95% sinh viên tư duy không tốt?
Giáo viên tuyệt đối không được trực tiếp thu, chi tiền / Đề xuất mới về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức
Một giảng viên đại học đã nêu ra thực trạng này trong hội thảo Toán học và đổi mới phương pháp dạy học diễn ra tại trường ĐH Sư phạm TPHCM vào ngày 22/8 với sự tham dự của nhiều chuyên gia, giảng viên Toán đến từ các trường ĐH trên địa bàn.
Tại hội thảo này, vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập là cách thức ra đề thi hiện nay đang tác động mạnh mẽ đến việc dạy học môn Toán tại các trường phổ thông và cả bậc ĐH.
TS Lê Anh Vũ, trường ĐH Kinh tế Luật băn khoăn liệu cách dạy như hiện nay như đối phó với các kỳ thi, cách thi trắc nghiệm thì việc ứng dụng tri thức toán phổ thông phải làm như thế nào để phù hợp với thực tiễn. Cách thi như hiện nay rõ ràng là “khử” gần như tất cả, thậm chí hiện tại học sinh giờ không phải suy nghĩ nhiều về lim, giới hạn vì trên máy tính có hết cả. Liệu phải đáp ứng như thế nào nếu như kiểu thi (trắc nghiệm) vẫn kéo dài trong thời gian tới.
TS Nguyễn Hà Thanh, Trưởng bộ môn Hình học khoa Toán Tin, trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng chỉ ra rằng: “Thực tế dạy học của chúng ta hiện nay là dạy giải toán chứ không phải dạy toán. Chính vì thế có những học sinh làm bài rất tốt nhưng không hiểu gì cả. Tôi nghĩ về phương pháp giảng dạy thì phải định hướng như thế nào để dạy toán”.
“Đề thi của mình hướng theo hướng giải toán nên có những em học xong lớp 12 là đi giải toán thôi, còn các thầy cô ở ĐH sư phạm còn bấm máy tính thua học sinh lớp 12. Tôi nghĩ nếu kỳ thi trắc nghiệm kéo dài thì sẽ trị được máy tính nhưng hai hướng sẽ hoàn toàn khác. Một bên là giải toán và một bên dạy toán.
Với cách học để giải toán thì đề thi gì sẽ giải kiểu đó, đặc biệt với cấu trúc chương trình thi của ta từ lâu đề thi không cho ra lý thuyết, nên thầy cô dạy theo kiểu “mì ăn liền” đưa công thức để giải thôi chứ không hiểu biết gì. Chẳng hạn như đề thi lớp 9 lên lớp 10 vừa rồi của Sở GD-ĐT TPHCM chỉ thay đổi một chút xíu thôi, không phải là khó thì học sinh la làng. Vì sao? Vì để thiết lập các hệ thống trên bài toán thực tế thì phải hiểu, còn thầy cô cứ dạy công thức nên ra đề thi vận dụng thì học sinh bị hẫng, trong khi đề thi phù hợp và ý nghĩa đối với dạy toán”, ông Thanh chia sẻ thêm.
Còn thầy Đinh Công Chủ (giảng viên dạy Toán trường ĐH Sư phạm TPHCM, đang dạy thỉnh giảng toán ở nhiều trường ĐH) thì nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là dạy học trò tư duy, đó là cái ông nhận thấy sinh viên đang thiếu khi tham gia giảng dạy tại nhiều trường ĐH.
Nhiều chuyên gia giảng dạy ĐH cho rằng cách học ở phổ thông khiến sinh viên quá phụ thuộc vào máy tính, cũng như học để đối phó với các kỳ thi (ảnh minh họa).
“Thực tế tôi dạy ở một trường ĐH trên địa bàn TPHCM, khi tôi dạy toán đến phần đạo hàm liên tục và đưa ra một bài toán thì một lớp 110 sinh viên nhưng không em nào trả lời được, nghĩa là các em không biết mệnh đề đảm bảo là gì. Tại sao lại dạy học trò thiếu tư duy như thế?”, ông Chủ kể.
Ông Chủ cho rằng lâu nay giáo dục phổ thông bỏ qua việc dạy để học trò tư duy, hệ quả dẫn đến chính là 95% sinh viên ĐH tư duy không tốt, thậm chí những ngành không liên quan đến môn Toán thì 100% sinh viên không có tư duy, tính logic.
“Hậu quả ấy là do đề thi không nêu gì đến lý thuyết cả, thiếu cái để học sinh thể hiện tư duy, logic”, ông Chủ khẳng định.
Nói thêm quan điểm của mình, ông Chủ cho rằng: “Hiện tại đề thi trắc nghiệm của chúng ta hoàn toàn không tốt, lí do là đề không kiểm tra được các năng lực khác. Nếu đề thi trắc nghiệm tốt hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy, năng lực của học trò. Theo tôi, đề thi có thể có phần một nửa trắc nghiệm và một nửa tự luận”.
TS Nguyễn Thị Nga, giảng viên khoa Toán - Tin, trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng cho rằng hiện nay chương trình sách giáo khoa số bài toán vận dụng thực tế rất ít. Bên cạnh đó, khi điều tra đối với giáo viên thì thấy rằng họ chưa quan tâm đến ứng dụng kiến thức toán trong thực tiễn và các môn học khác; chưa có sự hợp tác làm việc giữa giáo viên các bộ môn để thiết kế …
Cũng theo bà Nga, kể từ khi thay đổi hình thức thi sang trắc nghiệm thì giáo viên đã tự điều chỉnh cách dạy, chú trọng dạy học sinh sử dụng máy tính cầm tay hơn. Ngoài ra, chính giáo viên cũng gặp khó khăn do thiếu tài liệu và phương pháp giảng dạy, còn học sinh học tập thiếu tích cực do ỷ lại vào máy tính….
TS Nguyễn Thị Nga cho biết trong chương trình phổ thông mới vấn đề “học được và được học” được nhấn mạnh, theo hướng giáo dục phải theo tình hình của mỗi địa phương, tức là có tính mềm dẻo, tùy theo đặc thù địa phương mà có thay đổi cho phù hợp. Do đó, từ khi đưa vào chương trình mới sẽ đưa vào nội dung phát triển chương trình môn học ở trường phổ thông. Theo đó, phần nào bắt buộc thì giáo viên dạy, còn lại thì tùy trường, địa phương mà giáo viên có thể phát triển thêm theo khung chung của Bộ quy định để xây dựng nội dung tương ứng miễn sao có thể đạt mục tiêu chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024