Chỉ đạo "nóng" ngay từ đầu năm, để giải ngân vốn đầu tư công không còn là "nỗi trăn trở"
Từ 1/3: Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử / Nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế
Nghị quyết 01 của Chính phủ ban hành ngay từ đầu năm đã nêu ra hàng loạt nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Trong đó, giải ngân đầu tư công được xem là một trong những nội dung rất quan trọng.
Năm 2022 có khoảng 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tính đến hết tháng 1 năm nay, tức là hết thời hạn để giải ngân số vốn của năm ngoái thì tỷ lệ giải ngân đạt được là gần 93% so với kế hoạch Thủ tướng giao.
Sang năm 2023, số vốn đầu tư công được giao tăng thêm khoảng 140.000 tỷ đồng so với năm ngoái, tương đương tăng 25%, tức là trên 750.000 tỷ đồng phải được đưa vào nền kinh tế. Đứng trước áp lực giải ngân số vốn rất lớn này, ngay từ đầu năm, công tác phân bổ vốn đã được các đơn vị đẩy mạnh triển khai, làm cơ sở để có thể giải ngân được sớm nhất.
Theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, trên 750.000 tỷ đồng phải được đưa vào nền kinh tế trong năm 2023
Tính đến hết tháng 1/2023, cả nước đã phân bổ được trên 90% vốn đầu tư công theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, với giá trị hơn 638.600 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, một số bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vì các dự án chưa đảm bảo thủ tục đầu tư hay còn vướng mắc ở các nguồn vốn vay nước ngoài, cũng đã được yêu cầu phải rà soát, phân bổ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, các Bộ ngành, địa phương cũng phải nhập dự toán vào hệ thống để có cơ sở thanh toán và giải ngân ngay khi có khối lượng.
"Từ những ngày cuối tháng 12/2022, Bộ GTVT đã tập trung rà soát và phân bổ nguồn vốn này tới các chủ đầu tư. Đây là tiền đề quan trọng để các chủ đầu tư căn cứ vào số lượng vốn được giao và bắt tay ngay vào lập kế hoạch để triển khai thực hiện", ông Bùi Quang Thái -Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cho biết.
Đứng đầu cả nước về vốn đầu tư công được giao, năm nay, ngành giao thông vận tải sẽ phải giải ngân hơn 94.000 tỷ đồng, con số lớn nhất từ trước đến nay. Bên cạnh việc phân bổ chi tiết cho các dự án từ rất sớm thì việc lên kế hoạch, đốc thúc các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án giải ngân vốn, tránh dồn áp lực vào những tháng cuối năm cũng đã được triển khai ngay.
Ước tính mỗi tháng trung bình ngành giao thông sẽ phải giải ngân hơn 7.800 tỷ đồng vốn đầu tư công
Năm nay, ước tính mỗi tháng trung bình ngành giao thông sẽ phải giải ngân hơn 7.800 tỷ đồng. Bộ GTVT cho biết đã có kịch bản điều hành một cách linh hoạt.
Ông Bùi Quang Thái cho biết Bộ GTVT có kế hoạch giải ngân từng tháng cho từng dự án. Bên cạnh đó là phân công các cán bộ bám sát nhiệm vụ này. Theo đó sẽ vừa bám sát kế hoạch, vừa bám sát trên công trường, vừa bám sát công việc cụ thể. Các cơ quan của Bộ cũngthường xuyên kiểm tra giám sát cũng như nắm bắt các vướng mắc khó khăn có thẩm quyền của các chủ đầu tư.
Năm nay, lượng vốn đầu tư công lớn được dành cho dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả giải ngân, các phương án cắt chuyển vốn từ dự án chậm sang dự án giải ngân tốt, hay chọn một số đoạn tuyến thuận lợi để tập trung thi công hoàn thành rồi nhân rộng ra toàn dự án cũng được Bộ GTVT xác định thực hiện ngay từ đầu.
Các địa phương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Khi vốn đầu tư công được giải ngân cũng đồng nghĩa hàng loạt các lĩnh vực kinh doanh khác như vật liệu xây dựng, vận tải, logistics… cũng có thêm cơ hội, từ đó tạo sự lan tỏa cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nhiều địa phương cũng đẩy mạnh việc này ngay từ đầu năm.
Chuẩn bị đầu tư tốt, đặc biệt tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, nhiều dự án ở ĐBSCL đã bám sát được tiến độ đề ra. Thậm chí, có nhiều dự án có thể rút ngắn thời gian hoàn thành từ 3 đến 10 tháng.
Tháng đầu năm tuy có nhiều ngày nghỉ Tết, nhưng tỉnh Cà Mau vẫn giải ngân được hơn 9% kế hoạch đầu tư công, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và gần 7 lần so với bình quân chung cả nước.
Các địa phương khác trong vùng năm nay cũng được bố trí nguồn vốn đầu tư cao hơn, nên hàng loạt các tuyến đường giao thông, đặc biệt các trục cao tốc có tính lan tỏa cho tăng trưởng sẽ được triển khai ngay từ đầu năm.
"Giải ngân nguồn vốn đầu tư càng sớm, hiệu quả thì sẽ giúp doanh nghiệp và người dân phát triển tốt", ông Lâm Văn Bi -Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, tỉnh đã phân công cho các đồng chí thường trực, cùng các sở ngành phụ trách từng dự án để sớm giải ngân được nguồn vốn quan trọng này.
Nhiều địa phương ngay từ đầu năm đã mạnh dạn cam kết sẽ giải ngân từ 95% đến 100% nguồn vốn đầu tư công được phân bổ
Nhiều địa phương ngay từ đầu năm đã mạnh dạn cam kết sẽ giải ngân từ 95% đến 100% nguồn vốn đầu tư công được phân bổ. Đặc biệt để đảm bảo cam kết, nhiều địa phương đã xây dựng quy chế, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong tất cả các khâu của đầu tư công.
Năm nay cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại của gói 350.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, với khối lượng giải ngân rất lớn, sức nóng từ những chỉ đạo người đứng đầu Chính phủ ngay từ đầu năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan truyền đến các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, tạo động lực để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công của cả năm, để việc giải ngân vốn đầu tư công không còn là "nỗi trăn trở" mỗi khi nhắc đến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh