Cuối năm 2019, cấp đổi bằng lái xe, đấu giá biển số xe qua mạng
Xe khách lao vào chân cầu vượt trên quốc lộ 5 làm 12 người bị thương / Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Bắt đầu bàn nhân sự rồi, phải hết sức cảnh giác
Ngày 22/3, VPCP phối hợp cùng Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia tổ chức hội thảo “định danh và xác thực điện tử trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số”.
Không chờ đầy đủ dữ liệu quốc gia về dân cư
"Những gì mà người dân, doanh nghiệp cần nhất thì sẽ làm trước, chúng ta không làm đồng loạt nhưng sẽ thí điểm 1-2 dịch vụ trọng tâm, trọng điểm trước. Muốn vậy, phải xây dựng mã định danh điện tử vì nếu không xây dựng sẽ không làm được", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu.
Theo ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, định danh và xác thực điện tử rất quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt trong phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, việc xây dựng mã số định danh là vấn đề rất khó nhưng nếu không làm sẽ không xây dựng được Chính phủ điện tử.
Thực tế ở Việt Nam, cá nhân, tổ chức đang có nhiều định danh mã số như có hơn 82 triệu người có mã số bảo hiểm y tế, 4 triệu người có mã số bảo hiểm xã hội. Nhiều người cũng đã có mã số thuế, mã số gửi tiền ngân hàng, trong khi lại thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại một hệ thống, một cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công, việc định danh và xác thực phần lớn được thực hiện đơn giản thông qua tài khoản và mật khẩu. Do đó, sẽ không đủ bảo đảm định danh xác thực.
“Một yêu cầu đặt ra là làm sao tận dụng mã số đã có nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin cá nhân, đảm bảo định danh xác thực trong giao dịch”, ông Dũng nhấn mạnh và cho biết, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là làm ngay, làm nhanh về vấn đề định danh cá nhân không chờ đầy đủ dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ trưởng nhấn mạnh, “Chính phủ khuyến kích đổi mới sáng tạo trong hoạt động triển khai các dịch vụ công trực tuyến”.
Chưa có cơ chế xác thực định danh người sử dụng bảo đảm an toàn
Theo VPCP, trên thế giới, việc triển khai định danh và xác thực điện tử vẫn đang ở giai đoạn đầu. Tùy theo điều kiện thể chế, cơ sở hạ tầng công nghệ và dữ liệu, yếu tố văn hóa và con người, mỗi quốc gia sẽ nghiên cứu, lựa chọn một mô hình để phát triển định danh và xã thực điện tử phù hợp nhất với thực tiễn của mỗi quốc gia.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Nhật Bắc
Nghị quyết 17 của Chính phủ đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo cụ thể xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số phải “gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức”.
Việc hoàn thiện thể chế về định danh và xác thực điện tử là một giải pháp để đẩy mạnh các hoạt động giao dịch điện tử mà vẫn bảo đảm các vấn đề về quyền riêng tư, tính chính xác, minh bạch, khả năng kiểm soát, trách nhiệm giải trình và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, hiện hầu hết giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước và người dân doanh nghiệp trên các cổng dịch vụ công chưa có quy định thống nhất, chưa có cơ chế xác thực định danh người sử dụng đảm bảo an toàn.
Giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước chưa có quy định cụ thể về định danh và xác thực điện tử. Giao dịch điện tử trong khu vực tư đã có quy định về đảm bảo an toàn cho giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực, tuy nhiên, chưa có quy định tổng thể chung về định danh và xác thực điện tử để tham chiếu…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nghe chia sẻ về các mô hình định danh và xác thực điện tử đang được triển khai tại một số quốc gia như Estonia, Singapore, Thái Lan, Đan Mạch, kinh nghiệm cũng như các thách thức đang gặp phải khi triển khai thực hiện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo