Tin tức - Sự kiện

Cải cách hành chính hướng tới nền hành chính phi giấy tờ, giúp DN vực dậy nhanh hơn hậu Covid-19

DNVN - Các chuyên gia, các nhà kinh tế cho rằng, cải cách thủ tục hành chính sẽ giúp các doanh nghiệp vực dậy nhanh hơn, khôi phục sớm hơn được những khó khăn của nền kinh tế hậu Covid-19. Trong đó, việc quan trọng nhất là phải hướng tới nền hành chính điện tử hóa, phi giấy tờ, minh bạch và chính xác hơn.

Không được sử dụng các thiết bị thu, phát thông tin trong khu vực coi thi / TS. Tô Hoài Nam: Cải cách thủ tục hành chính có thể sẽ động chạm đến lợi ích của cán bộ công chức

Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19” diễn ra vào chiều 26/5 được tổ chức nhằm giúp DN tháo gỡ khó khăn thích ứng, thay đổi và phục hồi lại sau những thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Hội nghị do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức.

Cải cách hành chính hướng tới điện tử hóa, phi giấy tờ

Tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Hội nghị được tổ chức để tiếp tục tinh thần này nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với sự thay đổi và những tác động mạnh mẽ do dịch COVID-19.

Toàn cảnh diễn ra hội nghị

Toàn cảnh diễn ra hội nghị.

Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm đứng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.

Để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho nhân dân, người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, an ninh lương thực, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, đồng thời, tiếp tục cắt giảm TTHC, điều kiện kinh doanh, sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng điện tử hóa, phi giấy tờ.

Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công quốc gia, sau 5 tháng hoạt động, đã tích hợp, cung cấp 408 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 39 triệu lượt truy cập; hơn 150.000 tài khoản đăng ký; gần 8,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; gần 85.000 hồ sơ được thực hiện qua Cổng; tiếp nhận gần 6.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

"Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, từ ngày 12/5/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: VGP)

Cùng với thực hiện nhanh, hiệu quả, thiết thực từ Trung ương đến địa phương để các cơ chế, chính sách đã được ban hành thời gian qua phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme), Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng đã điều hành phiên 1 của hội nghị. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân cho biết, theo công bố của Ngân hàng World Bank năm 2019, Việt Nam đứng thứ 69/190 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chúng ta thấy kết quả nổi bật nhất chính là sự ra đời của Cổng thông tin dịch vụ công Quốc gia, với sự tích hợp của hơn 160 dịch vụ công trực tuyến, bao gồm cả 6 dịch vụ công hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, mọi dịch vụ công đang được minh bạch hóa một cách tối đa, còn đối với người dân và doanh nghiệp thì giảm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại và những vấn đề bất cập khác.

Nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành là rất cao, nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự thỏa mãn vì vẫn còn nhiều dư địa cho cải cách TTHC. Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây có 90% doanh nghiệp đánh giá các nhóm giải pháp của Chính phủ ban hành theo Chỉ thị 11 là phù hợp với nhu cầu chống dịch. Tính đến tháng 4/2020, đã có 2,9% doanh nghiệp chính thức nhận được hỗ trợ, nhưng có đến 65% doanh nghiệp đã nắm được thông tin về chính sách nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận.

Cải cách hành chính là công cụ quan trọng để vực dậy nền kinh tế hậu Covid-19

TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đại diện cho Hiệp hội Vinasme đưa ra một số nhận định về công cuộc cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 – 2025.

TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông Tô Hoài Nam cho rằng, cải cách hành chính giai đoạn 2020 - 2025 sẽ khó khăn hơn giai đoạn trước rất nhiều, bởi những gì dễ chúng ta đã làm trước đó hết rồi. Ông Nam đưa ra 6 điểm đáng lưu ý trong công cuộc CCTTHC thời gian tới đáng phải lưu tâm cụ thể như sau:

Thứ nhất, CCTTHC sẽ động chạm đến lợi ích của rất nhiều người người nhất là các cán bộ công chức.

Thứ hai, mô hình quản lý cán bộ công chức không phù hợp với cải cách của Chính phủ. Điều này cần phải thay đổi để làm cho cán bộ công chức hoạt động tích cực hiệu quả hơn. Việc giao lưu thông tin công khai giữa khu vực công và tư phải được dễ dàng và thân thiện. Trách nhiệm giải trình cần phải được coi trọng.

Thứ ba, muốn CCTTHC phải căn cứ vào các văn bản pháp luật. Nếu như các văn bản pháp luật chưa cho phép thì chúng ta sẽ rất khó triển khai việc CCTTHC. Vì vậy cần phải xử lý xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra là cần phải có tiêu chí điều kiện cụ thể nào để sửa và cơ quan đầu mối nào chịu trách nhiệm cho việc xây dựng sửa chữa các văn bản này vì đây là cuộc cách mạng và nó tác động đên nhiều bộ ngành liên quan.

Thứ tư, việc coi công nghệ thông tin để xử lý TTHC là đúng đắn và chính xác. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả của công cụ này cần có sự tác động từ nhiều phía mới hiệu quả được.

Thứ năm, phải có biện pháp làm tăng được tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo giữa trung ương và địa phương, giữa chính phủ với các ban ngành theo hướng phân quyền nhiều hơn từ cấp trên cho tới cấp dưới.

Thứ sáu, việc CCTTHC có liên quan mật thiết với cải cách hành chính Nhà nước. Nếu có sự chênh lệch khác nhau thì sẽ níu kéo nhau và không đạt được hiệu quả cao. CCTTHC là một trong những kênh quan trọng giúp doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19

Nhận định về tác động của Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho hay, Covid-19 hiện tác động đến cả phía cung và phía cầu. Gần đây nhất, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tác động của Covid-19 khiến kinh tế thế giới tăng trưởng âm khoảng 3,4-5,7%. Mức này tệ hơn mức của đại khủng hoảng tài chính 2009.

Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Qua khảo sát 15 ngành nghề bị tác động bởi Covid-19, thì ngành dệt may, da giày, sản xuất kinh doanh thép, khai khoáng, dầu thô, du lịch, vận tải kho bãi, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản và giáo dục đào tạo là những ngành hiện đang phải đối mặt với "khó khăn chồng chất".

Dù vậy, TS. Cấn Văn Lực nhận thấy, CCTTHC là một trong những kênh quan trọng giúp doanh nghiệp "vực dậy" hoạt động sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19. Cải cách thủ tục hành chính giúp giảm chi phí giám sát, kiểm tra, đánh giá của Nhà nước cũng như người dân, quan trọng nhất là sẽ giảm chi phí cơ hội và chi phí không chính thức.

“Kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng. Cụ thể, lạm phát vẫn kiểm soát tốt, phòng chống dịch bệnh hiệu quả... Vì vậy, có hy vọng rằng, Việt Nam sẽ sớm khôi phục lại sản xuất kinh doanh”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định: Chúng ta đang sống ở thời điểm có ý nghĩa lịch sử với những khó khăn, thách thức và vận hội, thời cơ lớn. Để tận dụng được những cơ hội mới, Chính phủ doanh nhân tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, thúc đẩy, tăng cường hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường nội địa, khai thác tốt lợi thế của đất nước gần 100 triệu dân. Đồng thời, tranh thủ các cơ hội để tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết thời gian qua.

"Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ vừa trước mắt vừa lâu dài của Chính phủ để từng bước phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ sớm phục hồi và tạo ra những bứt phá mới, giá trị mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm