Băn khoăn về quyền quyết định chọn lựa sách giáo khoa mới
Tây Ninh tạm giữ gần 13 tấn đường cát nghi nhập lậu / Gia tăng buôn lậu lợn từ Campuchia vào Việt Nam
Với nhiều bộ sách giáo khoa như vậy, một trong những vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là ai có quyền quyết định chọn lựa sách giáo khoa mới để dạy học, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường hay giáo viên?
Hiện nay, có 5 bộ sách giáo khoa vượt qua vòng 2 của Hội đồng Thẩm định Quốc gia, đang chờ được Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lần cuối để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chính thức ký phê duyệt và ban hành. Trong đó, các đơn vị thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn 4 bộ sách giáo khoa gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Chân trời sáng tạo, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Bộ sách còn lại có tên là Cánh diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội cùng biên soạn.
Sau khi ký phê duyệt các bản mẫu sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành danh mục những cuốn sách giáo khoa được phép lưu hành chính thức. Năm bộ sách sẽ có cơ hội cạnh tranh bình đẳng với nhau trên thị trường, quyền quyết định cuốn sách nào sẽ đến với giáo viên và học sinh nằm trong tay cơ quan, tổ chức, cá nhân được chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Câu hỏi được đặt ra là việc lựa chọn sách giáo khoa được quy định như thế nào trong các nghị quyết và văn bản quy phạm pháp luật? Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nêu rõ: Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực vào 1/7/2020 lại quy định: UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang xây dựng hướng dẫn chi tiết về quy trình và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa theo hướng phân cấp xuống cho các địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đang băn khoăn, liệu việc giao quyền chọn sách cho các địa phương liệu có đảm bảo sát với nhu cầu thực tế và có giúp hạn chế được tiêu cực trong quá trình cạnh tranh về thị phần sách giáo khoa hay không?
End of content
Không có tin nào tiếp theo