Nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam có trách nhiệm với các vấn đề quốc tế
Đà Nẵng: Từ ngày 15/2, tạm dừng tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thiết kế cải tạo xe cơ giới / Buôn Ma Thuột kêu gọi các cơ sở kinh doanh miễn phí cà phê vào ngày 10/3
Đây không phải lần đầu tiên, Việt Nam chủ động tham gia các hoạt động nhân đạo hay nghĩa vụ quốc tế. Trong lịch sử, chúng ta đã từng cử lực lượng tình nguyện sang giúp cách mạng Lào trong giai đoạn đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập hay giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội tháng 2/2019
Còn nhớ, tròn 4 năm về trước, dịp tháng 2/2019, chúng ta chủ động đề nghị và trở thành nước chủ nhà tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, đem lại những kết quả tích cực, giúp duy trì không khí hòa hoãn trên Bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực và mở ra "cơ hội quan trọng để có thể đưa quan hệ hai nước sang một bước tiến mới".
Ngay sau đó, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam cũng đang phải gồng mình ứng phó với đại dịch diễn biến phức tạp trong nước, Việt Nam vẫn chủ động dành nguồn lực dù ít ỏi nhưng quý giá của mình để hỗ trợ các quốc gia khác phòng chống dịch. Những kiện hàng chở vật tư y tế, khẩu trang kháng khuẩn từ Việt Nam đã được gửi tới nhiều quốc gia, trong đó có cả những cường quốc như Hoa Kỳ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu.
Ở một lĩnh vực khác, từ tháng 6/2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Theo số liệu từ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, từ tháng 6/2014 đến tháng 8/2022, đã có 512 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được cử tới công tác tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ.
Cụ thể, đối với hình thức cá nhân, từ 2 sĩ quan quân đội đầu tiên đi làm sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan năm 2014, đến nay, chúng ta đã cử 76 lượt sĩ quan hoạt động độc lập trên các cương vị sĩ quan tham mưu tác chiến, sĩ quan tham mưu huấn luyện, sĩ quan trang bị, sĩ quan phân tích thông tin, sĩ quan quân lương, quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ.
Nữ quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc
Từ tháng 10/2018 đến nay, Việt Nam đã triển khai 4 bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Nam Sudan. Ngoài ra, tháng 5/2022, Việt Nam cử Đội công binh đầu tiên với 184 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ UNISFA tại khu vực Abyei.
Đáng chú ý, Việt Nam đã cử tổng số 74 nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, trong đó có 8 sĩ quan nữ tham gia theo hình thức cá nhân, hoạt động độc lập; 45 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2; và 21 nữ quân nhân trong Đội công binh Việt Nam trong khi các Đội công binh của các nước khác không có nữ quân nhân tham gia.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Việt Nam triển khai tại hiện trường vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
Những chia sẻ, đóng góp của Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng như trong hoạt động gìn giữ hòa bình đều rất hiệu quả, được Liên Hợp Quốc, các đối tác và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Và những ngày qua, nỗ lực của các đội cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam cũng đem lại những kết quả bước đầu khi chúng ta phối hợp với lực lượng các nước cứu sống 01 người, đưa 06 thi thể nạn nhân ra ngoài; trao nhiều tấn hàng y tế hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đội Công binh cứu sập và Đội chó nghiệp vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đang triển khai tìm kiếm cứu nạn tại khu vực đường Rustem Tumer Pasa, Antakya, tỉnh Hatay - một trong số tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất – trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt để "chạy đua với thời gian và tử thần" tìm cứu các nạn nhân.
Nhắc lại các hoạt động trên để thấy rằng, những năm gần đây, triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, chúng ta ngày càng chủ động phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế, đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào những vấn đề chung của thế giới. Hẳn nhiên, đây là đường lối đối ngoại phù hợp với thế và lực của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhằm mục tiêu nâng cao vị thế và uy tín đất nước. Nhưng sâu xa hơn, những nỗ lực đóng góp của Việt Nam còn bắt nguồn từ truyền thống "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt, từ sự thấu cảm, chia sẻ với những đau thương, mất mát vẫn còn hiện hữu trên thế giới bởi Việt Nam đã từng nhiều năm trải qua chiến tranh với vô vàn khó khăn, gian khổ và đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ chí tình của bạn bè quốc tế và nhân dân các nước trên thế giới. Vì lẽ đó, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam luôn có khát vọng được sống trong hòa bình, luôn trân trọng và khắc ghi tình cảm và sự sẻ chia quý báu mà nhân dân thế giới dành cho Việt Nam lúc khó khăn. Vì lẽ đó, khi khả năng và điều kiện của đất nước cho phép, Việt Nam sẵn sàng san sẻ khó khăn với bạn bè quốc tế, đóng góp cho việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của nhân loại.
Lực lượng công binh cứu sập và chó nghiệp vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai tìm kiếm cứu nạn tại khu vực đường Rustem Tumer Pasa, Antakya, tỉnh Hatay
Phải nói thêm rằng, các thành viên được cử đi tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ đều là những cán bộ, sĩ quan, quân nhân dày dạn kinh nghiệm, đã từng trực tiếp tham gia cứu nạn, cứu hộ tại các điểm nóng thiên tai, tai nạn hay phòng chống dịch bệnh trong nước những năm vừa qua. Trong số họ, có cả những quân nhân từng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, nay lại tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ nhân đạo quốc tế. Chúng ta tự tin rằng, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam, với kinh nghiệm thực tế và năng lực tác chiến của mình, sẽ hoạt động hiệu quả giúp chính quyền và nhân dân vùng thiên tai sớm khắc phục hậu quả, ổn định và tái thiết cuộc sống. Chúng ta tự hào khẳng định rằng, là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, giờ đây Việt Nam có đủ năng lực và luôn chủ động sẵn sàng góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề nhân đạo, an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo