Xây dựng Tràng An xứng tầm di sản thế giới - Bài 1: Nơi hội tụ những giá trị đặc biệt
Lực lượng xung kích EVNCPC hoàn thành xuất sắc hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3 / Đến Đà Nẵng tái khám ung thư phổi, phát hiện huyết khối gây tắc động mạch thận
Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á này giờ đây không chỉ là một di sản thế giới xanh - sạch - đẹp, động lực chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình mà còn là mô hình để truyền cảm hứng, thúc đẩy việc bảo vệ, gìn giữ các tài sản quý báu của nhân loại. Tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục có nhiều đột phá trong bảo tồn và phát huy giá trị để Quần thể danh thắng Tràng An xứng tầm với danh hiệu Di sản thế giới. Phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết với chủ đề "Xây dựng Tràng An xứng tầm di sản thế giới".
Bài 1: Nơi hội tụ những giá trị đặc biệt
Ninh Bình là nơi địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, được tạo hóa ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo. Đặc biệt, Ninh Bình là địa phương duy nhất ở Đông Nam Á sở hữu Di sản kép Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Vùng đất này có sự kết hợp hài hòa của cảnh quan thiên nhiên kỳ thú với các di sản văn hóa giàu giá trị. Hiện Ninh Bình đang định vị là một trong những điểm đến của những kỳ quan di sản an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Danh lam độc đáo, đặc sắc
Quần thể danh thắng Tràng An có diện tích 12.252 ha, là một vùng ôm trọn nhiều di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của tỉnh Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư... Liên kết giữa các khu vực này là hệ sinh thái rừng đặc dụng Hoa Lư phủ xanh cả núi đá vôi, đất ngập nước và hệ thống sông, hồ, đầm. Tràng An không chỉ là nơi kết hợp tinh hoa của thiên nhiên mà còn lưu giữ dấu tích người tiền sử và những nền văn hóa phong phú, giao thoa giữa quá khứ và hiện tại.
Lần tìm theo dấu địa chất, các nhà khoa học trong nước và quốc tế nhận xét Tràng An đặc sắc ở chỗ, nơi đây hàng chục nghìn năm bị biển xâm lấn, biến cải nhiều lần và nâng cao trở thành đất liền. Sự phát triển địa hình trong thời gian dài tạo ra cảnh quan tuyệt đẹp, đó là sự pha trộn giữa những ngọn núi dạng tháp có vách dốc đứng trong khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, bao quanh trũng, tạo ra thung lớn, sâu chứa nước thông với nhiều hang động và sông suối ngầm có thể đi lại bằng thuyền.
Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ được biết đến là danh lam độc đáo, đặc sắc mà đặc biệt hơn, Tràng An còn là di sản văn hóa gắn liền quá trình quần tụ của con người trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Tràng An là địa điểm nổi bật trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới với những bằng chứng cho thấy cách con người tương tác với cảnh quan thiên nhiên và thích ứng những thay đổi quan trọng về môi trường kéo dài hơn 30 nghìn năm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các hiện vật tìm thấy khi khai quật hơn 30 di tích khảo cổ trong khu vực Quần thể danh thắng Tràng An minh chứng cho lịch sử chiếm cư và quá trình sử dụng đất, sử dụng biển của con người trước sự biến động khắc nghiệt của môi trường tự nhiên từ 30 nghìn năm cho đến nay với 3 giai đoạn, gắn liền các thời điểm trước, trong và sau biển tiến.
Không chỉ là chốn linh thiêng với nhiều đền đài, miếu mạo, Tràng An còn là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Ngược dòng lịch sử về nhà Lý, Quốc sư Nguyễn Minh Không đã chọn Bái Đính làm nơi tu hành, dựng chùa tu Phật và hành lễ cầu độ chúng sinh, làm cho vùng Hoa Lư - Bái Đính trở thành trung tâm Phật giáo nước ta vào thế kỷ thứ X.
Cùng với sự phát tâm, công đức xây dựng của nhiều thế hệ người Việt, ngày nay, chùa Bái Đính tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn có diện tích 700 ha với nhiều công trình kiến trúc Phật giáo đồ sộ, độc đáo, xác lập kỷ lục như: Chùa là trung tâm văn hóa tâm linh lớn nhất Đông Nam Á; Chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất châu Á; Chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á; Chùa có tháp xá lợi Phật cao nhất châu Á và tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình chia sẻ, Quần thể danh thắng Tràng An như là dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan cũng như giữa thiên nhiên và con người, tạo nên sự kết nối, giao thoa hài hòa thành không gian cảnh quan, văn hóa thăng hoa. Nó chứa đựng trong mình những dấu mốc vàng son của lịch sử và truyền thống dân tộc, nơi che chở kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X và là hành cung của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII. Cùng với đó là rất nhiều di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng, tất cả điều này hòa quyện cùng các giá trị thiên nhiên, văn hóa độc đáo xác định nên những giá trị nổi bật toàn cầu.
Điểm đến của những cảnh quan kỳ thú
Quần thể Danh thắng Tràng An là một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, bao gồm 3 khu vực: Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Di tích Lịch sử văn hóa đặc biệt Cố đô Hoa Lư và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Trong đó, danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động là kỳ quan được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Khu danh thắng này được kết hợp từ hai di tích quốc gia là Khu danh thắng Tam Cốc - Bích Động rộng 350 ha và Khu danh thắng Tràng An rộng 1.949 ha với quần thể sông nước, các hang động và đền, chùa.
Danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động bao gồm 50 hang khô và 50 hang ngập nước, rất đa dạng về hình thái và chủng loại. Đáng chú ý là các hang động ở đây thường tập trung thành từng cụm, có liên hệ mật thiết với nhau. Trong mỗi hang, hiện tượng hòa tan và lắng đọng của đá vôi đã tạo nên hệ thạch nhũ muôn màu, muôn vẻ...
Trong khu vực này, những cảnh quan thiên nhiên như dòng sông Ngô Đồng cùng các hang động, núi non kết hợp hài hòa với các công trình kiến trúc thể hiện sự tài hoa, khéo léo của con người như đền Thái Vi và chùa Bích Động tạo nên cảnh quan đẹp kỳ thú.
Các kiến trúc ở đây chủ yếu dựa vào vách đá, hang động, tạo thành một khối thống nhất, vững chắc khiến nơi này được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, cảnh quan tháp karst (tháp đá vôi) Tràng An khiến nơi này được ví như một “Hạ Long trên cạn” với vẻ đẹp tráng lệ được tạo nên bởi hệ thống núi đá muôn hình vạn trạng soi bóng xuống dòng sông, suối nhỏ quanh co, uốn lượn nối liền các hang động và thung lũng hoang sơ giúp nơi đây trở thành một trong những khu vực đẹp và ngoạn mục nhất thuộc loại này trên thế giới.
Hòa vào vẻ đẹp của cảnh quan tháp karst là thảm rừng nguyên sinh dày, bao phủ các vách đá, những ngọn núi hùng vĩ, ngôi chùa, đền, miếu ẩn mình bên vách đá với mái ngói cổ rêu phong, thâm trầm, tạo nên một yếu tố văn hóa bình dị, kín đáo, hài hòa với cảnh quan non nước hữu tình. Khu vực di sản quần thể danh thắng Tràng An hiện còn có hơn 400 di tích, gồm có: đình, chùa, đền, miếu, phủ, bia, lăng mộ, điện, nhà cổ... Đặc biệt là hơn 30 di tích khảo cổ hang động, mái đá; trong đó có 57 di tích đã được nhận diện và xếp hạng gồm: 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh.
Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hậu, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nơi đây là vùng đất có cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục mà tạo hóa đã khéo léo tạo nên với sự kết hợp hài hòa của các yếu tố tự nhiên: rừng núi, hang động, đồng ruộng, sông nước. Các dãy núi đá vôi kế tiếp nhau, kết hợp với sông nước tạo nên cảnh quan sinh động, kỳ thú xen lẫn khung cảnh núi non là làng mạc, thôn xóm và các di tích lịch sử hòa quyện nhau. Quần thể danh thắng Tràng An là di sản kép trong hệ thống di sản quốc gia và thế giới mang đậm bản sắc cảnh quan thiên nhiên và văn hóa Việt, chứa đựng nhiều giá trị về không gian kiến trúc cảnh quan.
Bài 2: Phát huy giá trị củadi sản
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh