Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng sơ tán dân khẩn cấp tránh bão lũ

DNVN - Trước tình hình áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, các thủy điện ở thượng nguồn đang xả tràn... chiều 10/10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có Công điện 04/CĐ-UBND yêu cầu triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố đến nơi an toàn…

Dịch vụ ăn uống, lưu trú ở Đà Nẵng đang dần tăng trưởng trở lại / Đà Nẵng: 72,4% doanh nghiệp công nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh quý IV/2020 sẽ ổn định và tốt lên

Áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão; lũ trên sông Vu Gia, Cẩm Lệ tiếp tục lên

Bản tin lúc 14h30 ngày 10/10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay, hồi 13h ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 550km, cách Quảng Ngãi khoảng 520km, cách Bình Định khoảng 470km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 100km tính từ tâm ATNĐ.

Dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia về hướng di chuyển của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão

Dự báo lúc 14h30 ngày 10/10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia về hướng di chuyển của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão trong 12 giờ tới

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, suy yếu thành ATNĐ, sau đó là một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão, ở khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh.

Từ ngày mai 11/10, vùng biển từ Quảng Nam đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; biển động rất mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9; biển động.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo từ ngày 11 - 13/10, các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 500-700mm, có nơi trên 1000mm; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi từ 400-600mm; các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên từ 300-500mm. Ở Nam Hà Tĩnh và khu vực Bắc Tây Nguyên từ 200-300mm. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Đà Nẵng, do ảnh hưởng của tình hình nêu trên nên trong 24 giờ tới, tại Đà Nẵng tiếp tục có mưa to, mưa rất to và dông. Từ ngày 11/10, tình hình mưa lớn có diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. Trong 6 đến 12 giờ tới, lũ trên sông Vu Gia, Cẩm Lệ tiếp tục lên.

 

Ngoài ra, hiện nay, theo thông báo của chủ các hồ chứa thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia (Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương), các hồ này bắt đầu xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất vùng núi, ngập lụt lớn khu vực ven sông và vùng trũng thấp, đặc biệt là huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, ngập úng tại khu vực nội thành.

Sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân trong các nhà trọ, nhà tạm… đến nơi an toàn

Trước tình hình đó, chiều 10/10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có Công điện số 04/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ATNĐ, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương triển khai ngay phương án sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố đến nơi an toàn, hoàn thành trước 15h ngày 10/10/2020.

Tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là các nhà tạm chờ tái định cư. Tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản, nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè; có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản. Kiên quyết nghiêm cấm người dân, ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại trong những vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn.

Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống... và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

 

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu UBND các quận ven biển thông báo, yêu cầu các chủ phương tiện neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, khẩn trương tổ chức kéo tàu thuyền nhỏ, thuyền thúng lên bờ. UBND các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Thanh Khê làm việc với các đơn vị quân đội đề nghị hỗ trợ lực lượng để giúp dân kéo tàu công suất nhỏ lên bờ.

Bộ Chỉ huy Quân sự TP, Bộ Chỉ huy BĐBP TP, Công an TP Đà Nẵng được yêu cầu triển khai phương án PCLB, TKCN, PCCC trên địa bàn; bố trí đủ lực lượng, phương tiện tại các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm (đập An Trạch, Hà Thanh, 2 hồ chứa Đồng Nghệ và Hòa Trung; hỗ trợ Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng xử lý rác tại các cửa van thượng lưu đập dâng An Trạch).

Chủ động ứng phó với mưa lũ; phối hợp, hỗ trợ các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai sơ tán nhân dân, TKCN, khắc phục hậu quả thiên tai… Hỗ trợ phương tiện cứu nạn trên sông, ca nô… để sẵn sàng cứu nạn cho các vùng bị ngập lũ trên địa bàn huyện Hòa Vang và các địa phương bị ngập lụt.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng hợp công tác sơ tán nhân dân, báo cáo trước 17h ngày 10/10 và báo cáo công tác ứng phó và tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra về Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP trước 08h và 14h hàng ngày để kịp thời tổng hợp báo cáo Thành ủy, UBND TP.

Đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc thường trực với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP.

 

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm