Tin tức - Sự kiện

Đà Lạt: Đã đến lúc Khu trung tâm Hoà Bình khoác áo mới

DNVN – LTS: Đồ án quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình Đà Lạt đã được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và trưng bày công khai tại Nhà triển lãm TP. Đà Lạt. Sự kiện này ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng và báo chí cả nước.

Doanhnghiepvn.vnxin đăng tải “Một góc nhìn” về Đồ án quy hoạch của tác giả Hoài Trung - người đã gắn bó với TP. Đà Lạt gần 37 năm - chứng kiến bao đổi thay của thành phố đáng yêu này.

Nhìn từ thực tiễn

Chuyện xây dựng, chỉnh trang khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt được đặt ra cách đây khá lâu. Tuy nhiên, quy hoạch như thế nào? Chỉnh trang ra sao? Phương án giải pháp tiến hành vẫn còn khá mơ hồ trước đó. Nói như thế để thấy đây là ý chí của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trước sự phát triển của Đà Lạt.

Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu trung tâm Hoà Bình Đà Lạt (Ảnh: TL)

Đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu trung tâm Hoà Bình Đà Lạt (Ảnh: TL)

Thực tế không phủ nhận, diện mạo khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt như chiếc áo xộc xệch nhiều mảnh vá, không gian tù túng, nhếch nhác, có chỗ rất tồi tàn, thiếu văn minh đô thị; thêm vào đó sự phát triển “thiếu kiểm soát” một thời “vì chén cơm manh áo” đã phá vỡ không gian cảnh quan đô thị.

Một trung tâm, trái tim thành phố, nơi hàng ngày có đến trên dưới chục ngàn người lui tới nhưng không nơi dừng đỗ xe đúng nghĩa. Một trung tâm thành phố hàng ngày cả ngàn phương tiện tham gia giao thông mà các con đường hầu hết đều bé nhỏ; phần lớn vỉa hè trở thành “cát cứ” của các hộ mặt tiền. Vì vậy, việc quy hoạch chỉnh trang không thể không làm.

Quy mô đồ án

Theo Đồ án, tổng diện tích quy hoạch khoảng 30 ha, phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm Nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi đến đầu đường Ba tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh (trước khách sạn TTC), đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước. Đồ án quy hoạch chia thành 5 phân khu:

 

- Phân khu I (Khu vực Chợ Đà Lạt - đường Nguyễn Thị Minh Khai): Quy mô diện tích khoảng 6,95 ha. Chức năng là khu vực Chợ truyền thống kết hợp với Quảng trường trung tâm (quảng trường hoa mang tính chất đặc trưng của Đà Lạt), khu phố đi bộ kết nối với trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm của phân khu I (được kết nối với khu đậu xe ngầm khu vực trung tâm thương mại Hòa Bình).

- Phân khu II (Khu trung tâm Hòa Bình): Quy mô diện tích khoảng 3,37 ha. Chức năng là khu trung tâm phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí, phục vụ cho người dân địa phương và khách du lịch. Trong đó bố trí các tầng hầm phục vụ dịch vụ thương mại và bãi đậu xe. Các tầng nổi từ 3 - 5 tầng có chức năng dịch vụ hỗn hợp, bố trí các công trình có kiểu dáng kiến trúc hiện đại, đặc sắc phù hợp với cảnh quan của khu vực.

- Phân khu III (Khu vực đồi Dinh): Quy mô diện tích khoảng 4,43 ha. Chức năng là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Dự kiến xây dựng công trình cao 10 tầng tạo điểm nhấn, phù hợp với cảnh quan khu vực.

Đồ án quy hoạch nhìn từ trên cao (Ảnh: TL)

Đồ án quy hoạch nhìn từ trên cao (Ảnh: TL)

 

- Phân khu IV (Khu vực chỉnh trang đô thị): Quy mô diện tích khoảng 9,19 ha. Chức năng là khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ cho người dân địa phương và du khách.

- Phân khu V (Khu vực ven hồ Xuân Hương): Quy mô diện tích khoảng 6,06 ha. Chức năng công trình dịch vụ - du lịch, lưu trú - khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương, kết nối với các phân khu chức năng trong khu vực quy hoạch (qua các tuyến đường Trần Quốc Toản, Phan Bội Châu, Lê Thị Hồng Gấm…).

Với quy mô trên cho thấy quy hoạch Trung tâm Hòa Bình Đà Lạt vừa kết hợp chỉnh trang và xây mới, mở ra không gian thoáng đãng, xứng tầm là một thành phố du lịch không thể so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển với tốc độ khá nhanh trong thời gian tới.

Luận giải di sản kiến trúc, lưu giữ ký ức, tầng cao

 

Một số ý kiến tỏ ý tiếc nuối rằng Đồ án quy hoạch đã phá bỏ di sản kiến trúc, lịch sử, nơi lưu giữ ký ức một thời của người dân Đà Lạt.

Chủ tịch UBND Phường 11 (TP. Đà Lạt) thể hiện quan điểm riêng: Cần xác định rõ khu Trung tâm Hòa Bình có hay không di sản kiến trúc, cái nào cần giữ thì giữ, cái nào không cần giữ thì thay cái mới phù hợp với sự phát triển.

Một người dân ở Đà Lạt (yêu cầu giấu tên) cũng có cái nhìn dứt khoát: Không phải công trình kiến trúc nào cũng gắn cho nó cái mũ di sản. Gọi là “Di sản” trước hết nó phải có những giá trị thật tiêu biểu về kiến trúc; thứ hai là có những giá trị đặc trưng về lịch sử; thứ ba là giá trị đặc trưng về văn hóa, nghệ thuật của dân cư địa phương, cao hơn nữa là đặc trưng của quốc gia, dân tộc, thậm chí đặc trưng của cộng đồng quốc tế.

Các công trình hiện hữu trong Đồ án này có hay không những giá trị đó? Nếu có thì phải giữ và bảo tồn, nếu không có thì thay lớp áo mới để trung tâm Đà Lạt đẹp hơn, văn minh, hiện đại hơn.

Một số quan điểm phải bảo tồn những nhà cổ, nhất là rạp 3 tháng 4 và Dinh tỉnh trưởng.Tuy nhiên, cần phải phân biệt rõ “nhà cổ” với “nhà cũ”. Nhà cổ là nhà cũ nhưng không đơn thuần là nhà cũ, mà lắng đọng trong nó là dấu ấn lịch sử, văn hóa, kiến trúc…

 

Ngay cả những căn nhà cổ “chính hiệu”, cũng cần nhận diện cho rõ cái nào có giá trị “đặc trưng”, “hiếm quý”? Nhà lâu năm, không có giá trị “cổ” thì “vương vấn” làm gì.

Đà Lạt có khá nhiều biệt thự cổ kiến trúc Pháp được quy hoạch gìn giữ như một “bảo tàng kiến trúc” khổng lồ trên đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, khu Biệt thự Lê Lai, biệt thự đường Nguyễn Du...

Có những kiến trúc cổ được xác định phải bảo tồn, như: Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Nhà thờ con gà, Ga Đà Lạt, khách sạn Palace... Hay có những di sản mang biểu tượng sống mãi với thời gian, như: Thủy tạ…

Vì vậy, ngoài những công trình kiến trúc, lịch sử cần gìn giữ thì nên cương quyết loại bỏ những công trình “quá hạn”, nếu khư khư “hoài cổ” thì làm sao có cái tân thời, hiện đại.

Rạp 3 tháng 4 hay còn gọi là Rạp Hoà Bình, một trong những công trình bị ảnh hưởng của đồ án quy hoạch (Ảnh: TL)

Rạp 3 tháng 4 hay còn gọi là Rạp Hoà Bình hiện tại (Ảnh: TL)

 

Ai đó nói rằng Rạp 3 tháng 4 là nơi lưu giữ ký ức một thời của người dân Đà Lạt. Điều này không sai, nhưng hãy hiểu rằng ký ức là dấu ấn của thời đã qua được lưu giữ trong bộ nhớ của con người. Ký ức là cái ta nhìn thấy bằng cảm xúc tâm hồn, vì vậy không ai tước đoạt được ký ức của ai. Chúng ta đều trân quý ký ức nhưng không có nghĩa là ôm ấp mãi ký ức để rồi tự biến mình thành kẻ dị mộng “bao giờ cho đến ngày xưa”...

Rõ ràng từ lý luận đến thực tiễn qua góc nhìn: Kiến trúc - công trình cổ - ký ức, thì Rạp 3 tháng 4 không hội đủ các yếu tố bảo tồn. Bởi, nguyên thủy của nó là một khu chợ cây (chợ được làm bằng cây), năm 1931 chợ bị cháy, năm 1933 chợ được xây dựng lại bằng vật liệu kiên cố.

Khi khu chợ mới Đà Lạt được xây dựng (chợ Đà Lạt ngày nay) thì vai trò “làm chợ” của “chợ cây” được thay thế bằng rạp phim, bao bọc hai bên là các dãy hàng buôn bán.

Sự thay đổi đó là đương nhiên trong sự vận động phát triển. Thế nên không lý gì buộc giữ lại rạp 3 tháng 4, một công trình mà dù nhìn ở góc độ nào cũng thiếu vắng giá trị đặc trưng.

 

Đối với Dinh tỉnh trưởng, có quan điểm cho rằng đó là di sản lịch sử. Vấn đề này cần phải được nhận diện nghiêm túc, vì một trong những tiêu chí để xác định di sản có giá trị lịch sử, phải đảm bảo rằng đó là nơi thờ tự cố nhân có công trong lịch sử đối với dân tộc, đất nước; hoặc đó là nơi gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu trong quá trình dựng nước và giữ nước; gắn với thân thế, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân; hay đó là nơi gắn với sự kiện lịch sử tiêu biểu của các thời kỳ cách mạng, kháng chiến.

Nếu Dinh tỉnh trưởng chỉ đơn thuần là nơi ở và làm việc của một người phía bên kia chiến tuyến, không biến cố “đặc biệt” nào được ghi trong dòng chảy lịch sử thì không thể gọi đó là “di sản lịch sử”. Và như thế chuyện bảo tồn, di dời, hay phá bỏ không đáng là vấn đề bàn cãi.

Một số ý kiến tỏ ý không đồng tình với việc quy hoạch khu dịch vụ khách sạn, thương mại cao 10 tầng ở đồi Dinh và cho rằng Đà Lạt không phải là TP.HCM hay Hồng Kông.

Đà Lạt không phải là TP.HCM, nhưng không có nghĩa Đà Lạt không được tạo cho mình một vài điểm nhấn kiến trúc cao tầng.

Đà Lạt không phải là Hồng Kông nhưng không có nghĩa là Đà Lạt không được quyền chọn lọc những gì tinh túy nhất của Hồng Kông trong quy hoạch không gian đô thị.

 

Hồng Kông, vùng lãnh thổ “núi lấn biển” có địa hình khá tương đồng với Đà Lạt. Hồng Kông có những công trình “chọc trời” tọa lạc ngay trên những mỏm núi cao, đỉnh đồi. Những công trình đó thực sự tạo nên những điểm nhấn rất ấn tượng về sự kỳ vĩ của nó khi ngắm nhìn ban ngày và rất lung linh, lộng lẫy khi chiêm ngưỡng về đêm.

Dinh tỉnh trưởng nằm trên đồi Dinh và vùng phụ cận xung quanh (Ảnh: TL)

Dinh tỉnh trưởng nằm trên đồi Dinh và vùng phụ cận xung quanh (Ảnh: TL)

Từ đó, thấy rằng chuyện khu nhà 10 tầng trên đồi Dinh không thể nói là không phù hợp với địa hình Đà Lạt.

 

Xin nói thêm rằng, khu đồi Dinh là nơi cao nhất khu Trung tâm TP. Đà Lạt, vì vậy công trình 10 tầng thậm chí nhiều tầng hơn nữa cũng không hề ảnh hưởng tầm nhìn.

Trung tâm Hòa Bình là điểm nhấn của thành phố thì khu đồi Dinh là điểm nhấn của khu trung tâm. Đã là điểm nhấn thì cần có sự khác biệt; một ngôi nhà cao tầng trong khối công trình 10 tầng tọa lạc trên một diện tích gần 4,5 ha chắc chắn sẽ làm nên điều khác biệt đó.

Thêm nữa, theo quy luật tầm nhìn, ngắm một công trình nằm trên đồi cao, nếu ở dưới chân đồi sẽ chẳng thấy gì; ngắm ở cự li xa hơn một chút thì công trình sẽ thấp hơn thực tế. Vì vậy, nếu chỉ giới hạn thấp tầng đối với khu khách sạn thương mại đồi Dinh thì không thể tạo nên sự khác biệt, độc đáo của Đà Lạt thời hiện đại.

Đây là vấn đề mà các nhà chức trách cần quyết định táo bạo, hợp thời.

Tôi là người tuy không sinh ra ở Đà Lạt nhưng yêu và gắn bó với Đà Lạt gần 37 năm, đã chứng kiến bao đổi thay của thành phố đáng yêu này. Tôi cho rằng, tất cả những góc nhìn trong những ý kiến trái chiều, những phản biện thời gian qua đều rất đáng trân trọng vì suy cho cùng tất cả đều muốn Đà Lạt đẹp hơn trong mắt mọi người.

 

Vì vậy, những luận bàn trên đây của tôi không nhằm phản biện mà đơn giản là bày tỏ một góc nhìn với nhận thức rằng, đã đến lúc, trung tâm Hòa Bình Đà Lạt phải khoác lên mình bộ áo mới lộng lẫy, đúng tầm, tạo điểm nhấn khởi đầu cho một lộ trình phát triển mới.


HOÀI TRUNG
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo