Bác sĩ làm việc từ 3h sáng, bệnh nhân 10h vẫn ngồi đợi khám
Dễ dàng ngừa tránh "liệt tối thứ Bảy"! / Dự án bệnh viện nghìn tỷ ở Nghệ An bị xử phạt 40 triệu đồng
Ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thị sát về công tác khám chữa bệnh tại 2 bệnh viện đầu ngành trên địa bàn TPHCM là Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Dược.
Bệnh viện Chợ Rẫy - Quá tải khu vực khám ngoại trú
Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt tại khu vực phía Nam, lâu nay bệnh viện trong tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân tại thành phố và từ các tỉnh thành dồn về khám và điều trị.
Tại khu tiếp nhận, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã tiếp xúc với nhiều người bệnh đang ngồi chờ. Anh Nguyễn Hoàng Sơn (ngụ tại Kiên Giang) cho biết: Mẹ tôi đã lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính. Do không an tâm với chất lượng chuyên môn của bệnh viện địa phương nên tôi đưa bà lên đây thăm khám. Hai mẹ con đến bệnh viện từ lúc 6h, sau khi bốc số thứ tự chúng tôi đang chờ đến lượt gặp bác sĩ (lúc 8h 45 phút - PV).
Những nỗ lực phát triển bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh, phân luồng người bệnh đến khám mới và tái khám, đăng ký khám bệnh qua tổng đài… tại bệnh viện đang từng bước giúp bệnh viện giảm tải người bệnh. Tuy nhiên, phía bệnh viện cho biết tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở khu vực khám bệnh ngoại trú vào những giờ cao điểm ngày đầu tuần và buổi sáng mỗi ngày.
Bệnh viện Đại học Y Dược quá tải trầm trọng
Hiện trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy có khoảng 5.000 - 5.500 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Số người bệnh đến Bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM lớn hơn nhiều so với Chợ Rẫy.
Báo cáo của TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược cho thấy: “Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 8.000 - 8.500 lượt bệnh đến khám ngoại trú. Số lượng bệnh nhân trên đang tạo ra sự quá tải rất lớn đối với bệnh viện”.
Lúc 10h, Bộ trưởng Bộ Y tế có mặt tại khu vực khám bệnh của bệnh viện ĐH Y Dược. Sự quá tải khiến người bệnh phải mòn mỏi chờ đợi diễn ra căng thẳng hơn.
Tiếp xúc với Bộ trưởng, bệnh nhân Nguyễn Thị Phượng (41 tuổi, ngụ tại Khánh Hòa) cho hay: “Hơn 1 tháng trước tôi đến bệnh viện thăm khám. Sau gần 1 ngày chờ đợi tôi được bác sĩ nội soi, chẩn đoán bị viêm dạ dày, cho toa thuốc về uống và hẹn hôm nay tái khám. Hôm qua, tôi đã bắt xe đò vào Sài Gòn, ở nhờ nhà người thân. Mờ sáng, tôi có mặt ở bệnh viện bốc số nhưng đến giờ chưa tới lượt khám”.
Bệnh viện Đại học Y Dược có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú. Lưu lượng bệnh quá lớn, tại khoa Cấp cứu luôn xảy ra tình trạng ùn ứ bệnh nhân. Bệnh viện thực hiện phương châm không để bệnh nhân nằm ghép nên những trường hợp cần nhập viện phải chờ trên khoa điều trị có người xuất viện.
TS.BS Trương Quang Bình thẳng thắn: “Ngay cả khu vực phòng mổ, người bệnh sau khi mổ xong ra khu hồi tỉnh cũng phải chờ có người xuất viện mới được nhập. Công suất sử dụng giường bệnh là 104%, tức là người bệnh này chuẩn bị xuất viện thì đã có tên bệnh nhân khác thế vào. Mỗi ngày, khoa cấp cứu của phải chuyển viện từ 15 đến 20 trường hợp với lý do Bệnh viện Đại học Y Dược… hết giường”.
Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, bệnh viện Đại học Y Dược đang phải cử nhân sự đến bệnh viện từ 3h sáng để tư vấn, tiếp nhận đăng ký khám bệnh, lấy máu xét nghiệm; bác sĩ phải khám thông tầm từ sáng đến chiều (không nghỉ trưa), tổ chức khám bệnh online; thanh toán chi phí khám bệnh qua thẻ… Tuy nhiên, thực tế người bệnh vẫn phải chờ nhiều giờ mới đến lượt khám, tình trạng quá tải ngày càng căng thẳng.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo 2 bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không bằng lòng với tình trạng người bệnh phải chờ đợi khám quá lâu. Bà yêu cầu các bệnh viện phải có giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng khám và điều trị cho người bệnh. Để rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh, các bệnh viện phải tập trung phát triển bệnh án điện tử, đẩy mạnh công nghệ thông tin phục vụ chuyên môn; phát triển nhân lực, đào tạo cán bộ chuyên môn sâu, phát triển cơ sở hạ tầng… tăng khả năng tiếp nhận, điều trị đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo