Tin tức - Sự kiện

Chính phủ bàn Chương trình tổng thể phòng COVID-19 và phục hồi kinh tế

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tổ biên tập tiếp thu, tiếp tục chỉnh sửa và khẩn trương hoàn thiện để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Cuối năm 2021, Việt Nam sẽ bao phủ vaccine COVID-19 mũi 1 cho người trên 18 tuổi / Quốc hội giao mức GDP năm 2022 vào khoảng 6-6,5%

Phát biểu tại phiên họp chuyên đề tháng 11/2021 diễn ra vào chiều 13/11 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nhanh chóng hoàn thành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tổ biên tập tiếp thu, tiếp tục chỉnh sửa và khẩn trương hoàn thiện để sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Thủ tướng chủ trì phiên họp chuyên đề tháng 11

Đối với Dự thảo Đề án Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu đề án cần bám sát vào Kết luận 20 của Ban Chấp hành Trung ương, trên quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, tạo ra sự đoàn kết, thống nhất trong toàn dân và lấy cấp cơ sở là nền tảng. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine để tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình phù hợp; chú trọng nâng cao năng lực điều trị, giảm chuyển nặng và tử vong; sớm đưa học sinh trở lại trường học gắn với bảo đảm an toàn phòng dịch.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp

Từ nay đến cuối năm 2022, ưu tiên bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng. Nội dung Đề án cũng cần quan tâm, làm rõ một số vấn đề lớn như: đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực y tế gắn với rà soát, sắp xếp lại để sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế hiện có; nghiên cứu, thành lập Quỹ phòng, chống dịch; phát triển và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước; tăng cường hợp tác công tư, có cơ chế phù hợp để huy động hiệu quả nguồn lực và phát huy hơn nữa vai trò của y tế tư nhân; đẩy mạnh thông tin, truyền thông và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch.

Trên cơ sở tổng kết công tác phòng chống dịch thời gian qua, đề án cần phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, khu vực và trong nước để xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Về dự thảo Đề án Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu chương trình này phải gắn với việc thực hiện lộ trình mở cửa từng bước nền kinh tế theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Mục tiêu đặt ra là thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế xã hội, nhưng phải đảm bảo nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, chú trọng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về hệ thống kết cấu hạ tầng, Thủ tướng đề nghị đề án quan tâm đến hạ tầng chiến lược, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn… Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, không ngừng cải thiện đời sống của người dân; khẩn trương thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, củng cố hệ thống an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, giải quyết được các vấn đề về xã hội, môi trường cả trước mắt và lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp.

 

Về nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, phải sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, phạm vi, mức độ, lộ trình và thời điểm phù hợp gắn với tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nhất là đầu tư tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài, phục vụ hiệu quả cho quá trình phục hồi và phát triển Kinh tế xã hội của đất nước.

Cũng trong chiều nay 13/11, Chính phủ đã bàn về Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm