ý kiến về dự thảo này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách đề cập đến hiệu quả và cam kết sản phẩm đầu ra của chương trình. Đại biểu này cho rằng mục tiêu cốt yếu của chương trình là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời gian nhất định sẽ thu được chi phí lớn hơn.

“Vấn đề hiệu quả thực tế chương trình phải đạt được là trả lời câu hỏi: Với hơn 346.000 tỷ đồng, chúng ta sẽ thu lại kết quả gì? Và với mục tiêu như vậy, chương trình cần quy định rõ hiệu quả nguồn lực, hiệu quả đầu ra. Tuy nhiên đối chiếu với nội dung nghị quyết, vấn đề này chưa được cụ thể hóa. Nếu không có cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

“Gói phục hồi kinh tế cần vững chắc, tránh thành tích” - Ảnh 1.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hiệu quả và thực chất trong gói phục hồi kinh tế.

Đại biểu đoàn Hà Nội cũng kiến nghị cần bổ sung căn cứ nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để phân bổ đầu tư nguồn lực tương ứng với từng gói chính sách. Về danh mục dự án, đại biểu đề nghị tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể, gồm những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất.

“Đề án trình Quốc hội lần này hoàn toàn đúng đắng, nhưng đây cũng là công việc hết sức khó khăn, và cũng là thử thách đòi hỏi trí tuệ và sự quyết tâm. Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cần những bước đi vững chắc, không chịu áp lực bởi bất kỳ mục tiêu tăng trưởng và thành tích. Vì thế, vấn đề cốt lõi cần đạt được là thực chất và hiệu quả”, bà Mai nhấn mạnh.

Nơi cần lao động thì không có, nơi có lao động thì rất khó có việc làm

Cũng trong buổi thảo luận sáng nay, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã nêu ra những thực trạng cũng như kiến nghị với thị trường lao động.

Đại biểu đoàn Bắc Kạn nêu 5 vấn đề cụ thể: Thứ nhất là tình trạng mất việc, giảm, giãn việc làm. 4 đợt dịch vừa qua đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới người lao động. Chỉ tính riêng quý 3, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch.

 

“Biến thể Delta đã "cuốn đi" khoảng 1/4 mức lương hằng tháng của người lao động ở miền Đông Nam bộ. Đồng lương của người lao động vốn đã không dư dả gì thì nay lại càng khó khăn hơn”, đại biểu Thủy thông tin.

Thứ hai, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động bị thu hẹp. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến cho 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiết hụt lao động tại các tỉnh phía Nam nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong khi đó, nhiều tỉnh có lao động trở về đang phải chịu áp lực rất lớn về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

“Và điều này tạo ra nghịch lý về cung cầu lao động. Nơi cần lao động thì không có, nơi có lao động thì rất khó có việc làm”, bà Thủy nói.

“Gói phục hồi kinh tế cần vững chắc, tránh thành tích” - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết biến thể Delta đã "cuốn đi" khoảng 1/4 mức lương hằng tháng của người lao động ở miền Đông Nam bộ

Thứ ba, dịch bệnh đã xuất hiện những nhóm lao động bị tổn thương. Lao động làm công việc giản đơn trở nên yếu thế trong đại dịch. Tỉ lệ mất việc của nhóm này cao gần gấp đôi so với các nhóm khác.

 

Thứ tư, tính bền vững của quan hệ lao động đang có nguy cơ bị xâm phạm. Do mất việc, nhiều lao động ở khu vực chính thức có xu hướng tìm việc ở khu vực phi chính thức dẫn tới lao động tự do tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây, chiếm 57% lao động có việc làm. Và điều này dẫn tới một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững. Trong đó những chính sách an sinh, bảo hiểm, chế độ ốm đau, thai sản ở khu vực này rất hạn chế. Nhiều quan hệ lao động đã được xây dựng ổn định qua các năm có nguy cơ bị phá vỡ.

Thứ năm, qua đại dịch đã bộc lộ những hạn chế trong quản lý thị trường lao động thời công nghệ. Nhiều người lao động và người sử dụng lao động thực sự có cung - cầu về lao động nhưng chưa tìm được nhau.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, đất nước đang trở lại trạng thái bình thường mới. Để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là vấn đề lao động.

Bà Thủy nêu 3 kiến nghị cụ thể. Thứ nhất là tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng với cả lao động chính thức và phi chính thức. Thứ hai dành khoản kinh phí thỏa đáng để xây dựng nhà ở cho công nhân. Thứ ba là dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm