An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
Kiên Giang: Đình chỉ hoạt động bãi tập kết “chui” ngay dưới cầu cửa khẩu Giang Thành / Có phương án phù hợp để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhanh vốn vay ưu đãi phục hồi kinh tế
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, an ninh - quốc phòng... ở các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan trung ương và nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh.
Hội thảo với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, an ninh - quốc phòng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, theo sử liệu triều Nguyễn, vào thời điểm này 200 năm trước, vua Gia Long có chiếu dụ về việc hoàn thành kênh đào Vĩnh Tế. Đây là công trình quy mô nhất thời bấy giờ với chiều dài 91km, rộng 30m, sâu 2,55m, được thi công bằng sức người, trong thời gian 5 năm. Công trình kênh đào Vĩnh Tế là minh chứng cho sự sáng suốt, tài tình của các bậc tiền nhân trong chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng.
Theo Bí thư Lê Hồng Quang, kênh Vĩnh Tế còn khẳng định thành tích lớn lao trong sự nghiệp của Danh thần Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Tế. Trải qua 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện: là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, giao thương hàng hóa; là nơi cung cấp nước ngọt vun đắp phù sa cho ruộng đồng cả vùng tứ giác Long Xuyên; trên hết, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc để bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
“Với ý nghĩa, tầm quan trọng đó, hội thảo khoa học quốc gia chủ đề “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai” nhằm làm rõ luận cứ khoa học và ý nghĩa lịch sử, qua đó đề xuất giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế trong thời kỳ phát triển và hội nhập”, Bí thư Lê Hồng Quang mong muốn.
Trải qua 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đến nay sông Vĩnh Tế tồn tại đã được 200 năm. Trong thời gian ấy, con sông nhân tạo được đào theo chủ trương và sự chỉ đạo trực tiếp của hai vị hoàng đế đầu triều Nguyễn là Gia Long và Minh Mệnh đã đem lại nhiều lợi ích.
"Trước hết là mang lại thuận lợi cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long ở những vùng con sông đi qua, giúp họ làm công tác thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tạo con đường thủy quan trọng ở các vùng và là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ an ninh cho Tổ quốc vì cuộc sống an lành cho người dân. Chính vì vậy, có thể nói sông Vĩnh Tế thể hiện tầm nhìn chiến lược của các vị vua đầu triều Nguyễn và có giá trị kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và lịch sử đến tận ngày nay", PGS.TS Cường nhận định.
Trong khi đó, TS Ngô Quang Láng - Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Hội Khoa học lịch sử An Giang cho rằng, suốt 200 năm qua (1824 - 2024), kênh Vĩnh Tế luôn là một biểu tượng hào hùng ở về một thời mở đất, lập làng gắn liền với công lao, xương máu của tiền nhân trong sự nghiệp giữ đất, bảo vệ chủ quyền miền biên viễn Tây Nam Tổ quốc.
Theo TS Láng, trong dòng chảy 200 năm đó, kênh Vĩnh Tế như là một chứng nhân của thời đại, chứng kiến, ghi nhận biết bao sự kiện lịch sử đã diễn ra, từ việc đưa dòng nước ngọt Hậu Giang chảy ra biển Tây để tạo nên những cánh đồng phì nhiêu với các làng mạc, đô thị trù phú, cho đến những chiến công hiển hách, những hy sinh mất mát, đau thương... qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vinh quang của dân tộc.
"Có thể nói kênh Vĩnh Tế đã chất chứa trong lòng mình một không gian - thời gian lịch sử thống nhất, là một di sản văn hóa lớn của dân tộc qua việc góp phần khai thác tự nhiên, xây dựng cộng đồng dân cư, phát triển đời sống xã hội, bảo vệ chủ quyền... biến vùng đất bán sơn địa hoang vu từng bước trở thành một góc phát triển quan trọng của Tứ giác Long Xuyên, một trong những vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của cả nước", TS Ngô Quang Láng cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo