Cần tư duy mới để truyền hình thành ngành kinh tế sáng tạo có giá trị cao
Quê hương ‘áo vải, cờ đào’ chào đón đoàn diễu binh Nam tiến / Đà Nẵng: Bệnh sởi có chiều hướng gia tăng
Sáng ngày 9/4, tỉnh Vĩnh Long tổ chức diễn đàn Mekong về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số lần thứ nhất, với chủ đề “Truyền hình và Công nghiệp văn hóa”, với sự tham gia các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân, đại diện các cơ quan truyền thông, văn hóa…
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng phát biểu khai mạc diễn đàn Mekong về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Tiến Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc “Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư”, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số hạn chế.
Từ thực tế đó, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Vĩnh Long được công chúng cả nước và quốc tế biết đến với thương hiệu “Truyền hình Vĩnh Long” với nhiều chương trình được yêu thích. Từ năm 2003, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã số hóa toàn bộ dữ liệu, quy trình sản xuất, lưu trữ và phát sóng.
Năm 2009, kênh THVL1 chính thức phát sóng qua vệ tinh Vinasat. Năm 2010, toàn bộ quy trình sản xuất chuyển sang số hóa hoàn toàn, không còn sử dụng băng từ. Tỉnh cũng đã triển khai phân phối nội dung trên nền tảng mạng xã hội và ra mắt nền tảng OTT “THVLi”, cùng ứng dụng nghe phát thanh “THVLaudio”, đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí mọi lúc, mọi nơi. Giai đoạn 2023 - 2024, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long lọt Top 10 cơ quan báo chí chuyển đổi số xuất sắc toàn quốc.
Xác định công nghiệp văn hóa cần được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn tạo nguồn thu nhập mới, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Đặc biệt, truyền hình và công nghiệp văn hóa là hai lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng. Tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trong phát thanh và truyền hình, xây dựng hệ sinh thái nội dung số, kinh tế báo chí; truyền thông chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử; tổ chức các sự kiện đổi mới sáng tạo, đưa Vĩnh Long trở thành điểm đến công nghệ số.
“Trong xu thế phát triển vượt bậc của kỷ nguyên số, ngành phát thanh, truyền hình và công nghiệp văn hóa đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức to lớn, cần sớm được nhìn nhận thấu đáo để tìm ra giải pháp khắc phục. Do vậy, diễn đàn là cơ hội quý báu để kết nối trí tuệ, kinh nghiệm và giải pháp với cái nhìn khách quan và rộng mở của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo trong cả nước", Bí thư tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (bên trái), cùng các đại biểu tham dự diễn đàn.
Tại diễn đàn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong dòng chảy sôi động của kỷ nguyên sáng tạo và chuyển đổi số, truyền hình không còn là chiếc loa phát lại thông tin một chiều, mà đã trở thành một nền tảng hội tụ đa năng - nơi hội tụ của công nghệ, nghệ thuật, tri thức và bản sắc văn hóa. Đối với Vĩnh Long, một vùng đất giàu truyền thống, đậm đà bản sắc phương Nam, truyền hình từ lâu đã không chỉ là phương tiện truyền thông đại chúng, mà còn là “tiếng nói của quê hương”, là sợi dây kết nối cộng đồng và là cầu nối giữa hiện tại và truyền thống.
Thế nhưng, trong bối cảnh đất nước đang tái cấu trúc chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, và khi thế giới đang thay đổi từng ngày dưới tác động của công nghệ số, truyền hình Vĩnh Long cũng không thể dừng lại ở những giá trị đã đạt được. Cần một tư duy mới - tư duy công nghiệp hóa, sáng tạo hóa và toàn cầu hóa, để đưa truyền hình từ một thiết chế truyền thông đơn thuần trở thành một ngành kinh tế sáng tạo có giá trị gia tăng cao, đóng góp thực chất cho tăng trưởng kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa phong phú và nâng tầm thương hiệu địa phương.
“Phát triển công nghiệp truyền hình không thể là việc của riêng một cơ quan, mà cần có sự phối hợp liên ngành, liên cấp và liên vùng. Cần có chính sách dẫn dắt từ Nhà nước, sự năng động từ chính doanh nghiệp truyền thông, sự nhập cuộc từ hệ thống giáo dục - đào tạo và trên hết là sự tin tưởng, ủng hộ của cộng đồng.
Khi tất cả các mắt xích cùng vận hành, khi tư duy quản trị đi trước hành động, và khi truyền hình được nhìn nhận như một nền tảng chiến lược, thì Vĩnh Long (hay tỉnh mới sắp tới) hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu cấp tỉnh trong phát triển công nghiệp truyền hình không chỉ trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn trên toàn quốc”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo