CẬP NHẬT: Tin bão KOMPASU và các chỉ đạo ứng phó
Bão Kompasu tăng tốc vào Biển Đông, gió giật cấp 11 và đang mạnh thêm / Thủ tướng: Sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ứng phó với bão
Dự báo vị trí và đường đi của bão KOMPASU. Ảnh NCHMF |
Hồi 13 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 123,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Philippines) 110km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và mạnh thêm.
Đến 13 giờ ngày 12/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 117,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, đêm tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Bắc Biển đông: cấp 3.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với cơn bão Kompasu phân tích trên kết hợp với không khí lạnh nên trong ngày và đêm nay (11/10), ở Vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, riêng phía Bắc có lúc cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.
Ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông từ sáng nay (11/10) có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) từ chiều tối nay có gió Tây Nam mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.
Cảnh báo mưa dông trên biển: Ngày và đêm nay (11/10), vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão. Ở Vịnh Bắc Bộ, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 7 nên ngày hôm nay (11/10), ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to. |
Tin gió mùa Đông Bắc
Hiện nay (11/10), không khí lạnh đã ảnh hưởng hầu hết các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ.
Dự báo, chiều và đêm nay (11/10), không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới nên đêm nay và sáng ngày mai (12/10), ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Đêm nay (11/10) ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trời lạnh, vùng núi phía Bắc có nơi trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-22 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ.
Ở Vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, riêng phía Bắc có lúc cấp 7, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2.
Khu vực Hà Nội:Đêm nay có lúc có mưa; trời lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. |
Cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất
Ngày 11/10, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa 6h vừa qua tính từ 07h đến 13h ngày 11/10) như: Ba Vì (Hà Nội) 100.0mm, Sơn Tây (Hà Nội) 93.0mm, Ngô Đồng (Nam Định) 57.2mm, Tiến Sơn (Hòa Bình) 69.2mm, Dị Nậu (Phú Thọ) 76.6mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 59.0mm, Si Láng (Yên Bái) 56.8mm,... Ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to như: Quảng Thịnh (Thanh Hóa) 31.8mm, Kỳ Nam (Hà Tĩnh) 39.2mm, Ba Đồn (Quảng Bình) 46.0mm.
Dự báo,do ảnh hưởng kết hợp của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới với không khí lạnh tăng cường nên từ nay đến sáng ngày mai (12/10) ở khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm.
Cảnh báo từ ngày 13-15/10, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
* Ngày 11/10, ở khu vực phía Nam Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa tính từ 07h đến 13h ngày 11/10) như: Lộc Tân (Lâm Đồng) 57.0mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 72.0mm, Quảng Khê (Đắk Nông) 26.4mm, Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) 42.6mm, Hội An (An Giang) 35.0mm, Thới Bình (Cà Mau) 26.4mm,…
Dự báo, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục khoảng 15-17 độ vĩ Bắc hạ trục xuống phía Nam kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần nên từ ngày 11/10 đến ngày 13/10, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to, với tổng lượng mưa phổ biến 80-160mm, có nơi trên 200mm (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều và tối).
Từ nay đến ngày 12/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50mm/24h, có nơi trên 70mm/24h.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết, xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới. |
Nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ
Trước diễn biến của mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão KOMPASU vào biển Đông, nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm (bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, sáng 11/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các lực lượng chức năng tập trung thực hiện các công việc sau:
Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết, Ban chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới.
Thứ hai, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin sớm về mưa lũ sau bão số 7 và cơn bão KOMPASU; xác định khu vực nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu thuyền.
Thứ tư, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản.
Thứ năm, tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão và dịch bệnh COVID-19
Thứ sáu, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.
Tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24h, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn chỉ đạo tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo bão số 7, bão KOMPASU và thời tiết nguy hiểm trong thời gian tới. |
Theo dõi chặt chẽ, cảnh báo kịp thời
Ngày 10/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã ban hành văn bản số 1293/TCKTTV-QLDB về việc tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo bão số 7, bão KOMPASU và thời tiết nguy hiểm trong thời gian tới.
Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, từ trưa đến chiều ngày 10/10, bão số 7 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền khu vực từ Nam Quảng Ninh đến Thanh Hóa; do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường, từ ngày 10-12/10, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to.
Sáng 10/10, trên vùng biển Thái Bình Dương có 01 cơn bão khác với tên quốc tế là KOMPASU đang hoạt động và có khả năng đi vào phía Bắc Biển Đông trong những ngày tới. Dự báo, đây là một cơn bão mạnh khi trên biển, di chuyển nhanh, có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ trong khoảng ngày 13-14/10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn ngày 13-15/10.
Ngoài ra, hiện nay dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp, nhiều ngày liền xuất hiện các ca nhiễm tại các địa phương và có nguy cơ lây nhiễm tại nhiều địa phương khác trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn. Để đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo phục vụ ứng phó với các tình huống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Khí tượng Thủy văn yêu cầu:
Các đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn: Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Xây dựng và thực hiện phương án đo đạc, quan trắc, thông tin, dự báo, cảnh báo, ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Hệ thống dự báo, cảnh báo Khí tượng Thủy văn quốc gia: Thực hiện nghiêm túc Quy định về Quy trình kỹ thuật dự báo, cảnh báo hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của bão số 7 và bão KOMPASU; cập nhật, cung cấp đầy đủ, kịp thời bản tin dự báo bão và dự báo tác động phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại của thiên tai.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia chủ trì công tác dự báo bão số 7 và và bão KOMPASU, mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc,sét… thông báo đầy đủ, kịp thời cho các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực và các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh để cảnh báo thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai và tác động của thiên tai cho địa phương phục vụ công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho các địa phương chủ động đề xuất thảo luận trực tuyến tăng cường theo dõi, dự báo, cảnh báo ảnh hưởng, tác động của bão số 7 và bão KOMPASU và các thiên tai có liên quan.
Trung tâm Quan trắc Khí tượng Thủy văn: Theo dõi, giám sát và bảo đảm hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc Khí tượng Thủy văn hoạt động bình thường. Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng Thủy văn và các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực bảo đảm hoạt động, truyền số liệu từ các trạm quan trắc Khí tượng Thủy văn, đo mưa tự động phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo Khí tượng Thủy văn.
Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng Thủy văn: Duy trì và bảo đảm đường truyền, thông tin liên lạc phục vụ công tác dự báo, cảnh báo Khí tượng Thủy văn. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, dữ liệu Khí tượng Thủy văn phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai.
Đài Khí tượng cao không: Chủ trì, phối hợp với các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực có liên quan bảo đảm quan trắc khí tượng cao không và Rađa thời tiết phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng Thủy văn bảo đảm thu nhận và chuyển giao đầy đủ, kịp thời số liệu vệ tinh khí tượng đến Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia và các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đáp ứng các yêu cầu dự báo, cảnh báo Khí tượng Thủy văn.
Liên đoàn Khảo sát Khí tượng Thủy văn: tiếp tục và sẵn sàng phương tiện, thiết bị, các phương án đo đạc phục vụ điều tra, khảo sát khi có yêu cầu thêm đối với các tình huống thiên tai khác.
Các Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh:Chỉ đạo các trạm Khí tượng Thủy văn trực thuộc triển khai phương án quan trắc bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác số liệu và truyền tin kịp thời trong mọi tình huống phục vụ tốt công tác dự báo bão số 7 và và bão KOMPASU, mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… kiểm tra, đảm bảo trang thiết bị bảo hộ lao động nhằm bảo đảm an toàn cho quan trắc viên khi thực hiện nhiệm vụ.
Chỉ đạo Phòng Dự báo và các Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh trực thuộc theo dõi, dự báo sát mọi diễn biến và tác động của bão số 7 và và bão KOMPASU, mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thông tin về diễn biến bão số 7 và và bão KOMPASU, mưa lớn, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất đá, dông, tố, lốc, sét… và tác động của các thiên tai đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và lãnh đạo các tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn. Đồng thời, gửi bản tin về Tổng cục Khí tượng Thủy văn theo quy định để phục vụ công tác đánh giá chất lượng dự báo.
TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT, HIỆU QUẢ CÁC GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Ngày 10/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện 1323/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên về việc chủ động ứng phó với bão, mưa lũ.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, tại khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to, các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Bộ có mưa to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng thấp trũng, ven sông.
Đồng thời, hiện nay cơn bão có tên quốc tế KOMPASU đang hoạt động ở ngay khu vực biển phía Đông Philippines, đêm mai (ngày 11/10/2021) bão có thể vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, sức gió mạnh nhất trên biển có thể tới cấp 10-11, giật cấp 13 và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, gây gió mạnh, mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ trong một vài ngày tới.
Đây là tình huống thiên tai nguy hiểm liên tiếp (nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp ở một số địa phương, nhiều người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc qua khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, ngành thủy sản và giao thông kiểm soát, hướng dẫn, chỉ đạo, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu; bảo đảm an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo.
Chỉ đạo, tổ chức bảo đảm an toàn trên đất liền: Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm (lưu ý phòng chống, dịch COVID-19); chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020, sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ.
Triển khai phương án bảo vệ sản xuất, đê điều, hồ đập; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố.
Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực đã từng xảy ra sự cố năm 2020 để kịp triển khai sơ tán dân cư, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Thứ ba, Bộ Công Thương chỉ đạo công tác vận hành bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở thông tin kịp thời, bảo đảm an toàn cho người dân, nhất là trong tình huống phải xả lũ khẩn cấp; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản và hệ thống lưới điện.
Thứ tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; thu hoạch lúa và hoa màu, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thứ sáu, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án ứng phó, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ thu hoạch lúa, hoa màu, sơ tán, di dời dân cư, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ khi có yêu cầu.
Thứ bẩy, Bộ Công an phối hợp với chính quyền các địa phương và các bộ, ngành có liên quan thông tin kịp thời, khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ, sạt lở; chỉ đạo, triển khai phương án hỗ trợ, bảo đảm an toàn đối với những người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Thứ tám, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Thứ chín, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những tình huống cấp bách, vượt thẩm quyền./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh