Tin tức - Sự kiện

Có cơ chế đặc thù, các địa phương phải đạt được gì trong 5 năm tới?

Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề khi thảo luận tại tổ sáng 23/10 về cơ chế chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An và Thừa Thiên Huế.

Tổng kinh phí chi phòng, chống dịch COVID-19 là 30,85 nghìn tỷ đồng / Ngày 21/10: Có 3.636 ca mắc COVID-19 tại 50 tỉnh, thành; 1.541 bệnh nhân khỏi

Cơ chế, chính sách cần trọng điểm

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng, chính sách đưa ra tạo động lực cho địa phương phát triển, nhưng địa phương cũng phải có trách nhiệm trở lại.

“Tôi thấy đánh giá tác động chưa rõ, cho cơ chế này thì sau 5 năm anh đạt được cái gì. Có mục tiêu để đánh giá chính sách tác động đến địa phương, đến cơ sở thế nào. Anh phải có trách nhiệm với ngân sách Nhà nước. Địa phương nào dám mạnh dạn đề xuất tôi có cơ chế này thì sẽ không nhận đầu tư của Trung ương, thậm chí đóng góp tăng lên cho ngân sách Trung ương thì khuyến khích, cần có cơ chế đặc thù” - ông Tạ Văn Hạ nói và nhấn mạnh cần có chế tài trách nhiệm để sau này tổng kết, đánh giá trách nhiệm thuộc về ai phải rõ ràng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục. Ảnh: Quốc hội

Là người theo dõi sát quá trình đề xuất các cơ chế, chính sách cho 4 tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thông tin thêm, cần phân biệt cơ chế chính sách đặc thù tạo động lực và cơ chế chế chính sách đặc thù khác nhau giữa các địa phương (được Thường vụ Quốc hội giải quyết qua chi thường xuyên và chi đầu tư nhằm tạo sự bình đẳng giữa các vùng miền).

Chúng ta đặt mục tiêu phát triển kinh tế vùng thì phải có động lực phát triển và việc tạo cơ chế đặc thù cho các địa phương, trong đó có Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế là bước để cụ thể hoá, nhằm tạo động lực phát triển.

Đồng quan điểm phải có đánh giá tác động trong 5, 10 năm tới các tỉnh, thành này sẽ đạt được gì, như có tự cân đối được ngân sách, đóng góp được ngân sách hay không, nhưng ông Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, phải “cho cái gì để người ta có thể vượt lên được, đủ dài, đủ mạnh”. Những chính sách đang được đề xuất cũng mới giải quyết được từng bước, cho cơ chế tương đối nhưng cần trọng điểm.

Đánh giá kỹ hơn việc chuyển đổi đất rừng

Ở góc độ khác, đại biểu Vương Quốc Thắng (đoàn Quảng Nam) nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển KTXH phải dựa trên 3 trụ cột: Cơ chế chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao và động lực khoa học công nghệ. Tuy vậy, ông thấy các tỉnh mới chỉ đề xuất liên quan cơ chế chính sách tài chính, ngân sách, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... mà chưa đề cập đến nhân lực và khoa học công nghệ.

 

“Các tỉnh nên đề xuất vì mỗi lần xây dựng được cơ chế chính sách đặc thù cũng khó khăn. Nhiều nước có động lực phát triển đều quan tâm có nguồn nhân lực chất lượng cao, từ lãnh đạo quản lý đến doanh nhân, người lao động. Nước ta thu hút tốt FDI nhưng không phải cứ dựa mãi nhân công giá rẻ, ưu đãi đầu tư mà cần thiết có chuyển dịch nghiên cứu, nâng hệ sinh thái khoa học công nghệ” – ông Thắng nói.

Đại biểu Nguyễn Công Long phát biểu tại tổ sáng 23/10. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Công Long phát biểu tại tổ sáng 23/10. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) hy vọng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo cú hích và động lực phát triển mạnh mẽ cho địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Ủng hộ cơ chế đặc thù về đất đai, song ông Long băn khoăn về tác động của chính sách trong thời gian dài chứ không chỉ trong 5 năm thí điểm.

“Ví dụ việc chuyển đổi đất rừng tác động thế nào đến môi trường thì trong 5 năm khó có thể đánh giá được. Vì vậy, cơ chế về đất đai, đặc biệt đất rừng, cần đánh giá kỹ hơn”, đại biểu tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết, nhiều người quan ngại vấn đề môi trường khi trao quyền cho địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất mà trước đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Song nhìn ở một khía cạnh khác, ông Lâm đánh giá cần mạnh dạn thí điểm vì đây là bước đầu trong việcủy quyền, phân cấp cho địa phương để đơn giản thủ tục hành chính, bởi thực tế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các địa phương hiện nay thủ tục rất rườm rà, phức tạp, làm chậm quá trình triển khai.

Ủng hộ theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, song đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) mong muốn tập trung vào thí điểm cho cơ chế thực hiện thay vì vấn đề về sử dụng đất đai hay các nguồn thu. Quan trọng là làm sao từng địa phương có cơ chế tốt để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt được thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đại biểu đề xuất quan tâm đến vấn đề bộ máy, có cơ chế tăng thu nhập để thu hút người tài vì đó mới là dư địa bền vững và có thể nhân rộng cho cả nước.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm