Bỏ hình thức kỷ luật “buộc thôi học”, thay bằng “tạm dừng học tập trên lớp”
Hình ảnh cán bộ, lãnh đạo Huế mặc Áo dài truyền thống / Chủ tịch Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng mới nhất: Dịch Covid-19 giảm rõ rệt, số bệnh nhân mắc mới giảm đáng kể
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 08, được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 1988.
Điểm mới của dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh là có bổ sung thêm các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỉ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh như khuyên bảo động viên; phê bình riêng; phối hợp với cha mẹ để cùng thực hiện các kế hoạch giáo dục; tư vấn tâm lý cho học sinh.
Ảnh minh họa.
Trong dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT, các hình thức kỷ luật đối với học sinh không còn "buộc thôi học". Các hình thức kỷ luật với học sinh gồm khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng.
Cụ thể, học sinh bị khiển trách nếu tái phạm nội quy, quy định của trường, đã thực hiện biện pháp giáo dục kỷ luật nhưng chậm khắc phục. Hình thức này cũng được áp dụng cho những em vi phạm lần đầu nhưng mức độ nghiêm trọng như vô lễ với giáo viên, nhân viên trường, gây gổ, đánh nhau, lôi kéo người khác cùng vi phạm nội quy...
Hình thức cảnh cáo áp dụng cho học sinh đã nhận hình thức khiển trách nhưng không khắc phục, mắc thêm khuyết điểm có tính chất tăng nặng, tái phạm trong thời gian một học kỳ. Ngoài ra, người học bị cảnh cáo nếu vi phạm lần đầu nhưng mức độ nghiêm trọng như đánh nhau có tổ chức, vũ khí, gian lận trong học tập, thi cử, trộm cướp, cố ý phá hoại tài sản...
Hình thức kỷ luật nặng nhất là tạm dừng học tập trên lớp được đưa ra với học sinh đã nhận hình thức cảnh cáo nhưng tái phạm hoặc vi phạm thêm khuyết điểm khác trong thời gian một học kỳ.
Việc tạm dừng học tập trên lớp còn được áp dụng với những trường hợp vi phạm lần đầu nhưng đặc biệt nghiêm trọng như đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, gây thương tích nặng, xâm phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên, học sinh khác...
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa hai tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.
Trong thời gian nhận hình thức kỷ luật này, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh.
Hết thời hạn tạm dừng học tập trên lớp, học sinh phải giải trình về kết quả rèn luyện của bản thân trong thời gian bị kỷ luật và đề xuất kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thời gian tới.
Hiệu trưởng xem xét và quyết định cho học sinh tiếp tục học tập trên lớp. Nếu học sinh chưa tiến bộ, không thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình, hiệu trưởng họp hội đồng kỷ luật để xem xét, tiếp tục áp dụng hình thức tạm dừng học tập trên lớp lần tiếp theo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo