Tin tức - Sự kiện

Chính sách tài khóa - Bài 2: Hỗ trợ thuế phát huy tác dụng

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cùng những biến động thị trường như hiện nay thì việc sử dụng chính sách hỗ trợ thuế đang phát huy tác dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Du lịch Đà Nẵng thu hơn 900 tỷ đồng dịp lễ Quốc khánh / "Cô dâu 8 tuổi" đến Việt Nam thưởng thức món bánh xèo

TTXVN đã ghi nhận chùm ý kiến từ các chuyên gia, các hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp xoay quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Việc sử dụng chính sách hỗ trợ thuế đang phát huy tác dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh:

Các chính sách giảm thuế của Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023; miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãn hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước…đang tạo động lực rất lớn giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu.

Đơn cử như việc giãn hoãn tiền nộp thuế giúp doanh nghiệp có được một khoản vốn không phải vay ngân hàng, giảm thuế giá trị gia tăng giúp giảm giá thành sản xuất, đẩy cầu tiêu dùng tăng lên, khi hàng hóa giảm người dân sẽ tăng chi tiêu; giảm thuế còn làm giảm áp lực lạm phát, ổn định nền kinh tế. Đây thực chất là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu. Nếu doanh nghiệp có thể tồn tại và phục hồi sau những khó khăn do kích cầu tiêu dùng trong nước thì tương lai sẽ có nguồn thu bền vững.

Về phía doanh nghiệp cần coi việc nắm bắt thị trường Việt Nam là chiến lược, là cứu cánh cho mình. Đây cũng là giải pháp để các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, việc liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành nghề cần đi vào nề nếp để hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty CP xây dựng Tân Hưng:

Phương án giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính đã và đang phát huy hiệu quả khá tích cực trong thực tiễn. Trong bối cảnh hiện tại khi sức mua giảm sút thì từ đó đã giúp phần nào kích cầu mua sắm và giải phóng hàng tồn kho.... Tuy nhiên, chính sách cần đơn giản nhất có thể, vì đối tượng trực tiếp được hưởng ưu đãi giảm 2% thuế VAT là người tiêu dùng cuối cùng.

Việc giảm 2% thuế VAT cũng đã giúp giảm giá bán nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế giá trị gia tăng thì việc này đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất. Đây thực sự tạo cú hích giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, song cần phải kéo dài thời gian hỗ trợ giảm thuế để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa và ổn định giá cả, nhất là khi cận kề giai đoạn cuối năm như hiện nay.

Bà Đỗ Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH CEDO Việt Nam:

Năm 2022, CEDO bị sụt giảm đơn hàng do hàng xuất sang châu Âu tiêu thụ chậm. Năm nay, các đơn hàng đã dần ổn định, doanh nghiệp dự định tăng thêm 10% công suất. Với mức độ vận hành đơn hàng như hiện nay, việc giảm thuế VAT có thể giúp công ty tiết kiệm 1 tỷ đồng mỗi tháng. Với số tiền này, công ty sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và mua thêm máy móc mới và đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định vì hiện nay vẫn còn khó khăn.

Trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, việc giảm thuế VAT đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế. Trong vòng tròn khép kín, thì người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp, song doanh nghiệp cũng gián tiếp trở thành động lực phát triển. Nếu doanh nghiệp phát triển sẽ thanh toán được nợ ngân hàng, thanh toán được nợ trái phiếu, tạo được việc làm, thanh toán được bảo hiểm, nộp thuế đầy đủ.... nuôi dưỡng được các nguồn thu và nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam:

Qua thông tin từ các doanh nghiệp, hiện còn nhiều đơn vị đang gặp khó do sụt giảm đơn hàng, khó tiếp cận nguồn vốn và vấp phải xu hướng việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Điều này khiến các doanh nghiệp sụt giảm tiêu thụ, doanh thu và nguồn tiền sụt giảm. Vì thế, việc Chính phủ có những giải pháp điều hành rất quyết liệt trong việc giảm thuế, giảm lãi suất.

Ngoài những tác động khách quan từ thị trường, các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do vậy, chính sách giảm thuế cần được tiếp tục triển khai, có thể kéo dài sang năm 2024 và Chính phủ cần hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách về giảm thuế khác trực tiếp cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp chịu nhiều tác động do ảnh hưởng dịch bệnh, giảm phát… trong suốt thời gian qua. Các văn bản cần hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể, mã ngành nào được giảm, các thủ tục triển khai ra sao, đồng thời tích cực giải quyết các vướng mắc nếu có từ phía người dân, doanh nghiệp.

 

* TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):

Trong bối cảnh khó khăn chung về sản xuất kinh doanh và đảm bảo ổn đinh kinh tế vĩ mô, duy trì sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, nên duy trì ổn định các thể chế/chính sách nhằm tiếp sức doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước. Thay đổi chính sách nếu có, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cần tránh việc thay đổi các sắc thuế, nhất là thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người dân, ít nhất trong giai đoạn cần phục hồi tăng trưởng. Sự điều chỉnh liên tục gây bất ổn cho môi trường pháp lý, thể chế và kinh doanh sẽ tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.

Bài 3: Doanh nghiệp gỗ mong sớm được hoàn thuế VAT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm