Tin tức - Sự kiện

Đại tướng Tô Lâm: Đẩy mạnh điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng

Đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Công điện chỉ đạo ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt / Ngày 22/10: Có 3.985 ca mắc COVID-19 và 5.202 người khỏi bệnh, số tử vong giảm mạnh còn 55 ca

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ ngày 1/10/2020 – 30/9/ 2021) trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, chiều 23/10, Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2021 đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, bên cạnh kịp thời khởi tố điều tra, làm rõ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia thì công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.

Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quốc hội
Đại tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quốc hội

Tăng cường công tác nghiệp vụ, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý; nhất là trong đấu tranh với các vi phạm trong buôn bán các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%.

"Tuy nhiên, tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nhất là các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh COVID-19" - ông Tô Lâm nói.

Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, Đại tướng Tô Lâm cho biết số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%. Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng, đánh bạc, đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, ngăn chặn ma túy ngay từ khu vực biên giới, cửa khẩu. Số vụ mới được phát hiện giảm 0,41%, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia với số lượng lớn.

Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp

 

“Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao. Các cơ sở giam giữ được đảm bảo an ninh, an toàn, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ. Tuy nhiên, các vi phạm trong công tác điều tra, xử lý tội phạm dù đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Vẫn còn để đối tượng bị tạm giam, tạm giữ trốn, chết, phạm tội mới trong các cơ sở giam, giữ” – báo cáo cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; số vụ tạm đình chỉ điều tra còn tăng. Còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, công tác tạm giữ, tạm giam. Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực, nhưng việc xử lý chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được tăng cường tối đa cho công tác phòng, chống dịch dẫn tới thiếu hụt nhân lực cho các công tác thường xuyên.

Một số cán bộ thực thi pháp luật ý thức kỷ luật kém, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm