Tin tức - Sự kiện

Báo chí thích ứng với chuyển đổi số

Trong dòng chảy chuyển đổi số, báo chí chắc chắn không thể nằm ngoài cuộc. Khi người đọc đã có sự thay đổi nhu cầu và thói quen, thì chuyển đổi số là điều bắt buộc, để giúp báo chí gần gũi và phục vụ công chúng tốt hơn.

Bổ nhiệm Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý / Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc CDC Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh

Bắt nhịp để thay đổi

Hà Quyên, sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học xã hội Nhân văn Hà Nội chia sẻ, em thường xem tin tức qua mạng xã hội, thậm chí cả những bộ phim hay trên truyền hình, qua ứng dụng app đều khá nét. Không chỉ Hà Quyên, mà rất nhiều bạn trẻ đang có sự thay đổi về thói quen tiếp cận thông tin từ các nền tảng xã hội.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (giữa) thăm gian trưng bày các ấn phẩm báo chí của Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thuý Hằng, giảng viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: Theo khảo sát mới đây của Viện, hơn 75% các bạn trẻ tham gia khảo sát dùng mạng xã hội trên 6 tiếng mỗi ngày. Đáng chú ý, mạng xã hội, báo điện tử được giới trẻ yêu thích, vượt lên các phương tiện truyền thông khác bởi cập nhật nhanh, tính tương tác cao...

Sự thay đổi này cũng đã được các cơ quan báo chí nhận diện và có sự thay đổi ở các mức độ khác nhau. Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết: Xu hướng thay đổi thói quen này rất hiện hữu. Dù chưa có khảo sát cụ thể nhưng quan sát giới trẻ ngày nay có thể thấy cách tiếp cận thông tin không từ kênh báo chí, truyền hình rất nhiều. Nhìn lại thời gian qua có những xu hướng tất yếu xảy ra. Năm 2015, nói đến platform đa nền tảng, nhiều người lúc đó coi là điều gì đó xa lạ. Nói đến AI trong báo chí năm 2018, nghĩ đó là xa vời nhưng nay đã gắn liền với cuộc sống và báo chí. Do đó, chuyển đổi số trong báo chí thời đại công nghệ 4.0 đang là xu hướng đưa thông tin đến gần bạn đọc hơn, nhất là thế hệ trẻ.

Lấy dẫn chứng từ chính báo Nhân Dân, ông Lê Quốc Minh cho biết: Nhiều người khi nhắc đến báo Nhân Dân nghĩ ngay là tờ báo rất chính thống, truyền thống. Báo điện tử Nhân Dân ra đời sớm, thậm chí là sớm nhất Việt Nam nhưng trong quá trình báo chí Việt Nam và thế giới đang nhộn nhịp số hoá thì hoạt động của toà soạn nói chung khá truyền thống. Hoạt động thu thập, phát hành thông tin, quản lý toà soạn, quản lý kinh doanh khá kinh điển.

Tuy nhiên, trong 1 năm qua, báo Nhân Dân bắt nhịp nhanh để thay đổi. “Chúng tôi chuyển sang quan điểm ưu tiên đưa thông tin lên nền tảng digital (nền tảng số) trước. Thậm chí, một số nội dung chưa thành tin đẩy lên mạng xã hội để tiếp cận độc giả, báo Nhân Dân cũng xuất hiện trên ứng dụng Tik Tok. Do đó, dùng bất kỳ biện pháp nào để tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước mà nhắm trúng đối tượng và sử dụng đa nền tảng, đạt hiệu quả thì nên triển khai. Từ xác định đó, hệ thống được xây dựng lại quản trị nội dung không chỉ dành cho điện tử mà cả của báo Nhân Dân. Báo sử dụng trí tuệ nhân tạo để nắm bắt hành vi của người dùng, cung cấp nội dung phù hợp hơn và cá nhân hoá nội dung đó.

“Chúng tôi cũng đang thử nghiệm nội dung về quản lý tài sản và quy trình kinh doanh, phát hành… Thời điểm này, chúng tôi chưa nói được thành quả chuyển đổi số nhưng sẽ không bỏ lỡ thời cơ và dịch COVID-19 vừa qua là thời cơ để bắt tay chuyển đổi số, thay đổi quy trình sản xuất và thay đổi văn hoá toà soạn”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

 

Tổng giám đốc Vũ Việt Trang (phải) giới thiệu với đại biểu về gian trưng bày của TTXVN tại Hội báo. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Trong khi đó, ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (VTV) cho biết: “Đài truyền hình Việt Nam nói về chuyển đổi số và sự lấn át của mạng xã hội từ năm 2014 khi tham gia các hội thảo của các đài truyền hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cảm thấy lo về điều này. Thời điểm đó, truyền hình đang ở đỉnh cao, nếu không thay đổi thì đến ngày nào đó truyền hình sẽ biến mất vì sự cạnh tranh của nền tảng mạng xã hội. Từ nhận thức đó, VTV thay đổi với thử nghiệm nhiều mô hình và thấy rằng sản xuất, phân phối nội dung và hạ tầng kỹ thuật công nghệ phải tạo ra sức mạnh của hệ thống mới phát triển giai đoạn tới”.

“Chuyển đổi số của VTV từ quan điểm chỉ đạo đến phương thức và cách thức sản xuất. Hiện mỗi phóng viên VTV không chỉ sản xuất cho truyền hình mà còn sản xuất đa phương tiện. Phóng viên quan tâm nhiều đến sự tương tác trên các nền tảng để biết khán giả cần gì. Tăng trưởng sản xuất đa phương tiện của VTV hiện nay là rất rõ ràng”, ông Phạm Anh Chiến chia sẻ.

Còn nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) chia sẻ: “Chuyển đổi số trong báo chí là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình toà soạn từ quản trị nhân lực, sản xuất, tối ưu hoá dữ liệu đến quy trình xuất bản, phân phối nội dung nhằm tạo một toà soạn/tổ hợp báo chí hội tụ đa phương tiện, kết nối thuận tiện tới độc giả. Ngay từ khi thành lập, Vietnamplus xác định lấy đa dạng hình thức chuyển tải thông tin trên nền tảng số với đủ text, video, ảnh, infographic, báo chí dữ liệu tạo tin tức sống động. Các clip, bộ ảnh - video 360, bài Mega story, Timeline, Podcast được thực hiện nhanh và thiết kế mang tính nghệ thuật đã nhận được sự phản hồi tích cực.

Trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay, Vietnamplus tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm báo chí của toà soạn, nhất là trên nền tảng số, tiến tới tăng doanh thu từ video, audio content, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và sản phẩm báo chí MC ảo, text to voice, video gắn phụ đề tự động hướng tới tăng trải nghiệm cho độc giả.

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ thì cho biết, trong thời đại số hiện nay, điều quan trọng nhất cần xác định bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó. Bạn đọc lên mạng, báo chí lên mạng và báo chí muốn lên mạng nên báo chí phải chuyển đổi số. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cần vượt qua 3 thách thức lớn là chọn lựa công nghệ phù hợp, chi phí đầu tư hợp lý, đội ngũ nhân lực có kỹ năng số.

 

Trong đó, thách thức về công nghệ là vấn đề quan trọng. Muốn chuyển đổi số, các cơ quan báo chí đứng trước nhiều phương án khác nhau: Tuyển chuyên gia, kỹ sư công nghệ (phần cứng và phần mềm) để hình thành lực lượng công nghệ tại chỗ phục vụ chuyển đổi số. Hoặc thuê công ty công nghệ thực hiện việc chuyển đổi số trọn gói, cơ quan báo chí chỉ vận hành. Khi điều chỉnh, bổ sung hay thay đổi thì đặt hàng công ty công nghệ giải quyết. Bên cạnh đó, còn một phương án nữa là tự chủ một phần công nghệ bằng lực lượng tại chỗ, thuê ngoài những việc cần thiết để bảo đảm hiệu quả quản lý lẫn vốn đầu tư. Lực lượng tại chỗ chịu trách nhiệm vận hành chuyển đổi số và nghiên cứu, đề xuất những ứng dụng mới, giải pháp mới, sản phẩm mới.

Từ góc độ đơn vị công nghệ thông tin, ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó Tổng giám đốc VCCorp cho rằng, công nghệ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Sau khi đã có nội dung, vấn đề lớn đặt ra là phân phối tác phẩm báo chí đến độc giả một cách nhanh, đa dạng, toàn diện nhất.

Việc phân phối được tiến hành qua đa nền tảng, VCCorp có công nghệ về phân phối nội dung tự động, đặc biệt là công nghệ AI. Công nghệ này giúp cá nhân hoá nội dung, đáp ứng nhu cầu đọc của mỗi người.

“Nhờ công nghệ, chúng tôi có thể truyền tải thông tin đến các nền tảng mạng xã hội, phân tích được nội dung bài viết, tác phẩm báo chí đó xem có phù hợp với các ứng dụng mạng xã hội hay không, việc này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người làm biên tập xuất bản”, ông Nguyễn Đăng Ngọc cho biết.

Không chỉ là số hoá nội dung

 

Ông Lê Quốc Minh cho rằng, chuyển đổi số là con đường đi của cả nước và báo chí không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, có rất nhiều sự thay đổi. Đó là thay đổi về công nghệ nói chung, công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả nên không còn con đường nào khác là số hoá, chuyển đổi số. Trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số và cho rằng đầu tư thiết bị công nghệ và một số chương trình phần mềm có nghĩa là trên con đường chuyển đổi số.

“Thực ra chuyển đổi số không phải là vấn đề công nghệ mà là vấn đề con người, tư duy. Chuyển đổi số không chỉ đơn giản số hoá nội dung đưa lên nền tảng số, mà tạo ra quy trình sản xuất mới mẻ và tạo ra sản phẩm thông tin mới mẻ, tạo ra văn hoá trong toà soạn phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, trong đó lãnh đạo am hiểu chuyển đổi số sẽ giúp chuyển đổi số thành công hơn; đồng thời phải đào tạo lực lượng cán bộ nhân viên am hiểu sử dụng thành thạo công nghệ digtal vì nếu mua về không sử dụng thì không giá trị. Chuyện đổi số tạo môi trường cán bộ nhân viên phát triển, sáng tạo thực hiện chiến lược mà toà soạn mong muốn”, ông Lê Quốc Minh nhận định.

Người đọc tiếp cận thông qua di động ngày càng nhiều.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm