Tin tức - Sự kiện

Chính phủ đề xuất 2 kịch bản cho nền kinh tế và điều chỉnh chỉ tiêu GDP trong năm 2020

DNVN - Chính phủ quyết tức thời giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp trên 30 nghìn tỷ đồng; tăng thêm gần 20 nghìn tỷ đồng cho hộ nghèo vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách Xã hội; kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt.

Việt Nam xuất khẩu 20.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19 đi 8 nước / Nhiều lái xe vẫn cố tình "quên" Nghị định 100?

Theo nguồn tin từ Chính phủ cho biết tại kỳ họp quốc hội khóa XIV Chính phủ đã chuẩn bị sẵn hai kịch bản cho nền kinh tế của nước ta năm 2020 cụ thể:

Kịch bản thứ nhất, nếu Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4, còn các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam khống chế được trong quý III, thì dự kiến GDP năm nay tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019.

Kịch bản thứ hai, nếu thời gian khống chế và kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam vẫn như kịch bản 1, nhưng các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam phải đến quý IV mới khống chế được dịch, thì dự kiến GDP năm nay tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết “các kịch bản chủ yếu mới dựa trên kết quả phòng, chống dịch bệnh trong nước rất tốt, trong khi cả thế giới vẫn đang lao đao với COVID-19. Chúng ta phòng, chống dịch bệnh tốt, nhưng khi những đối tác thương mại lớn còn đang lao đao thì chúng ta buôn bán, trao đổi hàng hóa với ai?”

Bên cạnh đó Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho là cần xây dựng kịch bản thứ ba với khả năng là làn sóng thứ hai về dịch bệnh COVID-19 sẽ diễn ra vào cuối năm 2020, kéo dài đến năm 2021, khiến nhiều lĩnh vực tiếp tục khó khăn và tăng trưởng GDP cả nước chỉ khoảng 3%.

Số liệu thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020, số lao động mất việc làm là 670.000, riêng trong tháng 4 mất việc làm là 270.000 người, số lao động bị ảnh hưởng là trên 5 triệu người. Cũng trong 4 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 13,3%, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%. Chỉ số sản xuất nhiều ngành công nghiệp; nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực sụt giảm mạnh…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo trước Quốc hội. Ảnh VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra nhận định: “dập dịch đã khó, nhưng dập dịch mà vẫn duy trì, phát triển nền kinh tế còn khó hơn nhiều”. Dù vậy, Thủ tướng cũng cho rằng đây cũng xem như cơ hội “lửa thử vàng, gian nan thử sức” ; càng trong điều kiện khó khăn, càng phải thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để người nào bị bỏ lại phía sau.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ xin điều chỉnh chỉ tiêu GDP, nhưng điều chỉnh ở mức nào thì đang còn bỏ ngỏ. Trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi, “hãy siết chặt tay nhau với quyết tâm cao”.

Dẫu cho GDP còn ở trạng thái “đau đầu” cân nhắc tăng ở mức bao nhiêu, thu ngân sách giảm ở mức bao nhiêu, Chính phủ không do dự khi đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chi tổng số tiền khoảng 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.

Cùng với đó, Chính phủ quyết tức thời giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp trên 30 nghìn tỷ đồng; tăng thêm gần 20 nghìn tỷ đồng cho hộ nghèo vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách Xã hội; kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt.

 

“Dù kinh tế năm nay tăng trưởng chậm lại, Chính phủ không nhụt ý chí đưa đất nước vượt lên nhanh, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực, thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm