Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân tộc
Nhiều kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được kể lại qua các kỷ vật trong triển lãm Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến khu Việt Bắc, khai mạc ngày 3/10 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự, Hà Nội.
TP.HCM đưa mức giá thuê máy bơm chống ngập gần 9,9 tỷ đồng / Thông cáo đặc biệt về tổ chức lễ tang nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước đây từng học trường luật, dạy học và viết bài cho các tờ báo Le Travail, Notre Voix…
Chuyện xưa của người lính
Ông Nguyễn Công Dinh, cán bộ tham mưu tác chiến, đến triển lãm Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến khu Việt Bắc và đứng rất lâu ở phần trưng bày về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng đã từng ở đó. Hơn thế nữa, ông còn là người đã cầm bức thư mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về báo cáo Bác Hồ tại an toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên. “Thư đó, Đại tướng báo cáo với Bác Hồ xin đổi tác chiến từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Chính phương châm tác chiến đó đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, ông Dinh nhớ lại. Được đích thân Đại tướng giao thư, ông Dinh cũng được đi đưa thư bằng chiếc xe jeep duy nhất vốn chỉ dành cho tổng tư lệnh đi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Dinh nhận lệnh sau giờ cơm trưa, rồi chuẩn bị đi luôn khi sương bắt đầu xuống.
Chiếc áo đồng bào dân tộc Nùng tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Tại triển lãm, công chúng được thấy lại nhiều hình ảnh, hiện vật tiêu biểu gắn với cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách Phát động du kích chiến tranh do Đại tướng viết, tổng kết những kinh nghiệm đánh du kích để phổ biến cho cán bộ chiến sĩ năm 1947. Sắc lệnh số 110/SL ngày 20/1/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng và các thành viên Hội đồng Chính phủ sau lễ phong quân hàm Đại tướng năm 1948. Tại đó, Bác Hồ nói: “Nhân danh Chủ tịch nước VN, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”.
Đại tướng đàn bài kết đoàn
Triển lãm cũng có nhiều câu chuyện nhỏ về vị Đại tướng qua những bức ảnh. Trong đó có một bức ảnh ông đang chơi dương cầm. Hướng dẫn viên của bảo tàng cho biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu âm nhạc và chơi được nhiều bản nhạc nước ngoài. Có lần, Bác Hồ hỏi Đại tướng có biết đàn bài Kết đoàn không, sau đó Đại tướng đã học để chơi bản nhạc đó.
Không chỉ trong âm nhạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn có một sức hút kết đoàn mãnh liệt với nhân dân và bạn bè quốc tế. Triển lãm vì thế có nhiều tư liệu ảnh ông chụp cùng bạn bè quốc tế. Trong đó, bức ảnh chụp cựu chiến binh Mỹ Bobby Muller được Đại tướng tiếp tại nhà riêng cho thấy sức hút này. Chú thích ảnh cho biết, ông Muller đã chia sẻ: “Trong cuộc gặp gỡ đó, tôi không hề có một chút cay đắng nào, chỉ có một tình cảm quý trọng và ân huệ to lớn”.
Với đồng bào chiến sĩ, triển lãm có những hiện vật kể về tình cảm họ dành cho Đại tướng - người một đời tâm niệm mình “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Cũng vì thế, trong phần ảnh Điện Biên Phủ, có cả hình ảnh ông chia vui chiến thắng, thăm hỏi thương bệnh binh. Chiếc áo bông đồng bào dân tộc Nùng may tặng ông khi về hoạt động xây dựng căn cứ kháng chiến Cao Bằng năm 1942 vẫn còn đó.
Con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Hồng Nam, rưng rưng nói tại triển lãm về cha mình: “Thực sự chúng tôi rất xúc động, nhớ đến cha chúng tôi. Triển lãm đúng vào dịp 5 năm ông trở về cõi vĩnh hằng. Nó cũng nhắc lại giai đoạn lịch sử của dân tộc. Năm 1941, Bác Hồ đã chọn Việt Bắc làm chiến khu… Đến đây để nhìn thấy lại đồng chí, đồng bào, tướng lĩnh chiến sĩ quân đội đã cùng ông chiến đấu. Nhớ đến ông cũng là nhớ đến đồng chí, đồng bào... Triển lãm cũng là lời cảm ơn, tri ân các thế hệ tướng lĩnh, chỉ huy, chiến sĩ của các đơn vị Quân đội nhân dân VN - những người luôn giữ trọn 10 lời thề với nhân dân”.
Ông Nam cũng nhắc tới mong muốn của cha mình: đồng bào Việt Bắc được ấm no, hạnh phúc. “Năm 1941, Bác Hồ đã giao đường Nam tiến cho ba tôi phụ trách. Năm 1945, Bác Hồ đi trên con đường ấy về Tân Trào. Cha tôi nói phải cắm lại mốc để mọi người biết đến con đường Nam tiến ấy. Có một bản đồ ông vẽ đường Nam tiến từ Hà Nội về Thái Nguyên và Thái Nguyên về Hà Nội vạch ra từ năm 1941. Cái đó để mọi người biết đến con đường, đồng bào ở đó và giúp đỡ họ”, ông Nam cho biết.
Những tình cảm của người dân, người lính với Đại tướng sau này lại được gia đình đáp lễ sau khi ông mất. Ngày hôm nay, nhiều người lính xưa, trong đó có ông Dinh, lại đến thắp hương tại tư gia Đại tướng. Ông Nam cũng cho biết còn giữ liên lạc với nhiều người ở Việt Bắc xưa, trong đó có gia đình ông Đoàn Văn Hoan - đảng viên đầu tiên ở Bắc Kạn. “Gia đình ông Hoan giờ chỉ còn mẹ và con gái. Chúng tôi vẫn đến thăm. Chúng tôi cũng muốn sau này có những chương trình để mọi người biết đến cùng giúp đỡ, chứ đồng bào còn rất khó khăn”, ông Nam nói.
Triển lãm có trên 200 hình ảnh, hiện vật, gồm 3 chủ đề chính: Chiến khu Việt Bắc - cái nôi của cách mạng VN; Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Chiến khu Việt Bắc đến ngày toàn thắng; và Đại tướng của nhân dân. Bảo tàng Lịch sử quân sự, Sở VH-TT-DL các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang và Lạng Sơn cùng phối hợp tổ chức triển lãm.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo