Bác bỏ đề xuất của Cảng Đà Nẵng mở tuyến vận tải hàng hóa trên sông Hàn
Đà Nẵng: DN Nhật Bản đầu tư dự án 35 triệu USD sản xuất robot, máy bay không người lái / Đà Nẵng cử đoàn y tế hỗ trợ tỉnh Gia Lai truy vết phòng, chống dịch Covid-19
Sông Hàn chỉ quy hoạch cảnh quan, phát triển du lịch
Chiều 24/2, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT đã làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam và các cơ quan, đơn vị hữu quan của TP về công tác bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải và quy hoạch phát triển cảng biển, đường thủy khu vực TP Đà Nẵng.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đoàn công tác làm việc với UBND TP Đà Nẵng chiều 24/2.
Trước đó, tại buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Nhật và đoàn công tác của Bộ GTVT vào buổi sáng cùng ngày, ông Trần Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đà Nẵng, cũng cho biết đã khảo sát tuyến đường thủy từ cảng Tiên Sa đi Quảng Nam để thoát hàng trên sông Hàn và mong muốn Bộ GTVT, UBND TP Đà Nẵng cho phép thoát hàng từ cảng Tiên Sa bằng tuyến đường thủy này.
Tại buổi làm việc, được sự ủy quyền của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam, ông Lê Thành Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng khẳng định quan điểm xuyên suốt của TP Đà Nẵng là không khuyến khích phát triển vận tải hàng hóa trên hệ thống đường thủy nội địa mà chỉ quy hoạch cảnh quan, phát triển du lịch ven sông.
Đề nghị không quy hoạch tuyến Cửa sông Hàn - Cảng Kỳ Hà là tuyến vận tải hàng hóa
Theo thông tin từ Sở GTVT Đà Nẵng, Bộ GTVT có Công văn số 646/BGTVT-KHĐT ngày 22/01/2021 đề nghị TP Đà Nẵng tham gia ý kiến đối với Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở GTVT chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất.
Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng cơ bản thống nhất với dự thảo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT tổ chức lập. Tuy nhiên theo UBND TP Đà Nẵng, phương án quy hoạch sông Hàn và sông Vĩnh Điện qua địa phận TP Đà Nẵng là tuyến đường thuỷ nội địa quốc gia là không phù hợp.
Được ủy quyền của lãnh đạo UBND TP, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Thành Hưng khẳng định quan điểm xuyên suốt của TP Đà Nẵng là chỉ quy hoạch cảnh quan, phát triển du lịch trên sông Hàn.
Đặc biệt đoạn sông Vĩnh Điện thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam có xây dựng đập ngăn mặn (tại thượng lưu cầu Tứ Câu) nên giao thông không được kết nối thông suốt. Do vậy, phương án đề xuất quy hoạch sông Hàn và sông Vĩnh Điện qua địa phận TP Đà Nẵng thuộc hệ thống đường thuỷ nội địa quốc gia là không hợp lý, không có tính khả thi.
Do vậy, UBND TP Đà Nẵng đề nghị điều chỉnh chuyển sông Hàn và sông Vĩnh Điện đoạn qua địa phận TP Đà Nẵng thành đường thuỷ nội địa địa phương để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, thuận lợi giữa công tác quản lý nhà nước về đường thuỷ nội địa và công tác quy hoạch, quản lý, phát triển hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa và kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn TP.
Đồng thời đảm bảo công tác quản lý bảo trì các tuyến đường thuỷ nội địa được thực hiện thường xuyên liên tục, đảm bảo công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng, địa phương liên quan, chủ động kịp thời xử lý các phát sinh nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn TP.
UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ GTVT không quy hoạch tuyến Cửa sông Hàn - Cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) qua sông Vĩnh Điện là tuyến vận tải kết nối phục vụ vận tải hàng hóa do một số đoạn tuyến sông này có cấp kỹ thuật thấp (cấp IV, cấp V), chiều sâu mực nước nông, các công trình vượt sông trên tuyến có tĩnh không thông thuyền nhỏ.
Đặc biệt đoạn sông Vĩnh Điện thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam có xây dựng đập ngăn mặn (tại thượng lưu cầu Tứ Câu) nên giao thông không được kết nối thông suốt từ Đà Nẵng đến Quảng Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: "Sông Hàn đẹp thế này, để phát triển du lịch chứ vận tải hàng hóa cái gì".
Đây không phải lần đầu tiên Đà Nẵng không đồng tình việc biến sông Hàn thành tuyến vận tải hàng hóa đường thủy nội địa. Trước đó, tại buổi làm việc của lãnh đạo Bộ GTVT với lãnh đạo TP Đà Nẵng ngày 9/6/2016, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) từng đưa ra đề nghị “biến” tuyến sông Hàn dài khoảng 28km thành tuyến vận tải hàng hóa, dùng sà lan trung chuyển container từ cảng Tiên Sa lên KCN Hòa Cầm.
Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Trương Quang Nghĩa đã bác bỏ ngay đề xuất này. Ông nhấn mạnh, trong quy hoạch phát triển KT-XH TP Đà Nẵng thì sông Hàn không phải tuyến vận tải hàng hóa mà chỉ phục vụ khai thác du lịch. Vì vậy, khi còn cảng Sông Thu thì Đà Nẵng xây cầu quay Sông Hàn, nhưng đến khi xây dựng cầu Rồng thì cảng Sông Thu phải di dời đi nơi khác. Chưa kể trên dọc tuyến sông Hàn lên đến Cẩm Lệ còn nhiều cây cầu khác.
Lần này, trong khuôn khổ chuyến làm việc của Thứ trưởng Bộ GTVT với TP Đà Nẵng thì đề xuất của đơn vị tư vấn và của ông Trần Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đà Nẵng, về việc “biến” sông Hàn thành tuyến vận tải hàng hóa đường thủy nội địa cũng tiếp tục bị UBND TP và các cơ quan hữu quan TP Đà Nẵng không đồng tình.
Riêng Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật trong suốt buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam chiều 24/2, mặc dù nhiều lần phát biểu nhưng không lần nào ông đả động đến việc “biến” sông Hàn thành tuyến vận tải hàng hóa đường thủy nội địa.
Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Thành Hưng cho biết, sau khi lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng có ý kiến đề xuất như nêu trên tại buổi làm việc sáng 24/2, ông đã đưa Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đi khảo sát thực tế vào buổi trưa cùng ngày. “Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói với tôi rằng, sông Hàn đẹp thế này, để quy hoạch cảnh quan, làm du lịch đường sông chớ vận tải hàng hóa cái gì!”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam