Cha mẹ có thể bị phạt tới 5 triệu đồng nếu bắt con làm việc nhà quá sức
Lập đề án xóa hàng ngàn lối đi tự mở qua đường sắt / Dự báo thời tiết 29/9: Miền Bắc có nơi lạnh 19 độ
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng.
Hướng dẫn trẻ làm việc nhà là tốt song không được bắt trẻ làm việc quá sức, ảnh hưởng tới sức khỏe và thời gian học tập, vui chơi của trẻ. (Ảnh minh hoạ)
Cha mẹ không được bắt con làm việc nhà quá sức
Tờ trình của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 có cách tiếp cận mới về quyền trẻ em, trong đó bao gồm nhiều quy định mới về quyền và nghĩa vụ so với luật cũ như: cấm bạo lực đối với trẻ em; quyền của trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và tham gia vào các vấn đề về trẻ em; trách nhiệm cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột cho gia đình, cơ sở giáo dục; cấm tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng,…
Chính vì thế, dự thảo nghị định này đề xuất phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bắt trẻ em nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, chửi mắng, đe dọa, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Phạt tiền từ 3- 5 triệu đồng đối với hành vi của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em bắt trẻ em làm công việc gia đình quá sức, quá thời gian, ảnh hưởng đến việc học tập, vui chơi, giải trí, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em.
Hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn hoặc cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn bị đề xuất phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đưa ra mức phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng đối với hành vi bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em. Ngoài việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính thì biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em (nếu có).
Tiết lộ bí mật cá nhân của trẻ em: Phạt 10-15 triệu
Đáng chú ý, Bộ này đề xuất mức phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng đối với một trong số các hành vi: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên.
Biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm và thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.
Tại điều 38 dự thảo nghị định nêu rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Phạt tiền từ 20- 30 triệu đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên môi trường mạng khi không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em hoặc không sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.
Phạt tới 10 triệu nếu tráo đổi hàng cứu trợ
Điều 9 dự thảo đưa ra nhiều mức phạt với vi phạm quy định về quản lý tiền, hàng cứu trợ. Theo đó, phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn; sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng của nhà tài trợ; tráo đổi hàng cứu trợ.
Phạt tiền từ 10- 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Phạt tiền từ 5- 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sản xuất, kinh doanh điện thoại hoặc các thiết bị thông tin và truyền thông khác không tuân thủ tiêu chuẩn về sắp xếp ký tự số, ký tự chữ và ký hiệu làm cho người khuyết tật không thể sử dụng được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo