Chống khai thác IUU, phát triển bền vững kinh tế biển - Bài 2: Chuyển biến rõ nét
Xây dựng Tràng An xứng tầm di sản thế giới - Bài 1: Nơi hội tụ những giá trị đặc biệt / Xây dựng Tràng An xứng tầm di sản thế giới - Bài 2: Phát huy giá trị của di sản
Qua đó làm chuyển biến tích cực việc chấp hành pháp luật của ngư dân, các khuyến nghị của EC đã và đang được khắc phục một cách cơ bản.
Từ nhận thức đến hành động
Nhiều năm trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (thôn 4, xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) làm nghề đi biển, đánh bắt tự do, hoạt động không theo vùng. Từ khi được cán bộ Đồn Biên phòng Kim Sơn tuyên truyền về quy định phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, quy định xử phạt việc xâm phạm vùng biển nước ngoài, sử dụng điện để khai thác hải sản…, ông Cường đã nhận thức sâu sắc hơn về những hệ lụy của việc đánh bắt khai thác hải sản trái phép, không theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Cường cho biết, khi được cán bộ Biên phòng tuyên truyền về quy định phòng, chống khai thác IUU, ngư dân trên địa bàn nghiêm chỉnh chấp hành theo đúng pháp luật và hướng dẫn của Bộ đội Biên phòng và cơ quan chức năng. Từ đánh bắt tự do, hoạt động không theo vùng, giờ đây khi được tập huấn, hướng dẫn của chính quyền và các cơ quan chuyên môn, ngư dân và các chủ tàu khai thác thủy sản tại Ninh Bình nghiêm túc thực hiện quy định trong khai thác thủy sản như: sơn màu sơn theo kết cấu tàu, đánh bắt trong vùng biển theo quy định và tuân thủ quy trình pháp lý với lực lượng Bộ đội Biên phòng...
Tại Nam Định, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, hoạt động quản lý các đội tàu đã từng bước đi vào nề nếp; nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU đã có chuyển biến rõ rệt.
Để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt dài ngày, anh Trần Thanh Hùng, thuyền trưởng tàu cá NĐ-52350 đã mang theo đầy đủ giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản, nhật ký khai thác thủy sản… đến Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định, đặt tại Cảng cá Ninh Cơ, huyện Hải Hậu, để làm các thủ tục rời cảng. Anh Hùng cho biết, nhờ sự tuyên truyền của các ngành chức năng, anh và các ngư dân trên tàu đã ý thức rõ được trách nhiệm của mình trong quá trình đánh bắt. Tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và luôn bật định vị trong quá trình đánh bắt, phân công người ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ, đặc biệt là không vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Với chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), từ đầu năm 2024 đến ngày 20/5, Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định đã kiểm tra trên 1.100 lượt tàu thông báo cập cảng, rời cảng; giám sát tại cảng cá Ninh Cơ và cảng cá Thành Vui 253 lượt tàu với sản lượng khai thác trên 410 tấn; giám sát theo nhật ký khai thác với 870 lượt tàu với sản lượng trên 1.230 tấn; thu trên 1.100 nhật ký và báo cáo khai thác thủy sản tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn.
Bà Cao Thị Nga, Trưởng Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua, nhận thức của ngư dân về khai thác IUU được nâng lên, ngư dân đã chấp hành khai báo trước khi rời, cập cảng, ghi nộp nhật ký khai thác. Hoạt động sản xuất của đội tàu trong tỉnh ổn định, từng bước nâng cao nhận thức của ngư dân về nghề cá có trách nhiệm. Tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản đã giảm đáng kể. Đặc biệt là không có tàu cá của tỉnh Nam Định vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc bị nước ngoài bắt giữ. Đến ngày 15/5, số tàu cá Nam Định từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 533/542 tàu, đạt 98,34%. Chín tàu còn lại chưa lắp thiết bị giám sát hành trình do ngừng hoạt động, nằm bờ, chưa hoạt động, giải bản.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, đến ngày 30/6, toàn tỉnh có 706 tàu cá đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản đã đăng ký, nhập vào phần mềm Dữ liệu tàu cá quốc gia VnFishbase với tổng công suất trên 101.000KW. Sáu tháng đầu năm 2024 tại cảng cá Cửa Lân (cảng loại II) có trên 4.400 lượt phương tiện đủ điều kiện xuất, nhập cảng; tổng số báo cáo, nhật ký khai thác, nhật ký thu mua đã nộp là trên 1.650 báo cáo; tổng sản lượng khai thác thủy sản qua cảng đạt gần 2.100 tấn, chủ yếu là ngao với 1.775 tấn.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của người dân về chống khai thác IUU, 6 tháng đầu năm 2024, Sở tham mưu tổ chức 8 đoàn kiểm tra tại địa phương, qua đó kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU. Đặc biệt, sau kết luận Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào tháng 1/2024, tỉnh Thái Bình tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, khắc phục các hạn chế nhằm ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng tàu cá còn tiếp tục vi phạm chống khai thác IUU.
Qua theo dõi trên hệ thống Giám sát tàu cá VMS, các lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình đã tiến hành xác minh, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 4 tàu cá do không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng, thu nộp ngân sách nhà nước 100 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện, hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 46 vụ/46 đối tượng, số tiền trên 450 triệu đồng…
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên công tác chống khai thác IUU ở 3 địa phương khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, việc quản lý các cảng cá, bến cá chưa đủ điều kiện hoạt động tại địa phương chưa chặt chẽ, nhất là tại khu vực chưa có cảng, số lượng bến cá tự phát chưa được quản lý còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ chứa chấp tàu bất hợp pháp trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, ý thức chấp hành các quy định về khai thác IUU của ngư dân tại một số nơi còn hạn chế. Tình trạng tàu cá của các địa phương hoạt động sai nghề, sai vùng còn diễn ra khá phổ biến, chưa kiểm soát được 100% tàu cá xuất, nhập bến. Một số tàu cá không đủ thủ tục, không vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, trốn tránh kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng để ra biển hoạt động khai thác thủy sản...
Đây cũng là thực trạng của hai tỉnh Thái Bình, Ninh Bình. Ông Nguyễn Quang Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình cho biết, mặc dù được đánh giá là địa phương thực hiện nghiêm túc và kịp thời các quy định về chống khai thác IUU, song công tác này còn gặp một số bất cập, vướng mắc. Nguyên nhân chính là phần lớn tàu cá của tỉnh đều là những tàu có chiều dài, công suất nhỏ, hoạt động ở vùng lộng và vùng ven bờ, neo đậu tại các luồng lạch. Do không có cảng cá nên việc quản lý các tàu này còn gặp khó khăn. Hải sản khai thác từ các tàu chủ yếu tiêu thụ nội địa, bán cho các vựa, thương lái nhỏ lẻ và không thực hiện được việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc khai thác. Ngoài ra, việc ghi nhật ký khai thác của ngư dân có lúc chưa chi tiết, rõ ràng theo đúng yêu cầu.
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thái Bình cho biết, trên địa bàn vẫn còn tình trạng một số tàu cá hoạt động sai vùng, vi phạm nhật ký khai thác, mất kết nối trên biển; tiến độ triển khai thực hiện hệ thống Phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT VN) tại cảng cá còn chậm. Ngoài ra, khó khăn của ngư dân Thái Bình hiện nay là tàu thuyền, công suất còn hạn chế, khó có thể vươn khơi bám biển dài ngày. Trong khi đó theo quy định, tàu có chiều dài từ 15m trở lên thuộc phạm vi đánh bắt vùng khơi với khoảng cách bờ từ 32 đến 47 hải lý. Do vậy, nhiều tàu trên 15m tại Thái Bình hiện nằm bờ do không đáp ứng các yêu cầu theo quy định chống khai thác IUU.
Ngư dân Nguyễn Duy Tú (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết, ông có 2 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên nhưng từ đầu năm đến nay phải thường xuyên nằm bờ. Nếu khai thác vùng khơi theo quy định thì mỗi chuyến ra khơi không đủ tiền dầu và các chi phí cho thuyền viên. Mặc dù khó khăn nhưng chấp hành quy định của Nhà nước và vì mục tiêu chung, ông Tú và nhiều bạn tàu khác đều nghiêm túc thực hiện.
Không chỉ vậy, hiện tỉnh Thái Bình chỉ có một cảng cá được công bố là cảng loại II (cảng cá Cửa Lân); cảng Tân Sơn do bồi lắng, chưa đủ điều kiện của cảng loại II. UBND tỉnh đã giao UBND huyện Thái Thụy khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện nạo vét luồng vào cảng cá, khu vực cảng và một số công trình trên cảng cá Tân Sơn, đảm bảo đủ điều kiện công bố mở cảng cá loại II.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc, các địa phương siết chặt hơn công tác quản lý tàu cá xung quanh việc đăng kiểm, cấp phép hoạt động; Kiểm tra, kiểm soát, tăng cường giám sát quản lý tàu cá, cập nhật chính xác vị trí neo đậu của những tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không cấp phép khai thác). Đặc biệt, các địa phương phối hợp quản lý việc ghi nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên biển theo đúng các khuyến nghị của EC. Bởi nếu không thực hiện nghiêm túc các quy định này, hành trình tháo gỡ “thẻ vàng”, giành “thẻ xanh” của Việt Nam sẽ càng khó khăn, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản cũng như uy tín, vị thế Việt Nam với quốc tế.
Bài cuối: Tái cơ cấu, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi