Chuyển đổi năng lượng là thách thức lớn trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
Lãnh đạo Đà Nẵng nói gì về sự 'đổ bộ' của 5 chuyên cơ tỷ phú Gulfstream? / Chính thức đưa vào vận hành cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia từ 1/10/2024
Cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng
Kết quả thực địa cho thấy, dù có nhiều tổ chức, công ty tư vấn tiếp cận nhưng doanh nghiệp vẫn khó đưa ra các lựa chọn cụ thể do các tổ chức, công ty tư vấn hoạt động không đồng nhất, giá tư vấn và hình thức tư vấn cũng có sự khác biệt và chênh lệch.
Trong đó, chuyển đổi năng lượng là thách thức lớn đối với quá trình các doanh nghiệp chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Nền kinh tế xanh đòi hỏi sự chuyển đổi lớn trong cách sản xuất, phân phối và tiêu thụ năng lượng, do đó cần nguồn lực đầu tư rất lớn.
Theo đánh giá của Đại sứ quán Đan Mạch, ngành công nghiệp ở Việt Nam chiếm khoảng 50% tổng tiêu thụ năng lượng. Tỷ lệ này được dự báo sẽ duy trì trong nhiều năm tới. Nhiều dẫn chứng chỉ ra Việt Nam có tiềm năng cao trong cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng (EE - Energy Efficiency). Điển hình như các dự án thường xuyên được triển khai với sự hỗ trợ từ quốc tế, có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn và thời gian hoàn vốn ngắn.
Chẳng hạn như chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch nhằm nâng cao hiệu suất ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong năm 2015 - 2017, đã triển khai 65 dự án sử dụng năng lượng hiệu quả, có tiềm năng tương đối lớn và thời gian hoàn vốn từ ngắn đến rất ngắn. Dựa trên cơ sở đó, đề xuất cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng là một cách hiệu quả về mặt chi phí làm giảm lượng phát thải CO2.
Tuy nhiên, thông tin về các biện pháp kỹ thuật này chưa được nhiều doanh nghiệp biết và tổ chức thực thi. Trong một số lĩnh vực, hiệu suất sử dụng năng lượng là một cấu phần chi phí đáng kể. Cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng là biện pháp hàng đầu để chuyển đổi xanh cho nhiều doanh nghiệp. Một số dấu hiệu cho thấy các nhà quản lý công nghiệp ngày càng nhận thức được sự cần thiết phải cải thiện yếu tố này.
Các giải pháp liên quan đến khu công nghiệp xanh, khu sinh thái xanh, nhà máy xanh cũng chưa được phổ biến và doanh nghiệp còn thiếu kênh thông tin để tiếp cận. Một số doanh nghiệp chia sẻ việc đi tiên phong trong xây dựng các nhà máy và chuẩn hóa quy trình theo các tiêu chuẩn quốc tế đem lại lợi thế cho doanh nghiệp trong xuất khẩu nhưng số doanh nghiệp này chưa nhiều vì thiếu thông tin và chi phí cao trong quá trình chuẩn hóa.
Còn theo đánh giá của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về tiêu chuẩn “công trình xanh”, đến thời điểm hiện tại, các văn bản pháp luật quy định các tiêu chí là cơ sở đánh giá về công trình xanh phục vụ cho công tác quản lý nhà nước vẫn chưa đầy đủ. Trên thực tế, việc đánh giá một công trình đáp ứng các tiêu chí “công trình xanh” vẫn còn mang tính “tự phát” từ các chủ đầu tư dự án.
Tại Việt Nam đang tồn tại song song các bộ tiêu chí đánh giá “công trình xanh” gồm: hệ thống đánh giá “Công trình xanh” của Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Bộ tiêu chí “Kiến trúc xanh” của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hệ thống đánh giá công trình xanh theo tiêu chuẩn LEED, LOTUS, EDGE, Green Mark, HQE, DGNB, Fitwell, Well. Các quy định liên quan đến tiêu chuẩn “công trình xanh” còn nằm rải rác trong các Quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam, chưa mang tính hệ thống và đầy đủ.
Hỗ trợ doanh nghiệp các giải pháp giảm khí thải nhà kính
Việc thiếu khung pháp lý có tính hệ thống và đầy đủ về các tiêu chuẩn đánh giá “công trình xanh” không những gây ra khó khăn trong công tác quản lý của nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn thiếu cơ sở để cơ quan, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các dự án công trình xanh như tài chính xanh, trái phiếu xanh…
Kết quả khảo sát một số doanh nghiệp nằm trong danh sách ban đầu 1.912 cơ sở bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (ban hành kèm Quyết định số 01/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy sự lúng túng vì chưa biết doanh nghiệp mình nằm trong danh sách bắt buộc thực hiện kiểm kê (67/69 doanh nghiệp ngành giấy và nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên chưa biết doanh nghiệp mình nằm trong danh sách, hay doanh nghiệp ở quy mô lớn nhất mảng sản xuất dây cáp điện tại Việt Nam cũng chưa biết mình nằm trong danh sách dù Quyết định ban hành đã 2 năm). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chưa biết cần phải tuân thủ và thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính như thế nào.
Đây chính là lý do tại sao hầu hết doanh nghiệp được khảo sát đều kiến nghị cần có sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý về cách thức đo đạc, kiểm kê và lập báo cáo phát thải khí nhà kính, dù các Bộ hữu quan đã ban hành các thông tư liên quan; đồng thời, doanh nghiệp cũng đề nghị được hỗ trợ kiến thức của các bên tư vấn về cách thức thiết lập chiến lược, và xây dựng lộ trình chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững sau quá trình kiểm kê.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp phản ánh về tình trạng thiếu hụt các thông tin hỗ trợ thực thi, tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Cơ quan Tiêu chuẩn quốc gia Vương quốc Anh (BSI Việt Nam) đã ban hành Sổ tay Hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính.
Sổ tay nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính để đăng kiểm, giúp các doanh nghiệp đáp ứng các quy định của pháp luật và các yêu cầu liên quan đến công bố thông tin về khách hàng và chuỗi cung ứng, cũng như giúp các doanh nghiệp bắt đầu hành trình hướng tới phát thải dòng bằng không. Do đó, cần đẩy mạnh kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chuyên gia quốc tế và trong nước với doanh nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các hướng dẫn, giải pháp liên quan đến kiểm kê khí thải nhà kính cũng như các giải pháp giảm phát thải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo