"Khủng hoảng" ở Cần Thơ: "Sửa để cho dân nhờ"
Vụ mua bán 100 USD ở Cần Thơ: Thêm dầu vào lửa / Vụ mua bán 100 USD, phạt 270 triệu: Công an nói một đằng, ủy ban nói một kiểu, người dân “mắc kẹt”
Ông Trương Quang Hoài Nam khẳng định: Qua quá trình kiểm tra, xác minh, không có cơ quan nhà nước nào ra quyết định tôi có "sai phạm nghiêm trọng".
Việc ông Nam bức xúc là điều dễ hiểu, khi câu chuyện "đổi 100 USD" đang ở trong tâm điểm của cơn bão dư luận, điểm nóng của báo chí. Ông Trương Quang Hoài Nam, cương vị là Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, người đã ký quyết định xử phạt hành chính với cả hai người trong việc đổi 100 USD.
Quyết định xử phạt hành chính do ông Nam ký về mặt pháp lý là không sai.
Nhưng, nếu không có phản biện từ truyền thông, mạng xã hội, chỉ đạo từ Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, thì liệu chiều ngày 5/11, ông Nam cùng các cơ quan có gặp ông Cà Rê (người đổi 100USD)? đi đến một quyết định là miễn phạt 90 triệu đồng, vì đổi ngoại tệ ở một cửa hàng vàng không có phép.
Và một ngày sau (6/11) chính quyền TP Cần Thơ đã gặp gỡ với ông Lê Hồng Lực, chủ tiệm vàng Thảo Lực, thống nhất trả lại tài sản 20 viên kiêm cương; 19.910 viên đá nhân tạo và miễn xử phạt 70 triệu đồng đối với tiệm vàng Thảo Lực.
Có những giả thiết mà dư luận xã hội đặt ra và thấy tiếc.
Tiếc là, nếu chính quyền TP Cần Thơ đã không quá nặng về lý, để đi đến có một quyết định cứng nhắc là xử phạt 90 triệu đồng với người đổi có 100 USD, khiến truyền thông, dư luận bức xúc, "trút giận" lên ông Trương Quang Hoài Nam, người đặt bút ký quyết định xử phạt.
Tiếc là, ông Hoài Nam, cựu Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, một chuyên gia luật kỳ cựu về luật kinh tế lại để "một que diêm biến thành ngọn lửa".
Trong trường hợp này, không ai khác là ông Trương Quang Hoài Nam - với cương vị là Phó Chủ tịch UBND TP, có thể đưa ra một giải pháp với chính quyền TP Cần Thơ mà dư luận thấy hợp cả tình lẫn lý. Nhắc nhở ông Cà Rê và không ra quyết định xử phạt hành chính hành vi đổi 100 USD.
Và cũng không thể sung công quỹ số tài sản của gia đình ông Lê Hồng Lực đã bị Công an TP Cần Thơ thu giữ, vì không lên quan đến hành vi đổi 100 USD.
Cái quyết định xử phạt hành chính "không đáng có" ấy đã khiến chính quyền Cần Thơ bị khủng hoảng truyền thông. Và ông Trương Quang Hoài Nam cũng bị rơi vào khủng hoảng khi báo chí dẫn lại chuyện, không thể nói là không liên quan đến trách nhiệm của ông khi đương nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.
Đó là tiêu cực trong thi tuyển công chức ở Cục Quản lý thị trường năm 2013.
Thời điểm ấy, sự kiện này nóng không? Phải thẳng thắn mà nói là rất nóng - thưa ông Trương Quang Hoài Nam.
Không biết ông Nam có còn nhớ không? Khi ông đương chức Cục trưởng Cục QLTT, đồng thời là Chủ tịch hội đồng Hội đồng tuyển dụng, thì tiêu cực của kỳ thi tuyển công chức năm 2013 ở Cục QLTT, không chỉ nóng trên truyền thông mà cả nghị trường Quốc hội.
299 thí sinh đăng ký dự thi, có 10 thí sinh trúng tuyển. Có kết quả, không ít người "ngã ngửa" khi biết trong số 10 người ấy, hầu hết là con cháu của lãnh đạo "ngành" QLTT.
Đơn thư tố cáo được gửi đến nhiều nơi và cho là lộ đề thi.
Đề thi thuộc danh mục bí mật Nhà nước, thuộc dang tuyệt mật.
Căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan an ninh: Trong đợt thi tuyển, một số cán bộ Cục QLTT và một số thí sinh có dấu hiệu vi phạm quy định (liên quan đến việc lộ đề thi), ngày 13/6/2014, Cục QLTT tiến hành xem xét hình hình thức kỷ luật đối với các công chức Cục QLTT có hành vi vi phạm trong việc thi tuyển công chức.
Để có được kết quả, buộc Bộ Công Thương phải hủy kết quả thi tuyển là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ngày 22/8/2014, Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc số 6768 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký, gửi Bộ Công Thương, Bộ Công an, yêu cầu xử lý sai phạm trong thi tuyển công chức ở Cục QLTT.
Chỉ 10 người trúng tuyển ở một cục của một bộ, vì sao Phó Thủ tướng phải chỉ đạo Bộ Công an làm rõ? Chắc ngày ấy, trên cương vị là cục trưởng, hẳn hơn ai hết, ông Trương Quang Hoài Nam hiểu rõ sự nghiêm trọng này.
Cũng may mà tiêu cực thi tuyển công chức ở Cục QLTT đã sớm phát hiện. Bộ Công Thương phải hủy kết quả, không thì Cục QLTT sẽ để lại hậu quả thế nào khi mà quan hệ "cháu, chú" đan xen.
Theo Zing đưa tin ngày 17/2/2017, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng cho biết: Sau khi Thủ tướng giao Bộ Nội vụ kiểm tra việc báo chí phản ánh, lãnh đạo một số địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào các đơn vị do mình quản lý.
Kết quả kiểm tra tại 9 địa phương theo phản ánh của báo chí là 60 người, thực tế là 58 người có quan hệ họ hàng:" Trong đó, số người nhà có quan hệ ruột thịt là 18 ( có chức vụ là 15), số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 người ( có chức vụ là 22 người). Số người làm việc trong cơ quan hành chính Nhà nước là 24 người, cơ quan Đảng là 6 người, cơ quan đoàn thể là 10 người; đơn vị sự nghiệp là 14 người", ông Nguyễn Tiến Thành nói.
Viện dẫn thông tin này để cho thấy dư luận rất bức xúc, thậm chí phẫn nộ với vấn nạn tuyển dụng "con công cháu cha", trong đó đã xảy ra tình trạng này ở Cục QLTT. Thưa ông Trương Quang Hoài Nam, sai phạm này báo chí thời điểm đó gọi thẳng là nghiêm trọng cũng không quá lời.
Bộ Công Thương có hình thức kỷ luật ông là phê bình.
Dư luận, báo chí bày tỏ không đồng tình với hình thức kỷ luật ấy.
Cho dù ông Trương Quang Hoài Nam không có con cháu trong đợt trúng tuyển này, nhưng là Cục trưởng Cục QLTT, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng, với tư cách là người đứng đầu thì ông Nam phải ý thức được mức độ phải nghiêm trọng nên dư luận mới bức xúc.
Tất nhiên trong cuộc đời không ai "nắm tay từ sáng đến tối", không ai làm mà không có sai.
Quan trọng là dũng cảm nhìn thấy cái sai để mà sửa.
Uy tín của cán bộ lãnh đạo không "nằm" trong quá khứ mà là hiện tại. Nhưng quá khứ thì vẫn là quá khứ.
Chuyện "ngày xưa" vẫn còn lưu dấu ấn là vậy. Nói cách khác là chuyện cũ nên khép lại để cùng suy nghĩ đến cách làm mới, hành động mới tốt đẹp hơn. Hay như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhắc nhở "sửa để cho dân nhờ".
End of content
Không có tin nào tiếp theo