Tin tức - Sự kiện

Cải cách thủ tục hành chính đưa lao động ra nước ngoài theo hợp đồng

DNVN - Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cần bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người lao động, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm như vậy khi cho ý kiến vào dự thảo luật, chiều 20-4.

Covid-19: Chính thức công bố dịch, dự kiến hỗ trợ hộ nghèo và người lao động bị mất việc do dịch bệnh / Người lao động mất việc do dịch COVID-19 có thể được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án luật, trong đó nêu rõ: Trong 5 năm gần đây, mỗi năm có hơn 130.000 người lao động ra nước ngoài làm việc, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua một bộ phận lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện hành quy định điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án luật. (Ảnh: Quochoi.vn)
Việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là nhằm tiếp tục cải cách cách thủ tục hành chính, mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh; loại bỏ, sửa đổi những quy định không còn phù hợp hoặc gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; bổ sung các quy định cụ thể, rõ rành, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tuy nhiên, trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, dự thảo luật chưa làm rõ được yêu cầu tạo thuận lợi, hỗ trợ, bảo vệ người lao động, mà thiên về việc “bảo vệ” cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể, về giấy phép cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, việc sửa đổi quy định giấy phép hoạt động dịch vụ không thời hạn sang có thời hạn 5 năm dẫn tới việc bổ sung quy định về gia hạn giấy phép. Báo cáo đánh giá tác động cho rằng, việc thay đổi này để tạo thuận tiện trong quản lý nhà nước, bảo đảm đánh giá năng lực của doanh nghiệp dịch vụ và góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động nhưng chưa thuyêt phục, chưa làm rõ liệu quy định như vậy có làm phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động dịch vụ không.
Bên cạnh đó, việc giao nhiệm vụ cho đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp theo dự luật, cũng có ý kiến cho rằng, việc giữ quy định doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá 3 đơn vị phụ thuộc được hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh. Dự luật cũng bổ sung thêm các điều kiện mà đơn vị phụ thuộc phải đáp ứng thì mới được hoạt động dịch vụ.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, quy định về hợp đồng cung ứng lao động là rào cản về thủ tục hành chính với doanh nghiệp, đã đến lúc cần chuyển sang chế độ báo cáo để doanh nghiệp chủ động thực hiện, khi ký hợp đồng với mỗi đối tác khác nhau thì chỉ thực hiện việc đăng ký lần đầu và không nhất thiết yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký thẩm định với nhiều hợp đồng đơn lẻ, gây tốn kém và dễ phát sinh tiêu cực trong quản lý, tạo cơ chế xin cho không cần thiết.
Cho ý kiến về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, dự luật cần chú trọng đến việc cải cách thủ tục hành chính để minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp được cấp phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc; đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dung đưa người lao động ra nước ngoài để trục lợi bất chính, vô trách nhiệm với người lao động.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến, việc sửa đổi luật cần bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cả người lao động, doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước.
Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, dự án luật sẽ được hoàn thiện lại trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ chín sắp tới.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm