Đa dạng hải sản khô phục vụ Tết Giáp Thìn
Thu hút phát triển hạ tầng thương mại biên giới và logistics / Dự báo thời tiết ngày 9/1/2024: Hà Nội hửng nắng trước khi đón không khí lạnh
Với ngư dân làng biển, mực, tôm khô, các loại cá khô là những món ăn đặc sản bán chạy nhất vào dịp Tết. Những ngày này, tranh thủ trời có nắng to và gió mạnh, bà Lê Thị Hoa (thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải) cùng người nhà đang khẩn trương sơ chế, phơi những mẻ mực bên bờ Đầm Nại để kịp giao cho khách hàng. Mực tươi sau khi câu lên sẽ được phân loại, lựa những con to, thân dày, thịt trắng, rửa sạch sẽ rồi phơi trên vỉ lưới cao tầm 3 - 4 giờ nắng khi đạt độ khô 70 - 80% thì mực được cho vào túi hút chân không, sau đó đưa vào tủ lạnh bảo quản ở nhiệt độ khoảng 15°C; hoặc phơi mực thêm 3 - 4 nắng để làm mực khô.
Bà Hoa chia sẻ, mực tươi nên chỉ cần rửa với nước sạch, khi phơi phải căn đủ thời gian nắng để mực khô giữ được vị dai, ngon đặc trưng. Tùy chất lượng, kích cỡ, như mực một nắng loại 1 hiện có giá dao động từ 900.000 - hơn 1 triệu đồng/kg, mực khô có giá dao động từ 400.000 - 1 triệu đồng/kg. Hiện nay, nhiều khách hàng từ các nơi đã gọi điện đặt hàng Tết, mỗi ngày gia đình bà Hoa bán hàng chục kg mực và cá khô các loại.
Cách đó không xa, chị Ngô Thị Thanh Huyền, chủ một cơ sở chuyên kinh doanh mặt hàng hải sản cũng đã chuẩn bị đầy hai tủ cấp đông cỡ lớn chứa các loại hải sản tươi, dạng khô đóng gói hút chân không và dạng chế biến sẵn. Để làm hải sản khô thơm ngon, chị Huyền cho biết cá phải rửa thật sạch, người ướp muối phải có kinh nghiệm để cho ra mẻ khô vừa ăn, không quá mặn mà cũng không quá nhạt.
Chị Huyền chia sẻ: "Các loại hải sản tươi mua về chế biến ngay, làm sạch sẽ rồi phơi nắng. Ở nhà ăn sao thì bán cho khách y như vậy. Các mặt hàng được bán vào TPHồ Chí Minh, bán sỉ lẻ trong tỉnh, các tỉnh ngoài Bắc và qua mạng xã hội, ai đặt mua sẽ giao hàng tận nơi".
Các mặt hàng hải sản khô có nhiều mức giá khác nhau, như ốc móng tay khô đang được cơ sở chị Huyền bán với giá 300.000 đồng/kg, cá nhồng có giá 220.000 đồng/kg, mực khô từ 250.000 đồng/kg trở lên tùy loại, riêng mực một nắng size 5 -7 con/kg có giá 950.000 đồng/kg, cá đỏ giá 280.000 đồng/kg, tôm khô giá từ 650.000 -850.000 đồng/kg, cá cơm giá 100.000 đồng/kg. Giá các mặt hàng sẽ thay đổi tùy theo thời điểm.
Những ngày này, đến các địa phương ven biển ở Ninh Thuận dễ dàng bắt gặp hình ảnh các giàn tre, nứa phơi cá biển, mực với mùi hương lan tỏa đặc trưng. Bà Trần Thị Lan (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang -Tháp Chàm) chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh các mặt hàng hải sản cho biết, những tháng cuối năm 2023 biển động nên cá, mực từ các tàu khai thác về ít hơn so với mọi năm. Dự đoán nhu cầu tiêu dùng của người dân vào dịp Tết tăng cao nên cơ sở đã chủ động tìm nguồn hàng hải sản đảm bảo để cung cấp cho các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Dịp Tết năm nay, cơ sở của bà Lan dự kiến đưa ra thị trường khoảng 3 tấn mực, tôm khô và cá khô các loại.
Còn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán, theo ghi nhận của phóng viên hiện nay tại các chợ ở Ninh Thuận các mặt hàng hải sản khô phục vụ Tết cũng đã được các tiểu thương bắt đầu nhập về khá nhiều. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như: mực khô, cá khô, tôm khô, năm nay các sản phẩm hải sản được chế biến sẵn như: mực tẩm gia vị, cá chỉ vàng tẩm gia vị, cá bò tẩm, cá mai rim, ruốc sấy,... đáp ứng nhu cầu ăn liền, làm quà tặng ở dạng lon, túi, hộp nhựa với nhiều kích cỡ khác nhau cho khách hàng lựa chọn.
Vùng biển Ninh Thuận được xác định là một trong 4 ngư trường lớn của cả nước với nguồn lợi hải sản phong phú. Năm 2023, ngư dân tỉnh Ninh Thuận khai thác ước đạt trên 131.000 tấn hải sản, vượt 6,1% kế hoạch. Cùng với hoạt động đẩy mạnh khai thác, chế biến hải sản ở các địa phương ven biển như huyện Ninh Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, huyện Thuận Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều cơ sở, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư tàu thuyền, nhà xưởng, hệ thống kho cấp đông, máy móc để sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm hải sản cung cấp cho thị trường.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết, nhất là đối với sản phẩm hải sản khô, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường tuyên truyền, thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, cửa hàng, chợ để kịp thời phát hiện, xử lý đối với những trường hợp vi phạm để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo