Chủ tịch nước: Cố gắng cuối tháng 10 sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em
Bão số 8 cường độ mạnh đang vào Biển Đông, người dân hạn chế về quê trong 10 ngày tới / 23 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học lại bình thường
Sáng nay (11/10), tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổ Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đơn vị số 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và Hóc Môn theo hình thức trực tuyến, thông báo về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch nước lưu ý các địa phương khi nói xã, phường là “pháo đài” chống dịch thực chất là khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở, chứ không phải pháo đài là biệt lập và đưa ra những chủ chương, quy định trái với chủ trương của Trung ương và thành phố, khiến xảy ra tình trạng ngăn sông, cấm chợ, ngăn cản lưu thông hàng hóa và dịch chuyển lao động.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao huyện Củ Chi và TP Hồ Chí Minh đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết vượt khó khăn để chống dịch hiệu quả. Trong đó, Củ Chi chỉ còn 1 xã nữa trở thành vùng xanh là cả huyện trở thành vùng xanh, đồng thời thực hiện tốt mục tiêu kép, vẫn giữ được mức độ tăng trưởng kinh tế khá so với mặt bằng chung của TP Hồ Chí Minh.
Trao đổi về vấn đề cử tri hai huyện rất quan tâm là các biện pháp chống dịch hiện nay như thế nào, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Bộ Chính trị đã có nhiều phiên họp để đưa ra nhiều biện pháp chỉ đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, trong đó có việc chuyển chiến lược từ “Zero COVID-19” sang thích ứng an toàn với COVID-19.
Đó là bước chuyển phù hợp trong bối cảnh nhiều ca nhiễm như TP Hồ Chí Minh. Trong đó, thích ứng với COVID-19 phải thực hiện tốt vaccine + 5K. Với dân số trên 18 tuổi có 97% được tiêm chủng mũi 1, 70% được tiêm chủng mũi 2 và thực hiện biện pháp 5K sẽ là cơ sở để TP Hồ Chí Minh khôi phục và phát triển kinh tế, không để rơi vào khủng hoảng sâu.
“Khi nói xã, phường là pháo đài chống dịch thực chất là khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của địa bàn cơ sở, đề cao vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, chứ không phải pháo đài là biệt lập, là ra những chủ chương, quy định trái với chủ trương của Trung ương và thành phố để ngăn sông, cấm chợ, ngăn cản lưu thông hàng hóa, duy vật và dịch chuyển lao động. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc này thì mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, ách tắc lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng. Báo chí những ngày gần đây nêu tình trạng cắt khúc giữa địa phương này với địa phương khác, thì tôi muốn nói chữ pháo đài để mọi tỉnh, huyện, xã hiểu được, không có tình trạng ngăn sông, cấm chợ”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Đối với vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em, cử tri Lê Hữu Đức bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Trung ương đối với TP Hồ Chí Minh vì vùng trọng điểm dịch. Trân trọng việc lo lắng nguồn vaccine để tiêm cho người dân. “Tôi thấy hình ảnh của Chủ tịch nước đến Mỹ cũng đã đến tận nhà máy sản xuất vaccine để làm việc, qua đó ai cũnghết sức cảm kích khiChủ tịch nước lo cho vận mệnh quốc gia. Nhưng hiện trẻ em dưới 18 tuổi tiêm vaccine gì, trong tay chúng ta chưa có, khi đó tập trung trong trường học sẽ nguy hiểm. Tình hình đó đặt ra cho quản trị quốc gia khó khăn vô cùng trong khi cần phải phát triển sản xuất đất nước mới đi lên được”, cử tri nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch cho biết, hiện nay Bộ Y tế, Hội đồng chuyên môn đã đưa ra khuyến cáo tiêm vaccine dưới 18 tuổi và phấn đấu cuối tháng 10, đầu tháng 11 sẽ tiêm cho trẻ em 12 - 18 tuổi. Trong chương trình công tác tại Cuba vừa qua, nhà nước đã đặt mua 5 triệu liều vaccine cho người lớn và 5 triệu liều vaccine cho trẻ em.
“Tại Mỹ, công ty Pfizer - một đơn vị có lịch sử phát triển 140 năm, Chủ tịch của hãng cho biết lần đầu tiên có một nguyên thủ thăm công ty của họ. Họ hứa sẽ cung ứng đủ 20 triệu liều vaccine cho trẻ em cho Việt Nam. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với trẻ em. Nếu vaccine được nhận sớm thì cuối tháng 10 Việt Nam có thể tiêm vaccine cho trẻ em”, Chủ tịch nước cho biết.
Về vấn đề nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, cử tri Phan Kim Hoàng đề nghị, khi dịch bùng phát, trạm y tế là đơn vị đầu tiên xử lý nên thời gian tới nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến nhân sự của trạm y tế. Bên cạnh đó cần đầu tư thêm cơ sở vật chất để đảm bảo chăm sóc y tế toàn dân. Đối với các trung tâm y tế huyện, nên trực thuộc chỉ đạo của UBND huyện để có chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng và thống nhất một đầu mối để các đơn vị cơ sở dễ thực thi.
Chủ tịch nước cũng khẳng định, cần tiếp tục quan tâm đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cơ sở, cả về hạ tầng y tế,thiết bị,nhân lực. Đặc biệt là xem xét cơ cấu tổ chức y tế phù hợp ở cơ sở, hiệu quả hơn trong thực tiễn. Thực tế thời gian vừa qua, nhiều trạm y tế tại TP Hồ Chí Minh nêu tình trạng thuốc men, nhân lực, trong khi đây là đơn vị đầu tiên phát hiện và điều trị, hỗ trợ nhân dân phòng chống các loại bệnh, đặc biệt là phòng chống dịch.
“Y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế gia đình là vấn đề rất lớn trước các thách thức an ninh phi truyền thống. Với quan điểm Trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế, UBND Thành phố hay trực thuộc UBND huyện, tôi nghiêng về giao cho UBND cấp huyện điều hành,phối hợp với trạm y tế xã, phường để chăm sóc sức khỏe nhân dân sát thực hơn. Tôi yêu cầu Bộ Y tế sớm trình Chính phủ phương án về vấn đề này”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Trong chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo