Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đất đai phải có quy định thống nhất trong một bộ luật

DNVN - Trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng đất đai là tài nguyên đặc biệt, nhưng lại được quy định bởi 4-5 luật. Bởi vậy, vấn đề quan trọng như đất đai phải có quy định đồng bộ trong một bộ luật.

Quảng Ninh yêu cầu dừng đấu giá đất nền vì “sốt ảo” / Lào Cai: Đấu giá "đất vàng" tại phố cổ Sa Pa

Đấu giá vừa thổi vừa dìm giá, phải có chế tài mạnh mẽ với doanh nghiệp

Tại phiên chất vấn, các Đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi của cử tri về các vấn đề liên quan đến việc đấu giá đất ở nhiều nơi, nhà đầu tư đấu giá trên trời rồi bỏ cọc, như tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh; tình trạng sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới; phát triển đô thị không theo quy hoạch….

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc đấu giá đất thời gian vừa qua không chỉ là thổi giá mà còn có dìm giá; quân xanh quân đỏ khiến dư luận rất bức xúc.

Đó là việc đẩy giá làm biến động thị trường, tạo giá ảo và rút ruột tiền ngân hàng nếu tiền đó là đặt cọc. Giá đất bị đẩy lên cao, xa giá trị thật sẽ khiến dẫn tới nhiều hệ lụy.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Trong nền kinh tế, đất đai là đầu vào mọi dự án đầu tư mà bị đẩy giá lên cao thì sẽ không hiệu quả. Đây là điều không mong muốn. Chúng ta mong muốn giá tốt, mang hiệu quả xã hội trên đất đai, chứ không phải có đủ đất để bán, để tiêu dùng.

“Việc thổi giá là hiện tượng rõ ràng, có thực. Người dân "gửi" tài sản bằng đất, mà giá đất lên như "ngựa phi" thì họ nghĩ có hiệu quả. Song với nền kinh tế thì đây là điều không tốt, nếu tiền, tài sản của toàn xã hội đổ vào đất.

Nhà nước phải điều tiết giá, chính sách phải kiểm soát được tính khả thi của các dự án. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường, thất thoát tài sản Nhà nước; tạo mặt bằng giá đất mới, gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế”, ông Hà nói.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, đằng sau việc thổi giá đất còn có nhiều hệ lụy là giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác.

Phải có quy định đồng bộ vấn đề về đất đai trong một bộ luật

Ông Hà cho rằng việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định về thuế, tài chính. Vì có nhiều luật điều chỉnh nên về quy trình, trình tự, phương thức đấu giá đất còn bất cập. Giá trị tài nguyên như đất đai không giống với các vật thể giá trị khác. Vì vậy, phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn.


Phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn.

“Đã có quy định về điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn. Phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, để lần sau họ không tham gia được, như vậy mới đủ sức răn đe", ông Hà đề nghị.

Theo đó, chế tài xử lý cần mạnh hơn, cả hình sự, kinh tế để đủ tính răn đe. Phải nâng lên đủ để cho người tham gia đấu giá phân tích rằng nếu bỏ cọc thì không có hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, thời gian thẩm định hồ sơ đấu giá chỉ 15 ngày (tương tự với đấu giá một vật dụng quý) là không phù hợp. Cần đi trước bước đấu giá là thẩm định và làm căn cơ, tức là thẩm định thông qua hồ sơ ngân hàng, hồ sơ đất đai, lý lịch nhà tham gia đấu giá.

Phương án mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là người đấu giá xong phải trả tiền ngay trong 10 ngày, thay vì 90 ngày như trước đây, để cá nhân, tổ chức đấu giá thắng không đủ thời gian để trục lợi.

Tiền đặt trước, đặt cọc hiện chỉ 5-10%, Bộ cũng sẽ xem xét tăng lên, đơn vị đấu giá phải chứng minh tài chính thông qua thẩm định của cơ quan có trách nhiệm...

"Đất đai là tài nguyên đặc biệt, nhưng lại được quy định bởi 4-5 luật, thì sẽ theo luật nào? Vấn đề quan trọng như đất đai phải có quy định đồng bộ trong một bộ luật, bởi đất đai là kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu làm thế nào để quy định điều kiện, có thêm chế tài, tiền đặt cọc đúng, bổ sung thời gian thẩm tra, kiểm tra doanh nghiệp tiền có thật hay không?

Vấn đề liên quan đến đấu giá, dìm giá, tạo ra thế lực ngầm trong vấn đề đấu giá đất cần có các lực lượng tham gia, trong đó có lực lượng công an. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực các tổ chức đấu giá. Quan trọng hơn là hoàn thiện phương pháp định giá, đấu giá.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm được Chính phủ giao cơ quan có trách nhiệm điều tra.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm